Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, giám đốc sản xuất phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên'. |
Chúng tôi đã lầm về Huỳnh Anh
- Vừa qua bộ phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' gây ồn ào liên quan đến việc diễn viên Huỳnh Anh bị cắt vai và không trả lại cát xê tạm ứng. Gần đây nam diễn viên này tiếp tục nói đoàn phim cơ hội và ích kỷ, dựa hơi mình để PR cho bộ phim và đòi bà phải xin lỗi. Cá nhân bà nói gì về sự việc?
Thực ra tôi rất chán nhắc đến anh này thêm nữa. Nếu đạo diễn Đinh Tuấn Vũ và tôi không có cảm tình qua gương mặt có vẻ sáng sủa của anh ấy trong phim 'Tình khúc Bạch dương' thì chúng tôi đã chẳng mời anh ấy tham gia một vai trong phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' làm gì.
Đó là Quỳnh - lái xe Trường Sơn, yêu Phượng - một trong 3 cô TNXP trụ trong hang Quán Tiên. Vai Quỳnh chỉ có một số phân đoạn thôi nhưng chúng tôi hy vọng Huỳnh Anh khắc hoạ được hình ảnh anh lái xe Trường Sơn những năm 1967-68 của thời chiến tranh chống Mỹ đẹp trai, quả cảm.
Nhưng chúng tôi đã lầm... Hình thức hoá ra không phải lúc nào cũng phản ánh đúng nội dung. Nếu yêu nghề, có trách nhiệm cao với công việc, với hợp đồng đã ký thì đã không đi "nhậu bị ngộ độc hôn mê" (nếu đúng theo lời anh ấy nói) để sớm hôm sau không bay ra Quảng Bình quay phim được. Phim chiến tranh bữa đó lại là đại cảnh phối hợp rất nhiều máy quay, quả nổ, xe cộ, súng ống và hàng trăm diễn viên trong vai bộ đội, thanh niên xung phong... Tất cả đều sẵn sàng mà gọi bao nhiêu cuộc từ sáng sớm cho đến chiều tối nhưng anh ấy ở tận đâu không nhấc máy... Mấy anh kỹ thuật bay cùng chuyến từ Sài Gòn ra cho biết ghế của Huỳnh Anh bỏ trống trên máy bay.
Trong tình huống nước sôi lửa bỏng ấy buộc chúng tôi phải thay vai ngay trên trường quay. May sao diễn viên Hoàng Long của Nhà hát Tuổi trẻ trong vai Sơn, phụ lái cho Quỳnh đã đứng lên đảm nhận.
Với những tình huống như tôi kể trên, không trách giận Huỳnh Anh mới là lạ. Tuy vậy tôi cũng chỉ than vài câu trên facebook của mình thôi. Một số nhà báo quan tâm đến bộ phim đã vào đọc được và đưa lên báo mạng... Vin vào cớ đó anh ấy bắt đoàn phim phải "xin lỗi" thì mới chịu trả lại tiền tạm ứng của vai Quỳnh (vì để mọi người biết anh ta như thế sẽ bị ảnh hưởng, nhất là mấy đoàn phim khác nhân cơ hội đó cũng tố anh ấy xù vai và cũng với lý do "hôn mê vào viện" như thế...).
Chuyện là như vậy, chả hay ho gì để chúng tôi phải "dựa hơi" anh ấy để PR! Càng nói tôi càng cảm thấy buồn.
Huỳnh Anh sau 3-4 tháng vẫn không trả lại cát sê tạm ứng cho vai diễn. |
Không ai ép được Thuý Hằng nhận vai
- Trong phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' còn có sự góp mặt của Thuý Hằng, gương mặt từng xuất hiện trong 'Những đứa con của làng' hay 'Cuộc đời của Yến', sự lựa chọn này có phải vì muốn an toàn cho bộ phim khi có sự góp mặt của những gương mặt quen thuộc?
