“VietNamNet đưa tin động đất 8,9 độ Richter chấn động Nhật Bản”. Thông tin chấn động đó lan truyền trong khắp tòa nhà Công ty Cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (AIC) từ lúc 13h30 ngày 11/3. Từ đó, mọi người dán mắt vào màn hình máy tính để tìm hiểu thông tin về vụ động đất – sóng thần.
Trên tầng 8, ngồi trước màn hình, một tay di chuột một tay áp điện thoại lên tai, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Nhàn đang tích cực tìm thông tin và hy vọng nối được liên lạc với Văn phòng đại diện tại Nhật Bản. Phòng Tổng Giám đốc và các bàn thư ký tĩnh lặng nhưng căng thẳng hơn bao giờ hết.
Điện thoại bàn, điện thoại di động, các hình thức chia sẻ trên mạng để trao đổi thông tin đều được huy động. Chỉ có tiếng lách tách của bàn phím là rõ mồn một. Đôi khi, cả phòng nín thở khi có tiếng ai đó “A lô” rồi sau đó là tiếng thở dài.
Không khí nặng nề kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Bởi bên kia là 5 nhân viên của văn phòng đại diện công ty ở Nhật Bản, là đầu mối liên hệ với hàng ngàn đối tác Nhật Bản, tu nghiệp sinh, thực tập sinh của công ty.
Đã hết giờ làm việc, nhưng tòa nhà AIC vẫn sáng đèn. Hầu như tất cả cán bộ nhân viên đều ở lại chờ tin tức từ Nhật Bản. Đội ngũ trưởng phòng lên tập trung tại phòng Tổng Giám đốc và Ban Thư ký. Ai đó thắp hương trên ban thờ tầng thượng.
Rồi cả phòng vỡ òa khi nhận được email của Lưu Thị Ngọc - Trưởng Văn phòng đại diện - gửi từ Tokyo lúc 16h13 (múi giờ chênh nhau 2 tiếng, giờ Việt Nam là 18h13). Tất cả ùa đến sau lưng Tổng Giám đốc. Đây là email kép vì email trước Ngọc viết nhưng không gửi được.
Những thông tin ngắn ngủi nhưng chưa đựng biết bao thông tin và ân tình lúc đó.
Kính gửi Tổng giám đốc,
Kính gửi các đồng chí.
Tất cả đường dây điện thoại, di động cố định đều không thể sử dụng. Internet cũng không sử dụng được. Chỉ có thẻ của tôi dùng di động không dây nên mới có thể update thông tin gửi các đồng chí.
Ngoài đường xe cộ nườm nượp. Tokyo có thông báo bố trí xe bus cho mọi người về các ngả nhưng tình hình đông đúc và chen lấn, nếu có lên được xe bus thì chắc cũng nghẹt thở.
Chúng tôi vẫn trụ lại văn phòng để làm việc nhưng tinh thần không tập trung được. Việc nhiều không giải quyết được… Khó quá!
Khi có thông tin mới xin phép được báo cáo TGĐ và các đồng chí!”.
Tôi hiểu trong lúc này các nhân viên của Văn phòng đại diện cũng đang cố gắng liên hệ với các đối tác và lao động do Công ty đưa đi nhưng tình hình hết sức khó khăn.
Email trước đó Ngọc viết mà lúc này mới nhận được:“Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến trận động đất lớn như thế này. Liên tục từ 3h kém 10 đến bây giờ là 18h rồi. Không hiểu mấy giờ thì động đất sẽ dừng lại…”.
Được biết Ngọc đã ở Nhật Bản hơn 10 năm rồi và sống ở rất nhiều vùng của Nhật Bản, thế mới biết trận động đất này khủng khiếp đến thế nào.
Còn đây là email đầu tiên do Ngọc soạn thảo mà không gửi về ngay được.
Khoảng 3 giờ kém 10 ngày hôm nay, tại Nhật khu vực phía Bắc của Tokyo liên tục xảy ra các trận động đất. Khu vực chịu ảnh hưởng lớn nhất tại các tỉnh Miyagi, Fukushima...
Sóng thần đã phủ toàn bộ khu vực nhà cửa của các tỉnh sát với biển. Hỏa hoạn khắp nơi... Tại khu vực Tokyo, các tòa nhà rung chuyển, tài liệu, đồ đạc rơi vãi...
Tòa nhà nơi văn phòng AIC không có ảnh hưởng lớn, các cán bộ đại diện tính mạng an toàn.
Đường xá đông đúc vì mọi người đi bộ về nhà. Ngoài trời lạnh giá.
Không có bất cứ một phương tiện nào có thể sử dụng được: xe điện, bus, không có. Taxi không ai dám chạy mà chạy về nhà mình đầu tiên.
Tòa nhà đang cảnh báo sẽ có khả năng động đất lớn dần và yêu cầu mọi người chuẩn bị tinh thần, tự bảo vệ mình.
Xin báo cáo TGĐ về Văn phòng để mọi người biết tình hình của chúng tôi.
Chúng tôi trong giai đoạn hiện nay vẫn khỏe.
Mong toàn bộ các đồng chí cầu chúc cho Nhật Bản được an toàn”.
Khuôn mặt mọi người giãn ra. Ai đó nhanh chóng đưa cho Tổng Giám đốc ba nén hương cầu chúc cho những người dân xứ bạn và những nhân viên văn phòng, đối tác, lao động của Công ty tại Nhật Bản được an lành.
Từ đó là những email, những cuộc chat, những cuộc điện thoại bị ngắt nửa chừng. Hơn 22h, email của Ngọc gửi về cho biết đã liên lạc được với hơn 30 đối tác, nhiều lao động của công ty đã vào tạm trú tại nơi an toàn thì một ngày làm việc nặng nề mới tạm dừng.
Phương Đông