Ngày 11/3, trận động đất kinh hoàng 9 độ richter xảy ra ở vùng bờ biển đông bắc Nhật và kéo theo sóng thần cao tới 10m ập vào đất liền khiến hơn 10.000 người mất tích. Nước Nhật tan hoang sau thảm họa kép.



Động đất lớn chưa từng có

Trận động đất 9 độ Richter xảy ra lúc 2h46 chiều giờ địa phương ngày 11/3 với 4 tâm chấn xuất hiện cùng một lúc. Bốn khu vực tâm chấn tạo thành một vành đai dài vài trăm kilômét, từ khu vực ngoài khơi tỉnh Miyagi tới khu vực ngoài khơi tỉnh Ibaraki. Trận động đất kinh hoàng kèm theo sóng thần với sức tàn phá ghê gớm đã dịch chuyển đảo chính của Nhật Bản khoảng 2,4m và làm trục trái đất chệch đi ít nhất 8cm.

Trận động đất đánh vào bờ biển phía đông Nhật Bản, đã giết hại hàng trăm người vào tạo nên những bức tường nước cao tới 10m quét phăng ruộng đồng, nhấn chìm nhiều thị trấn, lôi tuột nhiều ngôi nhà ra giữa đường cao tốc và tung xe hơi cùng tàu thuyền lên không trung như những món đồ chơi. Một số đợt sóng vào sâu trong đất liền ở tỉnh Miyagi tới 10km.

Đây là trận động đất mạnh nhất tại xứ Phù Tang trong lịch sử khoảng 140 năm qua, và sóng thần mà nó tạo ra đã tràn qua cả Thái Bình Dương, dẫn đến những cảnh báo sóng thần tại 50 quốc gia và vùng lãnh thổ, tới tận những nước xa xôi như Canada, Mỹ và Chile. Chỉ trong vòng 24 giờ sau khi xảy ra động đất đã có 160 dư chấn, trong đó có đến 141 dư chấn mạnh từ 5 độ Richter trở lên.

Theo Shengzao Chen, một nhà địa vật lý thuộc cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGC), trận động đất xảy ra khi vỏ Trái đất bị nứt dọc một khu vực dài tới 400km và rộng 160km, khiến các địa tầng kiến tạo bị trượt tới hơn 18m.

Nhật Bản nằm dọc "vành đai lửa", một khu vực có nhiều hoạt động núi lửa và động đất kéo dài từ New Zealand ở Nam Thái Bình Dương lên đến tận Nhật Bản, chạy tới Alaska và rồi vòng xuống các bờ biển phía tây của Bắc và Nam Mỹ. Theo ông Jim Gaherty thuộc trung tâm quan sát trái đất LaMont-Doherty của Đại học Columbia thì trận động đất này mạnh gấp "hàng trăm lần" so với trận động đất năm 2010 làm hơn 230.000 người chết ở Haiti.

Trận động đất ở Nhật Bản vừa qua có sức mạnh tương đương với trận động đất năm 2004 ở Indonesia đã gây nên sóng thần làm chết hơn 200.000 người thuộc hơn 10 quốc gia quanh Ấn Độ Dương.

Trận động đất ở Nhật xảy ra chỉ vài tuần sau trận động đất 6,3 độ Richter đánh vào Christchurch ngày 22/2, lật nhào những tòa nhà cổ và làm 150 người chết. Thời gian xảy ra 2 trận động đất làm dấy lên những câu hỏi về việc hai vụ này có liên quan tới nhau hay không, nhưng các chuyên gia cho rằng khoảng cách giữa hai địa điểm quá xa như vậy thì điều đó không thể xảy ra.

Thương vong tăng lên từng phút

Trận động đất kinh hoàng cùng những đợt sóng thần cao tới 10m đã khiến nước Nhật tan hoang. Số người thiệt mạng và mất tích được dự báo là đã vượt quá 10.000 trong khi con số tử vong chính thức đã hơn 800.

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do động đất sóng thần gây ra gồm Iwate, Miyagi, Fukushima, Ibaraki và Chiba. Ngoài thành phố lớn Sendai thì các đô thị nhỏ hơn là Rikuzentakada, Kesennuma, Ofunato, Ishinomaki và Minamisanriku thuộc quận Miyagi và Iwate cũng tan hoang vì thảm hoạ kép.

Chỉ riêng tỉnh Fukushima, 1.167 người chưa rõ tung tích và hơn 600 tử thi đã được tìm thấy ở cả hai tỉnh Fukushima và Miyazaki. Chính quyền địa phương cho hay vẫn chưa thể liên lạc với hàng chục nghìn người khác. Ít nhất 20.820 tòa nhà bị hủy hoại toàn bộ hoặc một phần do động đất, quan chức và thống kê của chính quyền địa phương cho thấy.

