Trong ngày thơ, ai cũng muốn có mặt, ai cũng muốn thơ mình xuất hiện, nên cái việc chọn người đọc thơ, chọn thơ công bố khó vô cùng, lơ mơ là ăn chửi.
Hơn chục năm nay, cứ lúc mọi người tất bận chuẩn bị ăn và chơi Tết thì tôi lại ngồi... run rẩy với thơ.
Không phải run rẩy để làm thơ, dù năm nào, giao thừa, tôi cũng khai bút (giờ là khai phím) một bài, cho có không khí, có đà mà viết, mà lo chuẩn bị cho... ngày thơ.
Nó đến sát chân đấy thôi, ngay sau nghỉ Tết, rằm tháng giêng.
Hội Nhà Văn thì lo tổ chức ở Văn Miếu, các tỉnh thì lo ở các tỉnh. Lo, vì nhiều lúc chả biết lo cái gì và lo như thế nào, nên chỉ biết… lo mà thôi, nỗi lo cứ phập phồng mơ hồ cho đến khi ngày thơ kết thúc?
Khởi đầu từ tỉnh Quảng Ninh và Phú Yên, hàng mấy chục năm trước, họ tổ chức ngày thơ (Quảng Ninh) và đêm thơ (Phú Yên) rất hoành tráng. Rồi uỵch phát, hội Nhà Văn, sau khi xin ý kiến ban Tuyên giáo Trung ương, nâng cấp lên thành ngày thơ của cả nước, để giờ cứ rằm tháng giêng là cả nước lại sùng sục ngày thơ. Nói sùng sục là tả cái tâm trạng của những người tổ chức, chứ không khí chung thì phải nói thật, càng ngày càng... khiêm tốn.
Những năm đầu có sôi sùng sục thật, từ người tổ chức đến người thưởng lãm. Từ Nam chí Bắc, đâu đâu dân làm thơ và người yêu thơ cũng nhớn nhác hỏi nhau: Năm nay tổ chức thế nào, những ai đọc thơ, có nhà thơ A B C Z không? Rất nhiều người yêu thơ ở các tỉnh lân cận chung nhau thuê xe về Văn Miếu, ăn mặc chỉnh tề, đi lại hàng lối, nghiêm ngắn như đi... nghe thơ.
Các tỉnh cũng náo nức. Hồi ấy từ Trung ương đến địa phương, nơi nào cũng dùng mẫu cờ thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, ban đầu nhiều người thấy lạ, chả biết ngày gì mà treo cờ lễ la liệt. Đặt may cờ ấy cũng tốn công và tốn tiền. Giờ ít nơi dùng, có lẽ do cờ cũ đã rách, mà may mới thì nhiêu khê, nên thôi…
Ngày thơ Việt Nam năm 2016. Ảnh: Hà Nội mới |
Các tỉnh thường là vất vả hơn cả Hội Nhà Văn. Người làm thơ và người “nghiện” thơ, không đông như Hà Nội, không hăm hở như ở Văn Miếu, tiền nong cũng ít… nhưng cũng phải nghĩ đủ cách tổ chức để nó xứng tầm ngày hội và “hòa trong niềm vui chung của cả nước”. Thêm nữa, từ trong Tết, Hội Nhà Văn Việt Nam đã có công văn gửi Tỉnh ủy, Ủy ban các tỉnh thành nên có muốn thoái thác cũng không được.
Có bập vào tổ chức mới biết khó vô cùng.
Trước hết là lực lượng nhà thơ. Tỉnh giỏi được chục ông, tỉnh ít vài ông, chất lượng cũng không như nhau. Trong phong trào “người người làm thơ” hiện nay, nhà thơ rất nhiều, nhưng để chọn cho ra hơn chục bác xuất hiện trong ngày thơ là điều không dễ. Ai cũng muốn có mặt, ai cũng muốn thơ mình xuất hiện, nên cái việc chọn người đọc thơ, chọn thơ công bố khó vô cùng, lơ mơ là ăn chửi. Căn cứ vào đâu mà ông không cho tôi lên sân khấu đọc thơ, tiêu chuẩn nào ông không chọn thơ tôi, cùng là hội viên với nhau, sao thơ ông được chọn mà lại không chọn thơ tôi. Có người dọa kiện lên đến tận tỉnh, thậm chí... Trung ương!
