Cùng một loại Tivi 4K nhưng mỗi đơn vị bán hàng lại đưa ra mức giá khác nhau khiến cho người mua hoang mang không biết đâu mới là giá thật.

Cuối năm cũng là lúc nhu cầu mua các sản phẩm điện máy, đặc biệt là Tivi tăng mạnh. Theo khảo sát, TV 4K từng được coi là mặt hàng cao cấp với giá bán lên đến 300 triệu đồng. Song dòng sản phẩm này ngày càng "hạ nhiệt".

Trên thị trường, các mẫu TV 10-15 triệu đồng đang có sức bán tốt nhất nhờ mức giá phù hợp với thu nhập của người dùng trong nước. Tuy nhiên, mức giá bán sản phẩm này lại khác nhau đối với từng đơn vị cung cấp.

Đơn cử Smart Tivi LED Samsung 40 inch 4K có mã 40KU6400 được niêm yết trên trang bán hàng của Media Mart là 15,4 triệu đồng, giảm so với giá gốc là 17,9 triệu đồng. Với khách hàng không lấy quà khuyến mại như bếp từ, phiếu mua hàng, giá chiếc TV này còn 11,99 triệu đồng. Trang web của hệ thống điện máy Nguyễn Kim lại niêm yết giá gốc 15,4 triệu đồng và giá bán khuyến mại còn 11,9 triệu đồng.

{keywords}
Nhiều sản phẩm được nâng giá lên cao sau đó bán giảm giá

Trên trang thương mại điện tử Adayroi, giá sản phẩm trên là 12,599 triệu đồng, nhập mã khuyến mại được giảm thêm 500 nghìn đồng. Một nhà bán lẻ trực tuyến khác là Tiki niêm yết 15,390 triệu đồng, giá sau khi giảm còn 11,59 triệu đồng. 

Trong khi đó, Lazada niêm yết mức mức giá thấp nhất là 11,199 triệu đồng. Ngoài ra, nếu mua bằng thẻ của một số ngân hàng, tùy theo đơn vị phân phối, người mua còn được giảm thêm 500 nghìn đồng.

Nếu đọc kỹ các điều khoản của các đơn vị phân phối, cùng một sản phẩm nhưng chính sách cũng khác nhau. Trong khi hầu hết miễn phí vận chuyển và lắp đặt thì Tiki thu phí 60 nghìn đồng, áp dụng tại TP.HCM và Hà Nội (chưa bao gồm vật tư).

Tương tự như vậy, Smart Tivi 4K LG 49 inch 49UH850T, trang bán lẻ Tiki niêm yết giá 20,09 triệu đồng, giá thị trường được trang này công bố là 23,9 triệu đồng. Nhà bán lẻ Lazada lại có mức giá 19,190 triệu đồng.

{keywords}
Nhiều chính sách bán hàng chỉ áp dụng tại khu vực, hoặc giảm giá nhưng không còn hàng

Sản phẩm tương tự tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim có 21,90 triệu đồng, mức giá gốc được niêm yết là 25,90 triệu đồng. Giá hãng của Mediamart là 28,9 triệu đồng, giá sau khi giảm còn 25,9 triệu đồng, tuy cao hơn so với các đơn vị trên nhưng khách hàng có thể trừ các khuyến mại để có mức giá rẻ nhất.

Việc niêm yết giá khác nhau nên không ít người tiêu dùng tỏ ra hoang mang khi lựa chọn sản phẩm. Anh Ngô Thanh Tùng (Kim Liên, Hà Nội) cho biết, anh đang có nhu cầu mua Tv 4K khi về nhà mới. Nhưng anh đã phải mất cả một buổi chiều để tìm đơn vị bán hàng rẻ nhất. “Mỗi đơn vị một giá khác nhau, không biết đâu mà lần. Sợ nhất là giá rẻ mà hàng lỗi”, anh Tùng cho hay.

Nhân viên bán hàng qua điện thoại của một siêu thị cho rằng, họ có mức giá thấp hơn so với các hãng bán lẻ khác do đang chạy chương trình khuyến mại cuối năm. Người mua hàng được nhiều mức giá hấp dẫn. Cạnh tranh cuối năm nên các hãng cũng đua nhau giảm giá nhiều sản phẩm.

Lý giải về mức giá các đơn vị phân phối khác nhau, thậm chí chênh lệch rất lớn, ông Nguyễn Thanh Phong, đại diện một hệ thống bán lẻ cho rằng, tùy theo chính sách bán hàng mà cùng một sản phẩm mỗi đơn vị bán lẻ sẽ khác nhau. 

Ông Phong lấy dẫn chứng, giá bán tại siêu thị điện máy của ông luôn cao hơn do chính sách bảo hành tốt hơn, thông thường được gấp đôi thời gian bảo hành, khách hàng được đổi trả miễn phí trong khoảng thời gian nhất định và có thể bán lại cho đơn vị phân phối sản phẩm đã dùng.

Ông Phong cũng cho biết thêm, các hãng điện tử tùy theo các đơn vị phân phối nên có mức giá bán buôn khác nhau. Bên cạnh đó, bán lẻ trực tuyến thường rẻ hơn so với cửa hàng điện máy do tiết kiệm được chi phí nhân viên bán hàng, địa điểm thuê,… 

Tuy nhiên, ông Phong cảnh báo, người tiêu dùng cần chú ý tới nguồn gốc sản phẩm, đơn vị bán hàng uy tín để tránh phải mua hàng lỗi, kém chất lượng mà không được bảo hành.

Nam Hải