Sáng nào thức dậy, tôi cũng thấy dưới bếp đã đỏ đèn. Như thường lệ, mẹ lại đang cơm cháo chuẩn bị bữa ăn sáng cho tôi và cả nhà. Hình ảnh mẹ gắn liền với căn bếp nhỏ không có gì lạ, chỉ khác là hai năm trở lại đây, tôi thực sự thấy mẹ mình già đi nhiều quá.

Lưng mẹ còng hẳn xuống, ngày trước hai mẹ con cao bằng nhau mà giờ mẹ đứng chưa đến tai tôi. Tóc mẹ bạc trắng, lưa thưa, mỗi lần gội đầu rụng cả nắm. Da mặt, da tay đầy những chấm đồi mồi, đen sạm. Đặc biệt là mẹ hay bị ngã, ra vườn hái rau bước vội chút: ngã, đạp xe ở chỗ đông người tay lái loạng choạng: ngã. Bước cầu thang chỉ dám đi từng bậc một, chậm chạp, nặng nề. Các chỉ số huyết áp, tim mạch, máu trong mỡ, đường trong mỡ của mẹ đều tăng cao. Chỉ một thời gian ngắn mà mẹ bị liên miên các tai nạn ngoài ý muốn như bỏng nồi nước sôi, ngã gãy tay, đột quỵ.

Mỗi lần như thế, mẹ đều thở ngắn than dài, buồn bã, bi quan. Nhưng mẹ  lo cho thân thì ít mà lo cho tôi thì nhiều. Câu nói thường trực của mẹ là: "Mẹ mà bị làm sao thì con khổ! Tuổi này của mẹ chết được rồi, nhưng mẹ chết thì ai lo cho con, ốm đau bệnh tật như thế, không anh chị em ruột thịt, một thân một mình". Tôi toàn cười trừ, động viên: "Mẹ lo gì, con có Trời Phật đứng sau lưng, chồng con tuy không biết thể hiện tình cảm nhưng tinh thần trách nhiệm cao, bạn bè cũng chẳng để con chết đói!".

{keywords}
Tác giả (áo đỏ) và mẹ 

Đưa cho mẹ đọc mấy bài viết của tôi về bạn bè, mẹ rơm rớm nước mắt, tôi tưởng mình viết cảm động quá làm mẹ phải khóc, hóa ra không phải. Mẹ bảo: "Mẹ khóc vì thương con, so với các bạn, con thiệt thòi hơn nhiều quá! Nếu không bệnh, giờ này chắc con cũng…".

Nghe mẹ nói mà nghèn nghẹn trong tim nhưng tôi lại lấp liếm nỗi đau bằng nụ cười trừ, hoặc nói lảng sang chuyện khác. Từ hôm ấy tôi không dám đưa mẹ đọc thêm bài nào nữa.

Những tối chồng đi nhậu ở nhà bạn không về, tôi lại rúc vào ngủ với mẹ vì từ ngày bị mù tôi sợ không dám ngủ một mình. Ba bà cháu một giường, chật chội mà giấc ngủ của tôi an yên nhẹ nhàng vì có mẹ bên cạnh. 

Mỗi khi cơ thể đau đớn dữ dội, tôi lại lao vào ăn vạ mẹ. Mới cách đây vài tuần thôi, sau ba ngày kêu gào đến kiệt sức, tôi đấm thùm thụp vào người mẹ: "Sao không cho con chết đi, chết đi, đau thế này con chịu làm sao được, cả tảng đá đè lên mặt con, hàng trăm cây kim đâm vào da đầu con, mũi dùi khoan lấy xương sọ con. Mẹ có biết không, biết không? Hu hu, con còn phải chịu đựng đau đớn thế này đến bao giờ nữa đây". Mẹ ôm lấy tôi, mếu máo trong hai hàng nước mắt: "Mẹ biết làm gì cho con hết đau bây giờ ??? Khổ thân con tôi quá, trời ơi!".

Mười lăm năm qua, bao lần tôi đau là bấy nhiêu lần mẹ thắt ruột thắt gan như thế. Nhìn mẹ héo hon vì thương xót tôi mà những dày vò về bệnh tật của  tôi dường như cũng phải vơi bớt phần nào…

Dù chưa bao giờ nói ra nhưng có một nỗi sợ hãi mơ hồ cứ ám ảnh dâng lên ngập hồn tôi: "Mẹ đã già lắm rồi, không biết mẹ còn sống được bên tôi bao lâu nữa". Nếu mẹ không còn trên cõi đời này, ai sẽ chuẩn bị bữa sáng cho tôi, ai sẽ ru tôi vào giấc ngủ bình yên, ai sẽ ấp ôm, chịu đựng những cơn đau hành hạ cùng tôi, ai sẽ, ai sẽ…

Tôi cần mẹ, cần mẹ, dẫu chỉ là cái bóng bên đời. Đừng bao giờ rời xa con, mẹ ơi!

Dư Phương Liên

Thầy giáo Toán yêu tha thiết người vợ mù điếc, chăm sóc suốt 15 năm

Thầy giáo Toán yêu tha thiết người vợ mù điếc, chăm sóc suốt 15 năm

15 năm qua, chị bị hỏng mắt, hỏng tai nhưng anh vẫn luôn ở bên chăm sóc, yêu thương như ngày chị còn là một cô giáo xinh đẹp, trẻ trung.