Nên phía ban tổ chức căn cứ vào nhiều tiêu chuẩn, mà tiêu chuẩn đầu tiên là bạn đọc phải biết anh là ai thì ít người có. Một số tỉnh gần Hà Nội thì mời thêm các nhà thơ ở Hà Nội về để cho có chất “trung ương”, giải quyết nạn thiếu thơ và thiếu nhà thơ nổi tiếng, dù rất nhiều nhà thơ khẳng định, không có nhà thơ trung ương và địa phương, chỉ có thơ hay hoặc dở thôi. Một số tỉnh cũng tìm cách mời các nhà thơ tỉnh bạn, nhưng hầu như tất cả các tỉnh đều tổ chức vào một ngày, thêm nữa, mời là nó đụng đến vấn đề kinh phí, là cái việc nan giải thuộc loại hàng đầu của giới văn chương, vậy nên cuối cùng là, liệu cơm gắp mắm.
Tiếp đến là hình thức tổ chức. Hội Nhà Văn tổ chức ở Văn miếu, quân đông lực mạnh, năm nào cũng cố có cái mới. Năm thì múa quạt, năm chuyển sang nón, năm thì hầu đồng, năm thì ca cảnh, hòa tấu trống... đệm thêm cho thơ. Các địa phương khó hơn. Có tỉnh dựa vào các trường đại học trên địa bàn, có hẳn một ban tổ chức cấp tỉnh với sự tham gia của từ Ủy ban đến các sở ngành, tất nhiên là Hội Văn học Nghệ thuật vẫn là chủ như Thái Nguyên, có tỉnh đưa đến các đơn vị bộ đội kết nghĩa như Vĩnh Phúc, có tỉnh đưa xuống huyện kết hợp với phát động quỹ học sinh nghèo, quỹ xóa đói giảm nghèo như Gia Lai...
Hình thức thì sau bài phát biểu của lãnh đạo, thì đến tặng hoa, có nơi thêm mục đánh trống, thả bóng bay, Văn Miếu thì còn chọn hẳn 50 câu thơ hay dâng Ngọc Hoàng, rồi lần lượt các nhà thơ đọc thơ hoặc nhờ người ngâm. Không phải tỉnh nào cũng có lực lượng biết ngâm thơ nên phần nhiều là các nhà thơ tự đọc. Mà 70% các nhà thơ bây giờ không thuộc thơ mình, nhưng có ban tổ chức một số tỉnh yêu cầu lên sân khấu không được cầm giấy...
Tóm lại là, sau 15 năm, vấn đề tìm ý tưởng mới cho ngày thơ đang bị... tắc. Hà Nội còn dễ, trung tâm cả nước, Hội Nhà Văn Việt Nam đứng ra tổ chức. Ngay thành phố Hồ Chí Minh, lớn thế, hùng hậu thế, mà năm nay sẽ đưa ngày thơ vào hội trường tầng 2 của trụ sở Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tổ chức. Rất nhiều nhà thơ ở đấy than trời vì cái không gian này.
Tỉnh Đồng Tháp năm nay không tổ chức, vì theo nhà thơ Hữu Nhân, người đứng ra tổ chức mấy năm rồi than rằng “tổ chức mà không có người dự thì tổ chức làm gì?” Rất nhiều tỉnh tổ chức thành hình thức bàn tròn, chục ông bà làm thơ ngồi với nhau, mỗi người đọc vài bài thơ, bài hay xen lẫn bài vừa, rồi uống với nhau ly rượu, rồi chia tay, hẹn hò sang năm lại... gặp nhau đọc thơ…
Nói chung là khó, rất khó. Có người bàn: hay là vài ba năm ta tổ chức một lần, chứ năm nào cũng thế, nhàm. Lập tức có bác gân cổ: Nhàm là nhàm thế nào, cả nước người ta làm, mình không làm thì còn ra thể thống gì?…
Thì làm…
Văn Công Hùng