Trả lời câu hỏi của VietNamNet tại cuộc họp báo chiều 24/8 về khả năng nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ lên tầm đối tác chiến lược, TNS Jim Webb cho biết, phía Mỹ đã có một số thảo luận với đại sứ Việt Nam tại Washington về việc này.

Chủ tịch Tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương của Thượng viện Mỹ cho rằng Mỹ sẽ nghiên cứu quan hệ đối tác chiến lược mà Việt Nam đã ký với 7 nước khác. Vị Thượng nghị sỹ này muốn biết trên thực tế tầm nhìn của "đối tác chiến lược" là như thế nào.

Vì vậy, tại thời điểm này, ông chưa thể nói cụ thể hơn về những lĩnh vực và tầm mức mà hai nước sẽ hướng tới trong khuôn khổ đối tác chiến lược.


Thượng Nghị sĩ Mỹ Jim Webb Ảnh: ĐP
Quan hệ Việt – Mỹ đang tốt đẹp như những gì ông chứng kiến, điều đó mang lợi ích cho cả hai nước, cũng như cho cả khu vực. “Chúng ta có thể hợp tác với nhau chặt chẽ trong tương lai”, ông Jim Webb nói.
Đáng chú ý, thượng nghị sĩ Mỹ cho hay, quan hệ giữa hai bộ Quốc phòng Việt Nam và Mỹ là “cẩn trọng và tích cực”. Do đó, hai bên đã bàn đến khả năng chuyển giao công nghệ quân sự, quốc phòng của Mỹ cho Việt Nam. Cụ thể là các quan chức chuyên trách trong tiểu ban đã bàn với bộ Quốc phòng trong chuyến thăm này.
Diễn tiến Biển Đông sẽ theo kiểu lên - xuống cho đến khi đạt giải pháp

Luôn dùng từ "East Sea" thay vì South China Sea như quốc tế thường gọi, TNS Jim Webb cho rằng cách tiếp cận song phương sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề tranh chấp ở Biển Đông bởi các nước có tranh chấp không có được vị trí ngang bằng với Trung Quốc.
Phát biểu tại cuộc họp báo chiều nay (24/8) tại Hà Nội, Chủ tịch tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ bình luận rằng nếu nhìn vào các hoạt động gia tăng của Trung Quốc trong hơn một năm qua, đầu tiên là ở đảo Senkaku (tranh chấp với Nhật Bản), sau đó là các hành động tranh chấp với Philippines và Việt Nam (ở vùng đặc quyền kinh tế), Trung Quốc luôn muốn giải quyết song phương.
"Nhưng các nước có tranh chấp, cụ thể là các thành viên ASEAN, không có được vị trí ngang bằng, nếu nhìn vào mối quan hệ sức mạnh trong khu vực. Do đó, giá trị của Mỹ ở đây, tôi tin là để thúc đẩy sự ổn định, nhờ đó mà các bên có thể có vị trí để đàm phán. Những vấn đề này rất phức tạp, khó giải quyết với từng nước. Và các nước không có tranh chấp như Indonesia và Singapore cũng đều kêu gọi giải pháp đa phương cho vấn đề biển Đông. Thách thức để tìm ra được diễn đàn đúng, cách thức đúng để giải quyết chính là cần có sự thảo luận và đồng tình của Trung Quốc”, ông Webb nói.
Tác giả bản nghị quyết về Biển Đông mới được Thượng viện Mỹ thông qua cho rằng, ASEAN có tiếng nói rất giá trị trong việc thúc đẩy thảo luận.
Bày tỏ sự quan ngại của mình, thượng nghị sĩ Mỹ nói, từ 15 – 20 năm trước, Trung Quốc đã đưa ra chiến lược kỹ lưỡng về chủ quyền ở biển Đông. Tham vọng của Trung Quốc có giảm xuống nếu có sự vụ, nhưng sau đó lại nổi lên. Sau khi ký thỏa thuận các nguyên tắc thực hiện DOC với ASEAN như vừa qua tại Bali, tham vọng của Trung Quốc lại chìm xuống. Nhưng về cơ bản diễn tiến sẽ theo kiểu lên – xuống cho tới khi chúng ta đạt được một cách thức giải quyết (đa phương).
Nhấn mạnh đây là lần đầu tiên Thượng viện Mỹ lên án các hành động quân sự của Trung Quốc ở khu vực, TNS Webb cho rằng, bản nghị quyết là một thông điệp quan trọng, rằng Mỹ cần Trung Quốc thể hiện sự tích cực trong việc tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp và nước Mỹ mong muốn thấy giải pháp hòa bình.
Quốc hội Mỹ sắp thông qua dự luật về sông Mekong

Trước các quan ngại về việc xây dựng các đập thủy điện ở sông Mekong, Thượng nghị sĩ Mỹ nói, nếu Lào có dự định tiếp tục đập thủy điện Xayaburi ở hạ nguồn sông Mekong, ông hy vọng việc này sẽ được tiếp tục với phân tích kỹ thuật đúng đắn và xem xét tác động môi trường.
Đồng thời, các thành viên của tiểu ban cũng bày tỏ lo ngại sâu sắc về tác động của các đập thủy điện trên thượng nguồn Mekong của Trung Quốc, ảnh hưởng tới 65 triệu người ở hạ nguồn.
“Điều đầu tiên tôi muốn nói tới vấn đề đập thủy điện ở sông Mekong là chúng tôi muốn thấy Trung Quốc cũng như Myanmar tham gia vào Sáng kiến hạ nguồn Mekong. Cũng như vấn đề biển Đông, chúng ta cần tất cả các bên cùng ngồi với nhau để đưa ra giải pháp công bằng. Trung Quốc là một trong vài nước trên thế giới không nhận ra vấn đề ở hạ nguồn một cách đúng đắn”.
Vì thế, vấn đề chính trong dài hạn là Mỹ hy vọng Trung Quốc tham gia vào quá trình thảo luận. Về phía Mỹ, các nghị sĩ Mỹ đã trình lên một dự luật, trong đó yêu cầu đại diện Mỹ trong các tổ chức như ADB không bỏ phiếu thông qua các khoản tài trợ cho các dự án đập thủy điện ở sông Mekong khi chưa có đánh giá tác động môi trường.
 “Tôi lạc quan là dự luật sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua trong năm nay”, ông Webb nói.

Thảo Lam