*Bài viết thể hiện quan điểm bạn đọc

Tôi, cũng như bao người, biết đến cô bé Thiện Nhân năm 2014. Một cô bé có cái tên rất ấn tượng. Tôi thích Nhân không phải từ bài Mẹ yêu con, mà từ một clip Nhân hát bài Giọt sương trong hậu trường. Mọi thứ của Nhân khi ấy: giọng hát, cảm xúc, tinh thần,... trong vắt như một giọt sương vậy. 

Lạ thay, cùng hát dân ca - quê hương, nhưng tôi nhìn Thiện Nhân không phải kiểu "ngôi sao giải trí" như Phương Mỹ Chi. Cô bé mang dáng dấp của một ca sĩ thực thụ dòng nhạc này, có thể không đình đám nhưng "bao" chất lượng. 

Một buổi tối, tôi đọc đâu đó bản tin đại loại "Gia đình cầu cứu Thiện Nhân mất tích". Tôi cẩn thận kiểm tra lại bài viết trên trang của Nhân có dấu tick xanh và chợt rùng mình.

Hóa ra, đây hoàn toàn không phải là "mất tích" gì cả, chỉ đơn giản là một cô gái 20 tuổi cãi nhau với gia đình nên dọn ra sống riêng với người yêu. 

Vậy thì ai, động cơ gì, lý do nào đã đăng mọi thứ lên mạng xã hội và biến nó thành chuyện công cộng để cả thiên hạ nhảy vào công kích bình luận? Tôi nghĩ đây không là ý muốn của Nhân. 

Dù muốn dù không, Nhân và người yêu livestream "một tiếng kể hết" đúng như dự đoán. Sau đó, đến lượt gia đình "họp báo" đáp trả những chia sẻ của Nhân. Mọi thứ diễn ra chỉ vỏn vẹn 2 ngày. 

Chuyện gì đang xảy ra vậy? Vì sao nên nỗi?

Nhìn cảnh tượng cộng đồng "nhậu" chuyện nội bộ gia đình của Thiện Nhân, tôi không khỏi cám cảnh. Tôi không tìm được nhiều chia sẻ đồng cảm, thay vào đó là phần lớn bình luận phán xét, bới móc, võ đoán, chế giễu cùng vô số biểu cảm mặt cười. Con người sống trong thời công nghệ vô cảm lẫn vô duyên đến khó hiểu.

Gia đình, hay chính xác là anh chị Nhân chưa kín kẽ khi đăng mọi chuyện lên mạng xã hội. Nhưng về phía Nhân, một chi tiết khiến tôi buồn nhiều là cô bé nói về anh chị mình như những kẻ ăn bám. 

Tôi từng trò chuyện với một chị có con nổi tiếng từ nhỏ giống Nhân, vợ chồng chị cũng vì sự nghiệp của con mà bỏ hết công việc, theo con làm quản lý.

Gia đình Nhân không dọn hẳn vào Nam sống nên buộc anh chị Nhân phải theo cô bé vào Sài Gòn. Tám năm trước, Nhân mới 12 tuổi, được anh chị hỗ trợ công việc lẫn chăm sóc trong đời thường, để đến nay đổi lại hai từ "ăn bám" sao? Cứ cho là họ sai, nhưng đâu thể phủi sạch công cán của họ trong bao nhiêu năm qua như vậy? 

Tôi không nghĩ sẽ còn thêm câu chuyện nào mới từ đôi bên nữa. Vì họ đã nói hết những gì cần nói, bao gồm những lời lẽ gây tổn thương nhau.

Có lẽ, đôi bên đã ứng xử quá bồng bột, thiếu tôn trọng nhau. Trong xã hội, chuyện gia đình mâu thuẫn không hiếm, chuyện ca sĩ "cạch mặt" quản lý càng dễ gặp hơn, nhưng có lẽ sự nhập nhằng giữa tình thân và công việc khiến mâu thuẫn đôi bên ngày một chồng chất.

Nhân áp lực chuyện làm trụ cột kinh tế gia đình nhưng không thể mở lời (hoặc không biết mở lời thế nào); anh chị Nhân làm quản lý ca sĩ nhưng vẫn mang nặng tư duy "quyền huynh thế phụ", "thương cho roi cho vọt". 

Và khi anh chị Nhân đăng lên chuyện nội bộ lên mạng xã hội, mọi thứ chính thức trở thành bi kịch không thể cứu vãn. 

Tôi thực sự mong qua câu chuyện của gia đình Thiện Nhân, mọi người nên nghiêm túc từ bỏ thói đăng mọi thứ lên mạng xã hội. Đến bao giờ chúng ta mới nhận ra cộng đồng mạng không thực sự xót thương, giúp ích gì trừ việc giẫm nát mọi thứ rồi bỏ đi với mớ hỗn độn còn lại cho chúng ta tự thu dọn?

Phần lớn mâu thuẫn của con người đều có thể giải quyết nếu đôi bên chịu đối diện nhau trao đổi bằng thiện chí. Công dân làm sai, có pháp luật xử; con cái làm sai, có cha mẹ xử; không lý gì chúng ta lại cứ cố gắng tự tay phá hết những gì tốt đẹp từng gầy dựng cho nhau cả! 

Bạn đọc Nguyễn Trang Khanh (TP.HCM)

*Bạn đọc có thể gửi quan điểm cá nhân về địa chỉ: banvanhoa@vietnamnet.vn. Ý kiến của bạn không nhất thiết trùng với quan điểm của VietNamNet. Xin trân trọng cảm ơn!