Kể với bác sĩ, người đàn ông trên cho biết, mỗi lần gần gũi vợ, “cậu nhỏ” vẫn cương cứng được khi có kích thích ban đầu nhưng cứ chuẩn bị thâm nhập thì lại mềm. Cảm thấy chán nản, mặc cảm, người đàn ông trẻ tuổi trở nên sợ hãi mỗi khi quan hệ với vợ. Anh quyết định đi khám.

Tại Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bệnh nhân được thăm khám cơ quan sinh dục, không thấy các dấu hiệu bất thường. Các chỉ số xét nghiệm máu, tinh dịch đồ cũng hoàn toàn bình thường.

Bác sĩ nhận định, vấn đề bệnh nhân chưa thể có con do khả năng cương dương của “cậu nhỏ” không thể duy trì khi quan hệ với vợ.

Lộ trình kết hợp các liệu pháp điều trị tư vấn tâm lý, giáo dục tình dục, liệu pháp hành vi và liệu pháp thuốc uống nhóm ức chế PDE-5 được đưa ra.

Sau điều trị, bệnh nhân tự tin mỗi khi quan hệ. Sau một năm chờ đợi, "quả ngọt" đã đến, vợ anh mang thai.

Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ Khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, rối loạn hoạt động tình dục là một trong những nguyên nhân dẫn tới chậm con, hiếm muộn ở nam giới.  

ThS.BS Trần Văn Kiên, Khoa Nam học và Y học giới tính, cho hay rối loạn cương dương thường hay gọi với tên yếu sinh lý, liệt dương, bất lực. “Cùng với xuất tinh sớm, rối loạn cương dương là rối loạn hoạt động tình dục phổ biến nhất thế giới”, ThS Kiên nói.

Đây là tình trạng dai dẳng dương vật không có khả năng đạt được và duy trì trạng thái cương cứng để thoả mãn hoạt động tình dục.

Khi nào đàn ông được chẩn đoán rối loạn cương dương?

Theo ThS Kiên, rối loạn cương dương có thể là triệu chứng, biểu hiện thoáng qua, hoặc diễn tiến thành bệnh lý.

Để chẩn đoán đó là bệnh, cần có ít nhất một trong ba triệu chứng sau xảy ra trong hầu hết (75-100%) các lần hoạt động tình dục.

Đầu tiên, nam giới khó khăn trong việc đạt được trạng thái cương cứng khi quan hệ. Thứ hai, giảm mức độ cương cứng của dương vật. Cuối cùng, người đàn ông khó khăn khi duy trì trạng thái cương cứng cho đến khi hoàn thành quan hệ. 

Hơn thế, triệu chứng này phải kéo dài trong ít nhất 6 tháng, gây ra trạng thái không thoải mái rõ rệt cho cá nhân và đối tác.

Một căn cứ quan trọng khác để chẩn đoán người bị bệnh rối loạn cương dương, là rối loạn không giải thích được bằng các rối loạn tâm thần khác; do hậu quả của mối quan hệ giữa hai bạn tình không tốt; yếu tố stress; không do sử dụng các chất tác động tâm thần hoặc các bệnh lí cơ thể khác.

BS Nguyễn Tuấn Đạt, Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện 108, dẫn một nghiên cứu từ Đại học Massachusetts (Mỹ) cho thấy, rối loạn cương dương xuất hiện ở nam giới từ 40 đến 70 tuổi, chiếm khoảng 52%. Ước tính khoảng 150 triệu nam giới trên thế giới có rối loạn cương dương. Tình trạng rối loạn cương dương ở nam giới (dưới 40 tuổi) chiếm khoảng 40%.

Tại Việt Nam, tình trạng này ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Nam giới ở độ tuổi 18 - 20 cũng có nguy cơ mắc bệnh, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng mạnh.

Theo bác sĩ Kiên, có 7 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới rối loạn cương dương, trong đó, yếu tố tâm lý là đóng vai trò quan trọng trong cơ chế sinh bệnh.   

Sau 2 năm đại dịch Covid-19, các nhà nghiên cứu tìm thấy nhóm nguyên nhân nữa liên quan bệnh này. Theo bác sĩ Kiên, có 5% nam giới sau Covid-19 xuất hiện tình trạng rối loạn cương dương. Bệnh nhân Covid-19 cũng có nguy cơ mắc tăng gần 4%. Bản thân những bệnh nhân bị rối loạn cương dương cũng tăng nặng thêm sau thời gian mắc Covid-19.

Những năm gần đây, các nhà nghiên cứu nhận thấy, rối loạn cương dương không còn là bệnh lý đơn độc mà còn liên quan nhiều bệnh toàn thân khác như đái tháo đường, cao huyết áp, rối loạn lipid máu…

Đặc biệt tình trạng “yếu sinh lý” này liên quan chặt chẽ với bệnh lý rối loạn tim mạch. “Đây gần như là dấu hiệu sớm báo hiệu rối loạn tim mạch”, ThS Kiên cho hay.

Thanh Hiền