Trước đây, khu vực cống Đôi Ma từng được nhiều người gọi là Vũng Tàu 2. |
“Vũng Tàu 2”
Một ngày nắng như đổ lửa, chúng tôi đi qua cống Đôi Ma thuộc xã Long Cang, huyện Cần Đước, tỉnh Long An. Ít ai biết khu vực có đoạn cống mịt mù bụi đá và rung lắc sau khi những chiếc xe có trọng tải lớn đi qua từng được mệnh danh là Vũng Tàu 2.
Cống Đôi Ma tương truyền nằm trên sông Song Ma nay gọi là Rạch Đôi Ma. |
Một người dân địa phương cho biết: “Hơn chục năm trước, khu vực cống Đôi Ma cảnh quan rất đẹp, nước trong mát, cỏ cây tươi xanh. Hai bên bờ con rạch lại thoai thoải như bờ biển nên nhiều người đến vui chơi, tắm sông, ngắm cảnh".
"Sau đó, họ tự đồn và ví von khu vực này có cảnh đẹp, mát mẻ như Vũng Tàu rồi gọi vui là Vũng Tàu 2. Từ những lời đồn này, người dân càng kéo đến nhiều, hàng quán tự phát vì thế cũng mọc lên đầy rẫy dọc bờ con rạch”, người này cho biết thêm.
Khẳng định thông tin trên, anh Phạm Văn Tám Lùn, nhân viên UBND xã Long Cang nói: “Trước đây, khu vực cống Đôi Ma được người dân ví von là Vũng Tàu 2. Dịp tháng 3 hàng năm, nơi đây thu hút rất đông người đến vui chơi, tắm sông”.
Theo anh này, sở dĩ nơi đây hấp dẫn người dân bởi có cảnh quan xanh mát, hai bên bờ con rạch sạch, đẹp. Đặc biệt, mực nước trong và ngoài cống có sự chênh lệch khiến nước chảy qua cống tạo ra những sóng, xoáy nước.
Trước đây, khu vực này có cảnh quan xanh mát, nước sông trong vắt nên thu hút nhiều người đến vui chơi, ngoạn cảnh. |
Nhiều người đến khu vực cống để thử cảm giác mạnh bằng cách đứng từ trên cống nhảy xuống dòng nước chảy xiết. Tuy nhiên, sau một thời gian, “Vũng Tàu 2” nhanh chóng trở thành khu vực nguy hiểm vì liên tục xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm.
Bà Hồ Thị Ngọc (55 tuổi, xã Long Cang) kể: “Trước đây, người ta đến đây chơi rồi chết đuối nhiều lắm. Đa phần những người gặp nạn đều là tình nhân và thường chết cùng một lúc".
"Tôi còn nhớ chuyện đôi vợ chồng từ Bình Dương xuống đây chơi. Không hiểu sao cả hai tắm sông rồi chết đuối luôn”, bà Ngọc nói thêm.
Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã cắm bảng cấm người dân tụ tập tắm, giặt tại khu vực cống có tên gọi đáng sợ này. Sau nhiều năm cấm tụ tập, bơi lội, tắm giặt, khu vực xung quanh cống Đôi Ma cây cỏ mọc cao, bèo, lục bình gần như lấp kín mặt nước.
Tuy nhiên, sau này nơi đây có nhiều vụ đuối nước thương tâm nên chính quyền địa phương đã cắm bảng cấm tụ tập. |
Tình sử bi thương
Tuy vậy, cái tên cống Đôi Ma vẫn là địa điểm hấp dẫn trí tò mò của nhiều người. Người dân địa phương khẳng định, trước đây, người ta tìm đến cống Đôi Ma với nhiều lý do chứ không chỉ bởi nơi đây có cảnh quan xanh mát.
Một trong những lý do đó là nơi đây gắn với câu chuyện mang màu sắc tâm linh, huyền hoặc về chuyện tình bi thương và cái chết của đôi tình nhân trẻ.