Khi làm một bộ phim truyện điện ảnh lớn, nhất là về chiến tranh lại may mắn được Nhà nước đặt hàng thì trách nhiệm của chúng tôi lo về chất lượng và sự an toàn về nhiều mặt vẫn là rất lớn. Tìm một diễn viên vào vai nữ chính của một bộ phim không phải chuyện đùa. Cần một người có cả sắc lẫn tài, lại có dáng dấp của một người chị đầy bao dung và bản lĩnh của người đứng đầu nhóm ba cô tính tình nghiêm khắc nữa...
Thuý Hằng đáp ứng được những điều đó vì chị đã được thử thách qua hai bộ phim truyện điện ảnh lớn, đã được nhận giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc trong LHP VN 16 với hai vai: o Bưởi (Những đứa con của làng) và Yến (Cuộc đời của Yến). Chị là một diễn viên rất có trách nhiệm với vai mình đóng, không hề quản ngại khó khăn vất vả, cố gắng thể hiện với chất lượng cao nhất trong từng cảnh diễn nhưng lại sống rất giản dị, hoà đồng.
- Thuý Hằng từng chia sẻ chồng cô không thích vợ đóng phim và từng phải trốn chồng đi đóng. Bà đã thuyết phục cô ấy thế nào để một lần nữa cô ấy bỏ hết mọi thứ hào nhoáng ở đô thị, ép cân, vào rừng suốt 2 tháng ròng rã để đóng phim trong điều kiện thiếu thốn như vậy?
Không cần phải có cách gì để thuyết phục hay ép được Thuý Hằng - kể cả chồng cô ấy. Một khi cô ấy thấy thích thấy yêu nhân vật mà cô ấy sẽ đóng. Tôi nghĩ cách thuyết phục diễn viên tham gia phim tốt nhất, hay nhất đó chính là kịch bản. Kịch bản 'Truyền thuyết về Quán Tiên' được nhà biên kịch Đoàn Tuấn chuyển thể từ truyện của cố nhà văn quân đội - đại tá Xuân Thiều (giải thưởng Hồ Chí Minh), được đạo diễn Đinh Tuấn Vũ đưa được cái nhìn trẻ trung, dí dỏm và không kém phần sâu sắc, hợp lý của mình vào khi phân cảnh. Truyện hay, hấp dẫn là cách thuyết phục diễn viên tốt nhất. Họ đọc thấy bộ phim hứa hẹn cái gì đó, nhân vật họ đóng có số phận có đất diễn rất thú vị là họ sẽ dấn thân thôi.
Tôi không dám nói đến những điều to lớn hơn: đó là ý thức trách nhiệm của người nghệ sĩ khi được tái hiện lại hình ảnh gian khổ nhưng đẹp đẽ của những người chiến sĩ đã hy sinh cả tuổi trẻ của mình để bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước trong bộ phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' mà chúng tôi cùng diễn viên chính Thuý Hằng đang thực hiện.
Tôi nghĩ đa phần các nghệ sĩ tên tuổi tham gia phim điều đầu tiên họ quan tâm đó chính là nghệ thuật, thứ mới đến những chuyện khác ... Bên cạnh đó chắc Thuý Hằng cũng an tâm và tin tưởng hơn khi cộng tác với ê kíp mà mình đã từng biết, đã từng quen thuộc rồi.
Thuý Hằng và đạo diễn Đinh Tuấn Vũ trong một cảnh quay. |
Hợp đồng tốt nhất để giữ gìn hình ảnh của các diễn viên chính là ý thức
- Đến thời điểm này khi phim đã hoàn thành xong bản dựng đầu tiên, điều gì khiến bà hài lòng nhất? các diễn viên có diễn được ra chất bà mong muốn?
Thú thật hôm khai máy 4/4 tôi rất lo, không biết gần hai tháng bấm máy có được suôn sẻ? Kế hoạch quay có giữ được tiến độ? Mong từng ngày, hồi hộp từng ngày... Kinh phí lại không được xông xênh mà mục nào cũng không thể đừng, không thể cắt bỏ... nếu kéo dài ngày quay tốn kém, kinh phí ắt sẽ không đủ để đáp ứng... Thời tiết của Quảng Bình lại đang mùa nắng nóng kinh khủng. Súng ống xe cộ của những năm 1967-68 liệu có còn không? May sao Bộ chỉ huy quan sự Tỉnh Quảng Bình còn lưu giữ được tất cả dù nửa thế kỷ đã qua đi cùng với sự hỗ trợ của Bảo tàng Tổng cục hậu cần, đặc biệt là sự quan tâm của Bộ Tổng tham mưu và Tổng cục hậu cần.