Tại Miyagi, khoảng 200 thi thể vừa được tìm thấy ở thành phố Higashimatsushima, sở cảnh sát quốc gia cho hay. Đến rạng sáng 13/3, khoảng 4,400 người vẫn bị cô lập trong các trường học, bệnh viện và các khách sạn nhỏ khi sóng thần nhấn chìm toàn bộ thị trấn Onagawa và vùng phụ cận thành phố Ishinomaki dưới làn nước, quan chức Miyagi cho biết.

Tại Minamisanriku, khoảng 10.000 người, một nửa dân số thị trấn, hiện vẫn mất tích. Ở tỉnh Iwate, bắc Miyagi, sáng 13/3, rất nhiều thi thể được tìm thấy dưới đống đổ nát ở Rikuzentakata. Khoảng 5.000 ngôi nhà trong thành phố bị sóng thần nhấn chìm. Nhà chức trách xác nhận chỉ có 5.900 trong số 23.000 người dân thành phố này là tới nơi lánh nạn. Chính quyền tỉnh Iwate cho hay, hiện vẫn chưa liên lạc được với 1.167 cư dân, gồm cả 918 người ở Namiem, làm tăng số người mất tích trong dữ liệu thống kê.

Ngoài ra, nhà chức trách vẫn chưa kết nối được với thị trưởng và các quan chức Otsuchi sau khi trụ sở chính quyền thị trấn bị sóng thần cuốn trôi lúc ông thị trưởng và nhiều quan chức khác ở trong tòa nhà. Một nhà dưỡng lão có 30 cụ già ở thành phố Ofunato cũng bị cuốn trôi.

Thủ tưởng Nhật Naoto Kan cho biết trận động đất mạnh 9 độ richter hôm 11/3 là một thảm họa kinh hoàng nhất trong lịch sử của quốc gia này và sự tàn phá của nó hoàn toàn chỉ mới bắt đầu.

Bóng ma hạt nhân


Tiếp sau thảm họa động đất và sóng thần, Nhật hiện phải đối mặt với rò rỉ phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân, mối đe dọa lớn nhất hiện nay. Tính đến ngày 14/3, ít nhất 3 vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi đã xảy ra. Hàng trăm nghìn người trong bán kính 20km kể từ nhà máy hạt nhân đã được sơ tán.

Tại phòng kiểm soát của lò phản ứng số 1 thuộc nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, lượng bức xạ cao hơn 1.000 lần mức thông thường hôm 12/3, cơ quan hạt nhân và an toàn công nghiệp Nhật cho biết. Tuy nhiên, chánh văn phòng nội các Nhật Yukio Edano cho biết, phóng xạ quanh nhà máy đã giảm xuống chứ không tăng lên. Thông thường, bất cứ sự phân tán phóng xạ nào cũng có thể dấy lên nguy cơ về ung thư và nhà chức trách dự định rải iodine, giúp ngăn chặn khả năng gây ung thư tuyến giáp. Nhà chức trách đã yêu cầu 210.000 người trong bán kính 20km lò phản ứng sơ tán.

Mặc dù các vụ nổ tại nhà máy hạt nhân được đánh giá là rất nghiêm trọng song không có nghĩa là sẽ có một thảm họa Chernoby khác - khi phóng xạ tác động tới hàng trăm nghìn người.

Dù vụ nổ khá nghiêm trọng song nhà chức trách Nhật vẫn đối phó một cách bình tĩnh và hiệu quả. Họ sơ tán người dân ở các khu vực lân cận để có thể thải ra một chút nước có nhiễm một chút phóng xạ ra không khí. Hiện, nhà chức trách vẫn cần kiểm soát nhiệt độ và quyết định đổ đầy nước biển vào lò phản ứng cho thấy họ không có ý định sửa nhà máy. Nước biển sẽ làm hạt nhân nguội nhưng gây ăn mòn về lâu dài, khiến nhà máy không hoạt động lại được.

Đây là lần đầu tiên, Nhật phải đương đầu với mối đe dọa phóng xạ lan khắp nơi kể từ cơn ác mộng lớn nhất trong lịch sử, vụ Nagasaki và Hiroshima bị đánh bom nguyên tử năm 1945, khiến 200.000 người chết do vụ nổ, do nhiễm phóng xạ.

Chiến dịch cứu hộ khổng lồ

Chính phủ Nhật đã ra sắc lệnh coi động đất là một thảm họa nghiêm trọng để có thể tăng chi phí dành cho tái thiết. Tổng số 69 chính phủ nước ngoài và 5 tổ chức quốc tế đã đề nghị trợ giúp Nhật tính đến 9h sáng 13/3.

Nhật đang triển khai một sứ mệnh cứu hộ khổng lồ để đối phó với hậu quả của động đất, sóng thần, rò rỉ hạt nhân và núi lửa phun trào. Hàng nghìn binh lính, hàng trăm máy bay và tàu thuyền của quân đội đã được huy động tham gia chiến dịch cứu hộ.

  • Hoài Linh (Tổng hợp)