Đồng thuận là nhân tố quan trọng hàng đầu

Con đường bê tông trải dài sạch sẽ, những thùng rác màu xanh đặt ngay bên đường là hình ảnh dễ nhận thấy khi đến với thôn Lủng Coóc, xã Quân Hà, huyện Bạch Thông. Để đạt được các tiêu chí nông thôn mới thì sự đồng thuận, đoàn kết của người dân trong thôn là quan trọng nhất. Từ việc hiến đất làm đường, xây dựng lò đốt rác, góp kinh phí mua thùng đựng rác đều được gần 70 hộ dân trong thôn chung sức, đồng lòng thực hiện.

Trong 5 năm qua, người dân thôn Lủng Coóc đã đóng góp hơn 75 triệu đồng, 900 ngày công lao động, hiến hơn 1.200 m2 đất để làm đường giao thông và kênh mương thủy lợi; xây 3 lò đốt rác thải theo nhóm hộ và đã có 8 hộ xây lắp bể biogas. Trong các cuộc họp, Ban công tác Mặt trận đã tích cực tuyên truyền chủ trương, chính sách, mục đích, ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM cho người dân. Từ đó giúp bà con hiểu, đồng tình và đóng góp công sức, kinh phí cùng với nguồn lực đầu tư của cấp trên để cùng xây dựng NTM. Sức dân chính là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp Lủng Coóc về đích xây dựng NTM.

Người dân thôn Lủng Xiên, xã Vũ Muộn (Bạch Thông) góp công làm đường lên nhà văn hóa thôn

Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thời gian qua, MTTQ các cấp trong tỉnh Phú Thọ đã tập trung thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Qua đó, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM) được phát huy, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM.

Năm 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã vận động Nhân dân đóng góp được gần 2 tỷ đồng, hiến 21,6 ha đất rừng, vườn; nạo vét trên 3.000 m kênh mương, sửa chữa và làm 50 km đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi; đóng góp trên 23.591 ngày công để làm đường nông thôn, xây dựng các thiết chế văn hoá, chỉnh trang nhà cửa theo quy hoạch, sân, vườn, ngõ sạch đẹp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhờ đó đã góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có 1 đơn vị cấp huyện, 21 xã, 53 thôn đạt chuẩn NTM; 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Nhiều cách làm hiệu quả, linh hoạt

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh”, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh An Giang đã phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện các nội dung về cuộc vận động, vận động quỹ Vì người nghèo, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các tiêu chí xây dựng xã NTM và xã NTM nâng cao… Ngoài ra, hệ thống mặt trận cùng các tổ chức thành viên đã tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, nhân dân tham gia các hoạt động giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, xử lý chất thải sản xuất, sinh hoạt đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, sử dụng nước sạch…

Đồng thời, MTTQ các cấp chủ động phối hợp ngành văn hóa triển khai và cụ thể hóa Chương trình hành động của MTTQVN về cuộc vận động, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 72 xã đạt chuẩn văn hóa NTM (đạt 60,5% tổng số xã); 25 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 67,56%). Nhiều địa phương, các khu dân cư đã xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, hạn chế và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi, người trót sa ngã vào tệ nạn xã hội ngay tại gia đình và cộng đồng... cùng với sự chăm lo phát triển kinh tế, lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng được quan tâm và có những tiến bộ đáng kể.

Để giúp đỡ người nghèo có cơ hội vươn lên, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, tốt đẹp hơn, UBMTTQ các cấp phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh có nhiều cách làm hiệu quả, không chỉ giúp nhiều hộ thoát nghèo mà còn giảm nguy cơ tái nghèo. Nhiều mô hình mới, cách làm hay đã được nhân rộng trên địa bàn tỉnh, giúp các hộ nghèo biết cách làm ăn, tăng thu nhập, đời sống của người nghèo được nâng lên, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống, như: tín dụng ưu đãi; hỗ trợ vốn, cây con giống; hỗ trợ y tế, giáo dục, nhà ở cho hộ nghèo... Triển khai các mô hình giảm nghèo tiêu biểu, như: ủy thác một phần quỹ Vì người nghèo qua Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Mái ấm tình thương, khu nhà Đại đoàn kết, xe cứu thương chuyển bệnh miễn phí, tặng thẻ bảo hiểm y tế, bếp ăn tình thương, nuôi bò vỗ béo, bò sinh sản, nuôi dê, nuôi heo đất tiết kiệm để hỗ trợ phương tiện sinh kế, “Quầy hàng miễn phí cho người nghèo”, “Gian hàng 0 đồng”, “Mỗi tháng một hoàn cảnh nghèo được giúp đỡ”, “Khu dân cư không còn hộ nghèo”...