Vì thế, điều khiến tôi mừng nhất là anh em đoàn phim rất vui vẻ, đoàn kết làm việc hết mình. Nhiều hôm đi quay từ 4h sáng hôm trước đến 4h sáng hôm sau mới về. Vậy mà trong suốt 6 tuần quay không ai bị ốm đau gì. Thật may mắn! Mỗi ngày ra trường quay là một ngày lao động nghệ thuật đầy hứng khởi. Đó là điều quí nhất. Vì thế sau khi xem bản đầu nháp dựng chúng tôi cảm thấy rất hài lòng. Lao động như thế ắt sẽ gặt hái được như thế. Các diễn viên mỗi người mỗi vẻ đều khắc hoạ được rõ nét nhân vật mình đóng. Thật không phần thưởng nào vui bằng.
- Các đoàn phim thường rất lo ngại các diễn viên trong quá trình đóng và sau khi phim hoàn thành dính "phốt" vì sẽ ảnh hưởng đến bộ phim, nhất là phim về đề tài chiến tranh như Truyền thuyết về Quán Tiên. Bà có ràng buộc gì trong hợp đồng với họ để hạn chế thấp nhất rủi ro về hình ảnh, phát ngôn, chuyện đời tư có thể ảnh hưởng tiêu cực đến phim?
Hợp đồng tốt nhất để giữ gìn hình ảnh của các diễn viên chính là ý thức của mỗi người trong mỗi vai mình đóng. Nhất là đối với bộ phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' rất thiêng liêng này. Thiêng liêng bởi chúng tôi chạm đến những sự mất mát, hy sinh của những cô gái thanh niên xung phong, những chàng trai bộ đội lái xe rất trẻ trên tuyến đường Trường Sơn khói lửa ngày nào. Mỗi địa điểm quay chúng tôi dường như gặp lại chính họ.
Dù không mê tín nhưng chúng tôi cảm thấy đoàn phim rất được các anh chị thanh niên xung phong, bộ đội ngày xưa "phù hộ". Trời nắng như thế mà không mấy khi gặp mưa. Mỗi bối cảnh quay thời tiết vô cùng đẹp. Luôn có cảm giác như dưới lớp đất kia vẫn còn mảnh bom mảnh đạn hoặc xương cốt những người hy sinh còn nằm đâu đó đang ngắm nhìn các diễn viên vào vai mình ngày nào xem có giống không? Chỉ là đóng lại thôi mà còn vất vả thế, những người sống vào những năm khói lửa ấy còn vất vả đến đâu...
Bà Ngát cùng ê kíp đoàn phim trong những ngày bám trụ tại Quảng Bình làm phim. |
Nếu không ra rạp thì làm phim để làm gì?
- Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất trong quá trình làm Truyền thuyết về quán tiên? đó có phải là những ngày nắng nóng đi làm phim?
Năm nào chả có mùa nóng nhưng mùa nóng năm nay 2019 làm tôi nhớ nhất. Mồ hôi mồ kê đổ ra chan hoà nhất và tổ sản xuất phải lo nước uống cho anh em ngoài trường quay nhiều nhất. Cả đoàn phim ngày đầu bấm máy da ai cũng trắng khi đóng máy thì da ai cũng đen nhẻm như cột nhà cháy.
- Nhà sản xuất luôn phải đối mặt với những vấn đề đau đầu, từ kinh phí đến chất lượng phim và chuyện phim ra rạp có bao nhiêu khán giả. Nhiều người nói làm phim nhà nước rót tiền thì sướng vì không phải lo lỗ lãi hay bán được vé hay không. Như có phim 21 tỉ đấy từng không bán được 1 vé mà cũng không sao. Bà nói sao về điều này?
