Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 gây ra, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, toàn quân đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ nhiều giải pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Nổi bật là, các cơ quan, đơn vị toàn quân đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 60-KL/QUTW, ngày 18/01/2019 của Quân ủy Trung ương về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 765-NQ/QUTW về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo gắn với thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Chỉ thị số 106/CT-BQP, ngày 05/11/2021 của Bộ Quốc phòng về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, toàn quân đã chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị huấn luyện cả về con người, vũ khí, trang bị kỹ thuật và vật chất bảo đảm; trong đó, việc tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp được thực hiện có nền nếp với nhiều đổi mới, sáng tạo. Hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu được tiến hành có hiệu quả. Công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành huấn luyện vừa bảo đảm tính tập trung, thống nhất, vừa có tính linh hoạt, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ từng đối tượng và điều kiện phòng, chống dịch. Căn cứ vào tình hình dịch Covid-19 trên từng địa bàn, một mặt, các cơ quan, đơn vị chủ động điều chỉnh nội dung, chương trình, kế hoạch, thời gian huấn luyện phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện và phòng, chống dịch; đồng thời, thực hiện tốt việc huấn luyện bù, vét cho các đối tượng, v.v. Mặt khác, tích cực tổ chức hội thi, hội thao các cấp, các ngành theo hướng: có trọng tâm, trọng điểm, đạt nhiều kết quả thiết thực. Đặc biệt, vượt lên khó khăn do tác động tiêu cực của đại dịch, nhiều đơn vị đã tổ chức thành công các cuộc diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng; diễn tập tác chiến bảo vệ biển, đảo; diễn tập đối kháng và diễn tập tác chiến khu vực phòng thủ, v.v. Công tác bảo đảm huấn luyện tiếp tục được quan tâm đầu tư, với hệ thống trường bắn, bãi tập,… cùng nhiều trang, thiết bị huấn luyện hiện đại. Vì thế, chất lượng huấn luyện của các lực lượng: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ tiếp tục có chuyển biến tiến bộ. Các đội tuyển Quân đội tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army Games năm 2021, các đội tuyển thể thao thành tích cao tham gia các giải thi đấu quốc gia, tổ chức đăng cai Army Games thành công, được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Đối với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, Quân đội luôn chủ động, nhạy bén nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước có đối sách xử lý hiệu quả các tình huống, vấn đề chiến lược, không để bị động, bất ngờ. Toàn quân chủ động xây dựng và luyện tập thuần thục các kế hoạch, phương án sẵn sàng chiến đấu theo phân cấp và yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm tốt vũ khí, trang bị kỹ thuật và hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu; tăng cường tuần tra, canh gác, phòng gian, giữ bí mật, bảo vệ an toàn tuyệt đối Đại hội XIII của Đảng, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Qua đó, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện dịch Covid-19.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, Quân đội luôn là một trong những lực lượng nòng cốt, xung kích, đi đầu tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và luôn coi đó là nhiệm vụ “chiến đấu trong thời bình”. Bên cạnh việc tăng cường lực lượng, phương tiện cho các tổ, chốt làm nhiệm vụ quản lý, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới; kịp thời điều động nhiều lực lượng, phương tiện hiện đại hỗ trợ khoanh vùng, dập dịch tại các địa phương, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thành lập và trực tiếp quản lý hàng trăm khu cách ly, hàng nghìn tổ quân y lưu động,… và các bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19, góp phần quan trọng đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Quân chính toàn quân năm 2021. Ảnh: qdnd.vn

Dự báo năm 2022, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố có thể gây mất ổn định, nhất là vấn đề chủ quyền trên Biển Đông. Ở trong nước, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Tình hình thiên tai, dịch bệnh và những hệ lụy của nó đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ của Quân đội, trong đó có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các thế lực thù địch tăng cường thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và “phi chính trị hóa” Quân đội, hòng chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta bằng nhiều phương thức, thủ đoạn ngày càng công khai, trực diện và quyết liệt hơn, v.v.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, trước hết là đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, thì vấn đề quan trọng hàng đầu phải nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng xác định phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện với quan điểm vừa tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, vừa tích cực, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Theo đó, toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Một là

