Ba người con của ông bà đều đã trưởng thành, muốn thuê người giúp việc chăm sóc bố mẹ nhưng ông bà không đồng ý. Ông bà bảo chỉ cần hai người chăm cho nhau là đủ.

Về thôn An Thông, thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang, hỏi nhà ông Chỉnh bà Hoạch, ai cũng biết và đều kèm thêm lời khen “gia đình ấy có con ngoan ngoãn, thành đạt lắm”.

Gia đình ông Nguyễn Đức Chỉnh và bà Nguyễn Thị Hoạch được vinh danh gia đình văn hóa của huyện, tỉnh trong nhiều năm liền. Năm 2007, gia đình ông bà còn được vinh danh là gia đình văn hóa toàn quốc. Ở địa phương, ông bà cũng nổi tiếng là tấm gương gia đình hòa thuận, hạnh phúc, nuôi dạy con cái tốt.

Chia sẻ về hôn nhân của mình, ông Chỉnh kể, ông bà quen nhau và quyết định cưới chỉ trong vòng vài tháng. Ngày xưa, ông ở trong làng, còn bà là người thị trấn. Bà về nhà ông - một gia đình thuần nông làm dâu nhưng không biết làm ruộng. Hồi con gái, bà chỉ phụ giúp mẹ buôn bán tự do. Từ khi đi lấy chồng, bà phải học dần mọi thứ để thích nghi với cuộc sống mới.

“Nói là người thị trấn nhưng bà ấy cũng ‘nhà quê’, hiền lành và nhút nhát lắm”.

{keywords}
Vợ chồng ông bà Chỉnh khi còn trẻ. Ảnh: NVCC

Ông kể, cưới nhau xong, 2 vợ chồng làm gì cũng có nhau, đến mức hàng xóm hay bảo đôi vợ chồng trẻ “cứ quấn lấy nhau như sam”.

Suốt 20 năm làm dâu, bà Hoạch được mẹ chồng quý như con gái. Ông kể, nhiều lần, mẹ chồng còn đun nước gội đầu cho con dâu - một việc hiếm có trong mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu thời ấy.

Ông tự hào kể, 44 năm chung sống, ông bà chưa một lần nào nói to với nhau, cũng chưa bao giờ xưng hô “mày - tao, anh - tôi”, mà chỉ có “anh - em”, hoặc khi có con cháu thì xưng “ông - bà”.

Khi được hỏi ông bà có bí quyết gì để giữ gia đình yên ấm, hòa thuận, ông bảo “tôi chẳng có bí quyết gì cả ngoài việc vợ chồng luôn chân thành, thẳng thắn với nhau trong mọi chuyện, từ tiền bạc cho tới tình cảm”.

Nói về vợ, ông khen bà được cái nết hiền lành, thật thà. “Tính tôi nóng tính, thẳng tuột và cực kỳ ghét sự lươn lẹo, dối trá”.

Để nhà cửa yên ấm, bà bảo: “Mỗi khi ông ấy nóng, tôi sẽ không nói gì cả. Khi ông ấy dịu xuống, tôi mới nói, ông ấy lại cười xòa”.

Còn cái nết mà bà thấy trân trọng ở ông nhất là “đi đâu cũng chỉ mong về nhà”.

Cách đây 15 năm, bà bị tai biến, liệt nửa người. Bây giờ bà di chuyển hoàn toàn bằng xe đẩy 2 bánh. Hằng ngày, ông nhận phần đi chợ, rồi về phụ giúp bà nấu cơm. Đặc biệt, từ khi bà gặp tai nạn, một tay yếu không giơ lên được, 15 năm nay ông đều là người gội đầu cho bà.

Từ ngày bà phải ngồi xe đẩy, ông cũng không bao giờ đi đâu xa nhà, sợ bà ở nhà một mình buồn.

Ngoài tình yêu dành cho nhau, thành tựu đáng tự hào nhất cuộc đời ông bà là những đứa con ngoan, thành đạt và luôn biết nghĩ cho bố mẹ.

Các con ông bà đều đang giữ những vị trí quan trọng trong các tập đoàn lớn. Anh con cả hiện giữ vị trí Giám đốc một công ty Việt Nam ở Nhật Bản. Anh thứ hai đang là phó giám đốc một chi nhánh thuộc tập đoàn lớn. Cô con gái út của ông bà cũng đang công tác ở một tập đoàn ở Hà Nội. 