Nhận diện được nhiệm vụ của từng chủ thể

Tại Đồng Tháp, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh” trên địa bàn TP Cao Lãnh mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã phát huy được tính tích cực, sáng tạo, khai thác hiệu quả mọi tiềm năng và nội lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

Bám sát 5 nội dung của cuộc vận động, MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố làm tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy Đảng, phối hợp chính quyền, các tổ chức thành viên cùng cấp định hướng nội dung tuyên truyền sát hợp, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng nêu bật ý nghĩa, mục đích của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; cả hệ thống chính trị vào cuộc, triển khai cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực hiện rộng khắp trong quần chúng nhân dân trên địa bàn dân cư và trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời chọn một số địa phương điểm chỉ đạo để quán triệt thực hiện (phường Mỹ Phú - thực hiện đô thị văn minh; xã Tân Thuận Tây - thực hiện làng mới trong xây dựng NTM); lựa chọn từng nội dung để tác động vào chương trình NTM, xác định rõ việc Nhà nước làm, việc Nhà nước và Nhân dân cùng làm và việc Nhân dân làm. Từ đó, nâng cao nhận thức cho Nhân dân nhận diện được nhiệm vụ của từng chủ thể, hiểu rõ, hiểu đúng về mục đích, ý nghĩa của cuộc vận động, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương để đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Từ năm 2016 đến nay, vận động các công trình Nhà nước và Nhân dân cùng làm, Nhân dân đóng góp hiến trên 190.000m2 đất và vật tư lao động để xây dựng trên 210 công trình cầu, đường giao thông nông thôn, với tổng trị giá khoảng 40 tỷ đồng; việc lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ với sự tham gia của đại diện các hộ gia đình ở khu dân cư, tỷ lệ hộ dân được lấy ý kiến đồng thuận cao (đạt trên 99,23%). Qua đó, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (năm 2020 được Chính phủ công nhận TP Cao Lãnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019).

Đối với lĩnh vực xây dựng đô thị văn minh, MTTQ phối hợp với chính quyền và các ngành, tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng thuận, tích cực hưởng ứng mô hình “16 giờ 30 phút chiều thứ Sáu hàng tuần”, “Ngày Đại đoàn kết vì cộng đồng”, tham gia làm vệ sinh, giữ gìn môi trường xung quanh khu dân cư và các tuyến đường sạch - đẹp, góp phần làm chuyển biến rõ nét về xây dựng văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện nếp sống văn minh đô thị không chỉ dừng lại ở việc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phong trào đã được cụ thể hóa và đa dạng, nhiều mô hình phát huy hiệu quả; tình làng, nghĩa xóm được thắt chặt, góp phần phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tỷ lệ hộ gia đình đạt văn hóa tăng dần theo từng năm; hằng năm có 100% khóm, ấp (69/69) được công nhận đạt chuẩn “Khóm văn minh đô thị”, “Ấp đạt chuẩn văn hóa NTM”.

Phong trào xây dựng xã hội học tập, xã hội hóa giáo dục được phát động sâu rộng trong địa bàn dân cư. Tính đến nay, thành phố có 35.783 “Gia đình học tập”; 243 “Dòng họ học tập”, 69/69 “Cộng đồng học tập” và 91 “Đơn vị học tập”. Đặc biệt, TP Lãnh được UNESCO ghi danh trong giải thưởng Thành phố học tập toàn cầu.

Công tác xóa nghèo, gắn với chương trình an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp quan thực hiện. Huy động các nguồn lực đóng góp ủng hộ “Quỹ vì người nghèo” với số tiền trên 90 tỷ đồng, đã trao tặng hàng ngàn suất quà cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; cấp hơn 5.500 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách; cất mới 802 nhà Đại đoàn kết, tổng trị giá trên 34 tỷ đồng; đã xóa trên 1.500 hộ nghèo; xây dựng 65 căn nhà tình nghĩa, tổng trị giá trên 9,5 tỷ đồng...

Không thể phủ nhận, xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đang phát huy hiệu quả tích cực tại khắp các miền quê trong cả nước.

Yến Hưng