Vụ án chị em nhà Papin (đầu thế kỷ 20) nổi tiếng không chỉ bởi tính bạo lực rùng rợn mà còn bởi cả thủ phạm và nạn nhân đều là nữ. Vụ việc đã gây náo động dư luận với các chi tiết ghê tởm về sự loạn luân và thói đồng dục nữ. Động cơ tội ác chưa bao giờ được làm sáng tỏ: hai thủ phạm phát rồ phát dại hay họ đã tính toán kỹ lưỡng để trả thù chủ vẫn còn là câu hỏi.

Cũng giống như những người nông dân Pháp đầu thế kỷ 20, Christine và Léa Papin đã trải qua thời ấu thơ tăm tối ảm đạm. Cha họ, Gustave là một kẻ nghiện rượu còn người mẹ, Clémence là một phụ nữ cẩu thả và đồng bóng với rất ít bản năng làm mẹ.

Vào năm 1901, Clémence đã buộc phải cưới Gustave do có chửa đứa con đầu lòng của họ, Émilia. Sau khi con gái thứ hai chào đời năm 1905, Clémence quyết định cô không thể chăm nom các con nên đã đưa Christine tới nhà chị gái của Gustave sống. Năm 1911, con gái thứ ba chào đời, Léa. Ngay sau đó, Clémence phát hiện ra sự thật ghê tởm rằng chồng cô đã cưỡng hiếp chính con gái mình, Émilia, lúc đó mới 10 tuổi. 

Clémence ngay lập tức li dị chồng. Tuy nhiên, hành động của cô ta không phải vì lợi ích của đứa con nhỏ tội nghiệp mà vì khát khao trả thù người chồng phản bội. Cho rằng Émilia đã quyến rũ bố và để trừng phạt con gái, người mẹ đã tống khứ con vào trại mồ côi do tu viện Le Bon Pasteur điều hành. Bà ta cũng coi Léa mới chập chững biết đi là gánh nặng nên đã đưa bé tới sống với bác.


Émilia và Christine lớn lên rất thân thiết với nhau trong trại trẻ mồ côi. Từ khi Émilia trở thành một nữ tu sĩ, Christine lúc nào cũng nghĩ cô sẽ theo chân chị. Tuy nhiên, Clémence - người phụ thuộc vào sự giúp đỡ của các con gái khi họ đủ tuổi làm việc - trở nên giận giữ với Émilia vì cô không giúp đỡ mẹ. Do vậy, người phụ nữ này cấm Christine noi gương chị.

Clémence đưa con gái Christine ra khỏi trại Le Bon Pasteur và cho cô làm giúp việc ở khu Le Mans. Do được Le Bon Pasteur dạy cách lau dọn, sửa chữa và nấu nướng nên Christine rất phù hợp với công việc này. Tuy nhiên, cô đổi nhiều đời chủ trong những năm đầu tiên đi làm, bởi vì các mức lương mà cô nhận được chưa bao giờ làm hài lòng người mẹ quá quắt.

Cũng giống như chị gái, Léa được đưa tới nhà người thân sống và sớm phải lao động cật lực. Sau này, hai chị em gặp lại nhau và luôn cố gắng làm việc cùng nhau bất cứ khi nào có thể.

Năm 1926, khi 22 tuổi, Christine có được một vị trí trong gia đình Lancelin ở thành phố Le Mans. Gia đình này bao gồm René Lancelin, một luật sư về hưu, vợ ông là Léonie và hai cô con gái đã lớn nhưng một trong số họ, Geneviève, dù đã 27 tuổi vẫn sống ở nhà. Họ là một gia đình nền nếp, sống yên bình. Sau khi thuê Christine được 2 tháng, họ quyết định thuê cả cô em Léa. Christine nấu ăn còn Léa làm hầu phòng. Họ làm việc 12-14 tiếng mỗi ngày và chỉ có nửa ngày nghỉ mỗi tuần để tới nhà thờ vào Chủ nhật. Hai cô gái không bao giờ đi xem phim, không có người theo đuổi và không kết bạn với bất cứ người giúp việc nào. 