thường xuyên giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục đẩy mạnh việc quán triệt, nâng cao nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, trọng tâm là Kết luận số 60-KL/QUTW, Chỉ thị số 106/CT-BQP, Chỉ lệnh công tác quân sự, quốc phòng năm 2022 của Tổng Tham mưu trưởng với chủ đề “Năm triển khai Kế hoạch điều chỉnh lực lượng”; thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm huấn luyện và các giải pháp nâng cao chất lượng sẵn sàng chiến đấu. Để làm được điều đó, đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung điều chỉnh, bổ sung nội dung, chủ trương, giải pháp trong nghị quyết chuyên đề hằng năm về lãnh đạo công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm phù hợp với tình hình nhiệm vụ, đối tượng tác chiến, đặc điểm địa bàn và điều kiện phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tiếp tục rà soát, bổ sung quy chế lãnh đạo kết hợp với đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thực hiện tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, gắn xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” với xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh. Tiếp tục đổi mới công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nhằm xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; quá trình giáo dục coi trọng xây dựng và củng cố niềm tin vững chắc vào vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có, khả năng làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Trước yêu cầu nhiệm vụ xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, thì việc nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu càng phải được coi trọng, tổ chức thực hiện nghiêm túc, chất lượng và hiệu quả nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Điều đó đòi hỏi cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần nâng cao ý chí quyết tâm, nỗ lực phấn đấu với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Toàn quân phải không ngừng đổi mới, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trong trạng thái bình thường mới theo đúng hướng dẫn của Bộ Tổng Tham mưu. Các cơ quan, đơn vị, nhà trường xác định rõ nội dung, tổ chức, phương pháp huấn luyện phù hợp với các cấp độ phòng, chống dịch ở địa bàn đóng quân; thực hiện nghiêm quy định về thời gian, quy mô, phân cấp, phương pháp huấn luyện, đào tạo và việc sử dụng thao trường, bãi tập, v.v.

Hai là

, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng huấn luyện, bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và tình hình dịch bệnh. Toàn quân tiếp tục đẩy mạnh đột phá, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập; tiếp tục thực hiện tốt phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc” và vận dụng đúng đắn, sáng tạo 3 quan điểm, 8 nguyên tắc, 6 mối kết hợp trong huấn luyện; coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu, tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện thực hành, huấn luyện cơ động, huấn luyện tình huống nâng cao. Đồng thời, chú trọng huấn luyện làm chủ vũ khí, trang bị, nhất là vũ khí, trang bị mới, hiện đại; kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực của bộ đội, nâng cao bản lĩnh, quyết tâm và khả năng cơ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá kết quả nghiêm túc và thực chất, kịp thời rút kinh nghiệm khắc phục dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu.

Với các nhà trường Quân đội, cần tích cực đổi mới quy trình, chương trình, nội dung đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phù hợp với từng đối tượng, cấp học, sát thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và yêu cầu xây dựng Quân đội trong điều kiện mới. Trong đó, cần đẩy mạnh đột phá trong giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực quân sự, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tiến lên hiện đại. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành huấn luyện, đào tạo theo hướng “Tập trung, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, không chồng chéo”, tạo tiền đề vững chắc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tập trung đầu tư xây dựng một số học viện, nhà trường theo mô hình “Nhà trường thông minh, tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trên cơ sở kết quả và kinh nghiệm huấn luyện, đào tạo thời gian qua, toàn quân tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng những cách làm hiệu quả để tổ chức huấn luyện, đào tạo kết hợp với xây dựng các kịch bản phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19; thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, diễn tập. Duy trì huấn luyện, đào tạo nghiêm túc, đúng, đủ nội dung, chương trình, thời gian nhưng điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch, bảo đảm bất luận trong điều kiện, hoàn cảnh nào, chất lượng huấn luyện và khả năng sẵn sàng chiến đấu của toàn quân vẫn phải được nâng lên. Quá trình huấn luyện gắn với luyện tập nâng cao trình độ, khả năng hiệp đồng tác chiến, xây dựng nhiều tình huống sát với thực tiễn chiến đấu để đánh giá, kiểm nghiệm kết quả huấn luyện, từ đó đề ra các biện pháp bổ sung để phát huy mặt mạnh, khắc phục kịp thời những yếu kém, bất cập. Đồng thời, hết sức chú trọng huấn luyện bổ sung các nội dung ứng phó với những thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là các nội dung, kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 ở nhiều cấp độ và các tình huống thảm họa môi trường, thiên tai, v.v.