Các bậc cao niên tại đây cho biết, đoạn sông có cống Đôi Ma xưa kia có tên là sông Song Ma nay gọi là rạch Đôi Ma. Cái tên Song Ma bắt nguồn từ việc đôi trai gái yêu nhau nhưng không thành đôi lứa. Cả hai chết bên nhau và không được chôn cất nên trở thành “song ma lang thang vùng sông nước".
Từ đó, nơi đây trở nên hoang vắng, cỏ mọc um tùm hai bên bờ rạch. |
Chuyện tình đẫm lệ trên được ghi rõ tại trang 63, sách Đại Nam Nhất Thống Chí, Lục tỉnh Nam Việt, tập thượng do Nhà văn hóa Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản năm 1959. Sách này viết: “Sông Song Ma: Ở phía Nam huyện Cửu An 22 dặm, có tên nữa gọi là sông Tình Trinh, là hạ lưu của sông Cửu An.
Tương truyền, xưa có người con gái nhà giàu vừa tuổi cập kê, ái mộ một cậu học sinh là Nguyễn Vi Nhân, nhưng vì hổ thẹn nên không tư ước cùng nhau. Còn cậu học sinh vì nhà nghèo chẳng dám mượn mai mối đến nói việc hôn nhân, nàng tương tư, uất hận mà chết.
Cha mẹ cô thương tiếc, không đem chôn ngay mới cất cái lều ở sau vườn làm nơi quàn cữu (chỗ để quan tài). Cậu học sinh nghe cô chết bèn đến thắt cổ chết ở bên, nhân đó, người ta quàn cả hai một chỗ, âm khí kết tụ lâu thành ma quỷ.
Một số đoạn của con rạch gần như bị lấp kín bởi lục bình. |
Sau cha mẹ cô cũng đều mất nên không ai chôn cất, cây cối mọc lên thành gò rậm, quỷ khí lại thạnh hành, dân chúng đều khổ nên gọi là chỗ Song Ma. Để tránh nạn ấy, sau Tây Sơn đến đốt phá lều ấy đi mới hết tai quái”.
Từ huyền tích này, người xưa sinh sống xung quanh con sông Song Ma vẫn lưu truyền những câu chuyện ma mị về đôi trai gái cùng thiên tình sử bi thương. Có người kể, sau khi đôi tình nhân ấy chết, đêm đến có một cặp thiên nga đen cùng nhau kiếm ăn ở đoạn sông nơi từng để áo quan của họ.
Một số khác lại khẳng định, đêm về ai đi ngang qua đoạn sông này cũng nghe thấy tiếng khóc của đôi tình nhân. Thậm chí nhiều người còn đồn đoán việc nhiều cặp tình nhân đuối nước chết cùng lúc tại cống Đôi Ma là do “oan hồn” của đôi tình nhân năm xưa tác động…
Hiện nay, cống Đôi Ma đang được cải tạo, sửa chữa để phục vụ việc ngăn mặn. |
Tuy nhiên, anh Phạm Văn Tám Lùn phủ nhận những đồn đoán mang tính mê tín nói trên. Anh cho biết, việc nhiều người gặp nạn tại khu vực cống Đôi Ma trước đây là do người dân quá chủ quan trước dòng nước chảy xiết từ cống nước.
Ngoài ra, việc đứng trên thành cống rồi nhảy xuống vùng nước sâu, có xoáy cũng khiến nhiều người gặp tai nạn bất ngờ. “Bằng chứng là sau khi chính quyền địa phương quản lý, cấm không cho người dân tụ tập, nhiều năm nay, nơi đây không ghi nhận tình trạng đuối nước thương tâm”, vị này cho biết thêm.
Bài, ảnh: Hà Nguyễn
Cây trâm cổ ở Long An thành điểm cầu cơ, xin số của dân 'đỏ đen'
Người dân nơi đây không ai dám mạo phạm cây trâm cổ, đi ngang qua còn phải cởi nón, cúi đầu chào. Gần đây, cây thiêng bỗng nhiên trở thành điểm cầu cơ, xin số của tín đồ đỏ đen.