{keywords}
Hiện tại, hai ông bà đang hài lòng với cuộc sống an nhiên, tự chăm sóc nhau lúc về già.

Kể về những ngày tháng gian khó nhưng vẫn quyết tâm nuôi các con ăn học, ông nhớ lại: “Ngày ấy, vợ chồng tôi mở một cửa hàng buôn bán nhỏ, kết hợp với sửa xe đạp, bán than củi, các vật dụng cho nhà nông. Thậm chí, tôi còn kéo xe bò thuê cho người ta để có tiền nuôi con”. 

Các con ông bà như hiểu sự vất vả của bố mẹ, luôn có ý thức học tập, chăm ngoan, chịu khó. Từ nhỏ đến lớn, ông bà không bao giờ phải nhắc một câu nào về chuyện học hành của các con. Cứ anh lớn dẫn dắt, bảo ban các em theo sau. 

Cả 3 anh chị từ bé đã học giỏi nổi tiếng ở địa phương. Riêng anh cả, từ lớp 1 đến đại học, chưa từng đứng sau ai. Chính vì thế mà lên đại học, anh được cử đi học ở Nhật Bản theo diện học bổng toàn phần và ở đó làm việc đến nay đã hơn 20 năm.

Bà Hoạch nhớ rằng ý chí học tập của các con vừa đáng nể lại vừa thương. “Nhiều đêm, con không dám đắp chăn ấm vì sợ ngủ quên, không dậy học bài được”.

Ông Chỉnh còn nhớ một kỷ niệm khi anh cả đang học cấp 3. Năm đó, anh được chọn đi thi học sinh giỏi Toán, Lý toàn tỉnh. Vị hiệu trưởng mời ông lên phát biểu, chia sẻ với các phụ huynh khác về cách giáo dục con cái của ông bà. Ông chỉ nói: “Gia đình tôi là con nhà nghèo, ở nông thôn. Tôi chỉ nói với các con là cho dù bố mẹ có phải ở cầu ở chợ cũng quyết chí cho các con học hành đến nơi đến chốn”.

Hiểu được tấm lòng của bố mẹ, cả 3 người con của ông bà đều có ý thức tự giác học tập từ nhỏ.

{keywords}
Đại gia đình ông bà và các con cháu. Ảnh: NVCC

Ông Chỉnh tự hào kể về các con: “Vợ chồng tôi làm nông, không có đủ trình độ để dạy con cái chuyện học hành. Tôi chỉ biết dạy các cháu cái gì cần làm, cái gì không, phân tích cho các con nghe điều hay lẽ phải”.

Ông cũng tâm sự, hai vợ chồng chưa từng dùng đòn roi với bất kỳ đứa con nào, nhưng từng có 11 năm đi lính nên ông tự nhận xét rằng mình dạy con theo tác phong của nhà binh.

Vợ chồng ông bà đồng quan điểm, muốn dạy con tốt thì bố mẹ phải làm gương, từ cách vợ chồng ứng xử với nhau đến cách đối nhân xử thế với mọi người xung quanh.

Bà Hoạch tâm sự, ngày xưa bà được mẹ chồng quý như con gái. Bây giờ bà cũng quý 2 cô con dâu như con gái của mình. Còn chàng con rể thì quan tâm tới bố mẹ vợ thậm chí còn hơn con trai. Ngồi bên cạnh, ông chen thêm vào: “Bà ấy còn bênh con dâu hơn con trai’.

Bây giờ, cuộc sống của 2 ông bà mỗi ngày trôi qua thật nhẹ nhàng. Bõ công những ngày tháng vất vả vì con, ông bà nói rằng cảm thấy thật may mắn vì các con đều trưởng thành, có hiếu và rất quan tâm tới bố mẹ. Kết thúc câu chuyện, bà vui vẻ khoe: "Anh con trai cả ở bên Nhật mới mua cho mẹ cái xe đẩy hiện đại lắm, nhưng vì dịch Covid nên chưa gửi về được". 

Tình yêu của anh vận động viên và người vợ hát rong cao 1m

Tình yêu của anh vận động viên và người vợ hát rong cao 1m

Dù gia đình kịch liệt phản đối, anh Trần Văn Nguyên vẫn một mực bảo vệ tình yêu của mình với bạn gái.

Đăng Dương