Các chủ cửa hiệu ở địa phương thấy hai chị em Christine và Léa kỳ quặc. Mặc dù họ được khen ngợi là làm việc chăm chỉ nhưng có ít nhất một người có các vấn đề cá nhân với Christine. Người phụ nữ này - thuê Christine được 15 ngày - miêu tả cô hay tự ái, kiêu căng và nổi loạn. 

Mặc dầu vậy, nhà Lancelin dường như vẫn thích Christine. Ông Lancelin chưa bao giờ nói một lời với hai người hầu gái trong suốt 7 năm họ làm việc tại nhà ông. Mọi mệnh lệnh đến Christine đều thông qua bà Lancelin.
 
Christine và Léa được ăn ngon, ở phòng ấm nhưng được trả chưa đầy 2.000 USD/năm. Khi Léonie Lancelin nhận ra rằng hai cô hầu phải gửi toàn bộ số tiền họ kiếm được cho mẹ, bà yêu cầu họ không làm vậy nữa. Do vậy, chị em nhà Papin bắt đầu gọi bà Lancelin là "Mẹ" khi họ nói chuyện với nhau.

Tuy nhiên, bà chủ không phải lúc nào cũng đối xử tốt với hai cô gái. Bà luôn đặt ra các tiêu chuẩn và thường xuyên đi găng tay trắng để kiểm tra đồ đạc trong nhà xem có còn bụi không. Có một lần, Léa quên không nhặt một mẩu giấy trên sàn khi lau dọn và bà Lancelin bắt cô quỳ xuống làm lại. Sau vụ việc, cô hầu phòng nói với chị gái: "Tốt nhất là bà ta đừng làm thế lần nữa, nếu không thì biết tay em". 
 
Christine 28 tuổi và Lea mới 21 tuổi vào ngày 2/2/1933 mặc dù trong những bức ảnh mà báo chí chụp được, họ trong già hơn nhiều.

Hôm đó, mẹ con nhà Lancelin đi mua sắm và dự định sẽ về nhà người thân ăn tối. Ông Lancelin cũng từ nơi làm về thẳng đó để gặp vợ con. Cả nhà đi vắng và hai cô hầu nghĩ họ sẽ về muộn đêm đó. Theo chị em Papin, họ đã dành cả ngày làm nhiệm vụ của mình. Một trong những công việc mà Léa phải làm là mang bàn là hỏng đi sửa. Khi trở về, cô cắm điện để là đồ nhưng nó vẫn hỏng. Christine bảo em chờ đến sáng hôm sau để sửa vì cả nhà đều đi vắng. 

Khoảng 5h30 đến 7h tối, mẹ con nhà Lancelin bất ngờ trở về nhà. Christine gặp họ ở cửa để nói rằng điện bị mất và bàn là lại hỏng. 

Theo Christine, ngay khi nghe tin, bà Lancelin nổi cơn thịnh nộ. Christine túm ngay lấy cái bình và đập vào đầu bà chủ. Geneviève chạy lại giúp mẹ và cuộc ẩu đả giữa hai bên diễn ra. "Tao sẽ giết cả nhà chúng mày", Christine hét lên.

Nghe thấy tiếng ầm ĩ, Léa xông ra đánh bà Lancelin, người vừa tỉnh dậy sau cú giáng vào đầu. Sau đó bắt đầu cái mà nhà phân tích nổi tiếng của Pháp Jacques Lacan mô tả là "vũ điệu tàn khốc của bốn người".

Christine hét lên với Léa: "Đập đầu bà ta xuống đất" và "móc mắt bà ta ra". Léa làm đúng như vậy và Christine hành động tương tự với Geneviéve. Mẹ con nhà Lancelin bị mất mắt nên không thể chống cự nổi. Chị em nhà Papin đi lấy vũ khí. Họ dùng một con dao và một cái búa đánh đập hai nạn nhân đến chết. Trong một hành động ghê rợn, họ còn dùng dao xẻo mông và đùi hai nạn nhân. Genevieve Lancelin đang đến kỳ kinh nguyệt và họ lấy thứ máu đó phết lên người bà Lancelin. Khi kết thúc công việc, chị em Papin lau dọn đống bừa bãi rồi đi ngủ. 

