- Theo tiết lộ của một số chủ mỏ đá xây dựng tại Nghệ An, để có được một mỏ khai thác đá, doanh nghiệp đã bỏ ra rất nhiều tiền để chạy. Tiền là vấn đề đầu tiên, nhưng chưa phải là tất cả nếu như DN không có quan hệ...


Có tiếp xúc với các chủ mỏ đá, mới hiểu ra nguyên do vì sao mà các DN biết khai thác móc hàm ếch là sai quy trình, là rất nguy hiểm nhưng họ vẫn buộc phải nhắm mắt làm.

Lý do cực kỳ đơn giản và đắng lòng: Chi phí lót tay để có được mỏ khai thác khá lớn, nếu khai thác đúng quy trình, không biết đến bao giờ DN mới gỡ được số vốn ban đầu bỏ ra. 

Tiền + quan hệ = giấy phép khai thác? 

Trong vai một doanh nghiệp đang tìm mọi cách để xin được giấy phép khai thác mỏ đá, chúng tôi đã tiếp cận được T. – giám đốc một mỏ đá đang khai thác tại huyện Yên Thành. Người nhỏ thỏ, da bánh mật, khuôn mặt khắc khổ, trông T. giống một lão nông hơn là giám đốc một công ty khai thác đá.

Có tiếp xúc với các chủ mỏ đá, mới hiểu ra nguyên do vì sao mà các DN biết khai thác móc hàm ếch là sai quy trình, là rất nguy hiểm nhưng họ vẫn buộc phải nhắm mắt làm.
Trước khi gặp T., tôi may mắn được một người bạn thân, là doanh nghiệp khá có uy tín ở Nghệ An hoạt động trong lĩnh vực khai thác đá trắng gọi điện nhờ T. giúp đỡ.

Mặc dù đã được giới thiệu trước, mặc cho chúng tôi vào vai một doanh nghiệp khai thác đá khá đạt, nhưng T. vẫn ném ra một ánh mắt cảnh giác: “Không biết có phải là DN hay không nữa, không cẩn thận, tui bị các ông lừa như chơi”.

Sau một hồi thuyết phục, giãi bày những khó khăn về việc đang vướng trong việc xin giấy phép khai thác đá xây dựng, T. bắt đầu mới trải lòng.

Theo T., để  có được giấy phép khai thác đá xây dựng, trữ lượng trung bình, chi phí bỏ ra phải trên dưới 1 tỉ. Trong đó bao gồm các khoản như: lệ phí cấp mỏ, lệ phí thăm dò…Thông thường, để có được mỏ, phải đi qua các “cửa ải” từ xã lên huyện rồi mới đến tỉnh.

Trong đó, “cửa ải” quan trọng nhất, khó khăn nhất vẫn là từ tỉnh, Sở TN - MT.

Chi phí hết cỡ 1 tỷ, song theo hóa đơn, chứng từ nộp vào ngân sách nhà nước chỉ cỡ hơn 100 triệu. Phần lớn còn lại là tiền 'lo lót' để vượt qua các cửa ải. Mà số này toàn những chi phí không tên, là luật bất thành văn, là điều mà các DN ngấm ngầm tự hiểu với nhau.

Cũng theo T., quy trình để có một giấy phép khai thác đá xây dựng khá lòng vòng. Trước hết, công ty phải làm tờ trình xin chủ tịch và địa chính xã. Sau khi xã đồng ý, phê duyệt hồ sơ thì mới trình lên huyện. Huyện xem xét kỹ hồ sơ, nếu đồng ý mới chuyển hồ sơ lên cho UBND tỉnh và Sở TN - MT.

Sở TN - MT sẽ là cơ quan tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh. UBND tỉnh là đơn vị trực tiếp ký vào giấy phép khai thác khoáng sản.

T. cho hay, 2 cửa ải cuối cùng là quan trọng nhất. Vượt qua được 2 cửa ải này, coi như là đã thành công đến 99%. Chỉ cần hoàn thành nốt 'một số thủ tục' nữa là coi như đã có ngay một tờ giấy mang tên: Giấy phép khai thác đá xây dựng.

“Mỏ chúng tôi được cấp từ lâu rồi. Hồi đó, chi phí không lớn như bây giờ. Nếu muốn biết rõ ràng hơn về chi phí cũng như đường đi nước bước như thế nào, tôi sẽ giới thiệu cho anh một người khác. Tay này vừa xin được giấy phép khai thác”. Vừa nói, T. vừa lấy điện thoại ra gọi cho N. – một DN khai thác đá xây dựng trên địa bàn huyện Yên Thành:

- Từ bữa chạy giấy phép đến giờ đã hết 1 ngón (1 tỉ - PV) chưa? Hay mới hết 1 chai nhỏ (100 triệu - PV)

- Hết chai rồi anh ạ

- Chai to hay chai nhỏ (chai to là 1 tỉ đồng - PV)?

- Chai to chứ chai nhỏ tính làm gì

- Chết thật. Nhiều tiền như vậy, bọn anh muốn chạy để có một giấy phép khai thác đá xây dựng thì kiếm đâu ra tiền giờ?

- Không có cũng phải cố thôi, cắm nhà cắm cửa mà vay ngân hàng.

Dứt cuộc điện thoại, T thẳng thừng: Đấy, anh thấy chưa, chi phí để chạy một mỏ đá tốn kém lắm. Tay này vừa mới xin xong giấy phép khai thác đá. Muốn tìm hiểu đường đi nước bước thế nào, tốt nhất là nên gặp lão ấy. Các cửa ải cần vượt qua, ải nào khó, ải nào dễ; ai nào bao nhiêu tiền là vừa, cứ gặp thằng này, sẽ ra tuốt.

“Phi đội” cò giấy phép

Theo một chủ DN khai thác đá trắng tại Quỳ Hợp tên B., thời điểm hiện tại, việc xin giấy phép khai thác mỏ đá xây dựng cực kỳ khó khăn.

Lý do mà DN này đưa ra là: vừa xảy ra vụ tai nạn tại Lèn Cờ nên các đoàn thanh, kiểm tra gay gắt. B khuyên: để cho 'nó lắng xuống' cái đã, sau này mới tính đến.

Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ làm 18 người thiệt mạng
Cũng theo DN này, việc khó nhất để xin một giấy phép khai thác là phải có chủ trương từ tỉnh. Khi đã có chủ trương từ phía tỉnh thì những khâu còn lại sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Nếu tỉnh không có chủ trương, thì có “chạy” lên trời cũng không kiếm đâu ra cái giấy phép khai thác.

Sau khi xin được chủ trương thì đã có một phi đội “cò” sẵn sàng đứng ra làm nốt những việc còn lại đến khi hoàn tất một giấy phép khai thác.

“Cò là những người có chức, có quyền. Bởi vậy cứ xin được chủ trương thì phần còn lại, cò sẽ làm hết. Nếu như cách đây 1 đến 2 tháng, em mà nhờ anh xin chủ trương làm mỏ đá thì anh làm được. Nhưng giờ thì khó lắm, vì các Bộ đang thanh tra cả nước” – anh B. tiết lộ.

  • Hoàng Sang -  Quốc Huy


Bài 3: Tiết lộ động trời về đường đi của giấy phép