Đối với lực lượng dân quân tự vệ, tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện, gắn với các hoạt động, thực hiện nhiệm vụ phù hợp bảo đảm phát huy vai trò nòng cốt giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và trong phòng, chống dịch. Việc tổ chức hội thi, hội thao, diễn tập phải bảo đảm khoa học, chặt chẽ, kịp thời điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với diễn biến của dịch và tình hình thiên tai; đánh giá kết quả khách quan, kiên quyết chống “bệnh thành tích”, hình thức phô trương, hiệu quả thấp. Đồng thời, phải tổ chức tốt công tác hậu cần, kỹ thuật bảo đảm cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội.

Ba là

duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sẵn sàng chiến đấu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Trước bối cảnh thời cơ và thách thức, các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống đan xen, sự chuyển hóa mau lẹ giữa đối tác và đối tượng, cùng sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, đòi hỏi các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các cơ quan tham mưu chiến lược cần chủ động nghiên cứu, phân tích, đánh giá đúng tình hình để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng, quân sự, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhà trường trong toàn quân duy trì nghiêm các biện pháp sẵn sàng chiến đấu, điều chỉnh tổ chức biên chế, xây dựng lực lượng phù hợp. Các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên rà soát, bổ sung, điều chỉnh và tăng cường luyện tập các phương án, quyết tâm chiến đấu, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn và đối tượng tác chiến; duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực chiến, tuần tra canh gác, nắm chắc địa bàn và những vấn đề liên quan đến nhiệm vụ của đơn vị, sẵn sàng xử lý có hiệu quả các tình huống xảy ra. Đồng thời, tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng liên quan, nhất là lực lượng Công an trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh quốc gia, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; tích cực tham gia đấu tranh, phòng, chống tội phạm, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và tìm kiếm cứu nạn, v.v.

Bốn là

, kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, tạo chuyển biến toàn diện, vững chắc về chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật là hai nội dung song hành, có quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau, nên có vai trò quan trọng không thể thiếu trong nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của các cơ quan, đơn vị và toàn quân. Vì thế, cùng với làm tốt công tác huấn luyện, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị và các văn bản liên quan về xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, cùng với những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn chỉ huy, quản lý bộ đội để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Nội dung xây dựng chính quy phải toàn diện, nhưng cần có trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc trên tất cả các mặt công tác; trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đột phá vào những khâu yếu, mặt yếu kéo dài, nhằm làm chuyển biến căn bản tình hình chấp hành kỷ luật của bộ đội. Theo đó, thời gian tới, việc xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật cần tập trung vào nâng cao trình độ chính quy trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; đặc biệt là quản lý con người và vũ khí, trang bị kỹ thuật, kết hợp chặt chẽ xây dựng chính quy với chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước; phấn đấu giảm tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường hằng năm dưới 0,3%; hạn chế thấp nhất các vụ vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn trong huấn luyện.

Để làm được điều đó, toàn quân tiếp tục làm tốt công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện điều lệnh, điều lệ, chỉ thị, quy định; gắn giáo dục chính trị, pháp luật với các biện pháp hành chính và xử lý liên đới trách nhiệm của cán bộ các cấp. Thường xuyên rà soát, đánh giá tình hình, kết quả xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của cơ quan, đơn vị để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, chấn chỉnh, xử lý sai phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, học tập, công tác; tăng cường biện pháp quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân, nhất là kiểm soát chặt chẽ tình trạng quân nhân tham gia lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi, v.v. Chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp phân đội có đủ phẩm chất, năng lực chỉ huy, kinh nghiệm thực tiễn quản lý, rèn luyện, giáo dục bộ đội. Thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong thực hiện chính quy, rèn luyện kỷ luật, quản lý tư tưởng bộ đội; kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm ngay từ cơ sở. Phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình trong nắm bắt, giải quyết kịp thời những vướng mắc về tư tưởng, đời tư,… của cán bộ, chiến sĩ; đồng thời, thường xuyên chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, chủ động đấu tranh phòng, chống các tác động tiêu cực và văn hóa xấu độc.

Trước yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi công tác quân sự, quốc phòng nói chung, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nói riêng phải được nâng cao hơn nữa và ngày càng đi vào thực chất. Đây cũng là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam,Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Theo tapchiqptd.vn