Trong khi đó, ông Lancelin vẫn chờ vợ con tới ăn tối ở nhà người thân. Sau một lúc, ông quyết định về nhà xem tại sao họ lâu như vậy. Khi về đến nhà, ông không thể bước vào bên trong vì cửa bị khóa. Lúc đó, ông nghĩ vợ và con gái đã rời đi và hai cô hầu gái có thể mải lau dọn mà không nghe thấy tiếng chuông. Ông quyết định trở lại nhà em vợ với hy vọng vợ con đã đến đó. Tuy nhiên, vẫn không thấy bóng dáng họ đâu.

Sốt ruột, ông Lancelin bèn trở về nhà cùng với một người bạn. Ngôi nhà tối om, chỉ có một ngọn nến sáng hắt ra từ cửa sổ phòng người giúp việc. Không thể vào bên trong, họ đi tìm sự giúp đỡ và trở lại cùng hai cảnh sát. Cuối cùng, một cảnh sát trèo được tường để vào nhà.

Sau này, Christine khai rằng họ đã chặn các cửa vì họ không muốn ông Lancelin phát hiện ra xác vợ và con gái. 

Khi đi qua bếp vào trong nhà, mọi thứ dường như sạch sẽ và ngăn nắp cho đến khi viên cảnh sát nhìn thấy qua ánh đèn một một cầu mắt nằm trên cầu thang dẫn lên tầng 2. Lúc này, họ yêu cầu ông Lancelin không tiến vào thêm nữa. Trên tầng 2, họ phát hiện vợ con ông với khuôn mặt bị mất mắt và thi thể bị đánh đập đến nỗi không thể nhận ra.  

Chị em nhà Papin ngay lập tức nhận tội. Họ không tỏ ra ăn năn và khẳng định mình chỉ tự vệ.

Nhưng vào sáng hôm sau, tin tức vụ giết người đã lan khắp nước Pháp và các báo thi nhau cập nhật tình hình. Có nhiều luồng quan điểm trong dân chúng về số phận của chị em nhà Papin với đa số muốn họ đền mạng còn số ít tỏ ra cảm thông, viện dẫn điều kiện sống tồi tệ là tình cảnh chung của những người giúp việc.  

Đám tang của mẹ con nhà Lancelin được nhiều người để ý và được binh lính bảo vệ. Tuy nhiên, phiên tòa xử chị em nhà Papin vào tháng 9 năm đó còn được dư luận quan tâm hơn. Cảnh sát cũng được huy động để kiểm soát đám đông tập trung quanh tòa án trong phiên xử kéo dài 13 giờ đồng hồ. Quan tòa kết luận hai bị cáo là những kẻ máu lạnh chứ không hề điên loạn.

Án được tuyên với Christine bị tử hình trên máy chém ở quảng trường công cộng ngày 30/9/1933. Léa lĩnh án 10 năm tù khổ sai do hành động chịu sự ảnh hưởng của chị gái. 

Trong lúc chờ thi hành án, Christine trở nên điên loạn. Cô ta bị ảo giác và thường xuyên tuyệt thực, cầu xin được gặp em gái. Vào tháng 7/1933, nữ tử tù này còn định tự móc mắt mình. Khi tình hình trở nên tồi tệ thêm, cai ngục đã cho Christine gặp Léa. Các thông tin cho biết, khi chị em đoàn tụ, Christine đã cư xử theo một cách bệnh hoạn về tình dục với em gái, mở khuy áo của em gái ra và cầu xin cô ta "Hãy nói Có, thôi nào". 

Vào ngày 22/1/1934, Tổng thống  Albert Lebrun ban lệnh hoãn xử tử Christine. Cô ta bị kết án lại mức chung thân lao động khổ sai nhưng được chuyển tới nhà thương điên ở Rennes vài năm sau đó. Cuối cùng, Christine bị suy sụp do nhịn ăn và chết ở tuổi 32 vào tháng 5/1937. 

Năm 1941, Léa được tự do sau 8 năm ngồi tù nhờ cải tạo tốt. Cô về sống với mẹ ở Nantes và được nhận vào làm hầu phòng trong một khách sạn dưới một cái tên khác. Có nhiều thông tin về ngày Léa chết nhưng một số nguồn tin cho biết cô qua đời vào năm 1982.   

Thanh Hảo (Theo Crime)