Làm nhà sản xuất đúng là vất vả thật, lo trăm thứ bà rằn. Nhưng không phải như mọi người nói đâu. Đã làm phim bằng tiền gì, do ai đầu tư (nhà nước hay tư nhân) cũng đều mong được ra rạp hết. Nếu không ra rạp thì làm phim để làm gì? Phim đặt hàng càng cần phải ra rạp. Mục đích doanh thu hay phục vụ nhiệm vụ chính trị thì cũng đều cần có đông người xem. Đông người xem thì nhà đầu tư với mục đích kinh doanh mới thu được vốn. Nhà nước muốn phục vụ chính trị thì càng đông người xem càng thẩm thấu được tư tưởng tình cảm mà Nhà nước muốn người xem lĩnh hội.
Cho nên làm phim bằng đồng tiền nào cũng quý và phải trân trọng cả. Đừng bao giờ sao nhãng ý thức hãy tập trung cho phim và vì phim trước hết. Làm sao để dung hoà được nội dung và hình thức thể hiện để đáp ứng được nhu cầu người xem. Tôi tin khán giả chưa mất đi sự hưởng thụ những dòng phim nghệ thuật chính thống. Phim hài, phim hành động, phim giải trí cũng đều quý nếu làm hay. Chả dòng nào che lấp dòng nào. Mỗi dòng đều có khán giả riêng của mình. Tiếc là mươi năm nay dòng phim chính thống ngày một ít đi nên có cảm giác không còn tồn tại và không còn cần loại phim này nữa nhưng không phải vậy. Mong sao những năm tới dòng phim này sẽ trở lại như xưa. Mong các nhà đầu tư tư nhân cũng quan tâm đến dòng phim này chứ không chỉ Nhà nước.
NBK kỳ cựu đang ấp ủ làm một bộ phim về Hà Nội. |
Tôi không nghĩ là mình đã 70 tuổi
- Ở tuổi 70 nhiều người kinh ngạc khi thấy bà vân băng rừng lội suối làm phim trong điều kiện khắc nghiệt. Đây liệu đã phải bộ phim cuối cùng bà tham gia sản xuất trước khi nghỉ ngơi?
Tôi không nghĩ là mình đã 70. Bởi lẽ khi đã say mê cái gì thì quên hết cả tuổi tác. Tôi sống tự lập từ bé nên quen rồi, rất ham làm việc. Việc đầu óc cũng như chân tay không lúc nào ngơi. Lúc nào cũng phải bới việc gì đó ra để làm. Thích nghĩ ra cái gì đó để quy tụ anh em trong nghề cùng xúm vào làm. Con cái thương mẹ khuyên nghỉ ngơi, buông hết thôi để đi chơi. Nếu trời cho sống đến 80 thì còn mươi năm nữa chứ mấy. Thật ra tháng 10/2020 tôi mới tròn tuổi như chị nói. Định làm gì nữa thì cũng chỉ còn 1 năm tới này may ra còn cố gắng bởi tôi luôn "qui hoạch" cuộc sống và công việc của mình...
Đã hai năm nay tôi theo đuổi và có mong muốn làm một bộ phim truyện điện ảnh về Hà Nội ngày hôm nay. Đây có lẽ là sự "theo đuổi" cuối cùng chăng? Cũng được Lãnh đạo thành phố quan tâm và cho những ý kiến chỉ đạo cũng như đã có công văn đi đi về về lên lên xuống xuống giữa các ban, ngành rất nhiều rồi nhưng... Vấn đề tài chính bao giờ cũng là vấn đề lớn nhất. Nó lớn hơn tất cả mọi thứ trên đời vì thế nên nó rất là quan trọng và mang ý nghĩa quyết định. Và tôi đang đợi sự "quan trọng" này, biết đâu nó sẽ đến trước khi tôi chưa kịp bỏ... đi chơi.
Dù sao thì tôi cũng biết là mình cần phải nghỉ ngơi rồi, dù hơi muộn.
Quỳnh An
Bị cắt vai, Huỳnh Anh không trả lại cát xê cho nhà sản xuất
Hơn 2 tháng sau vụ lùm xùm không tới điểm quay đúng hẹn và bị cắt vai, nhà sản xuất phim 'Truyền thuyết về Quán Tiên' cho hay cho đến giờ Huỳnh Anh vẫn chưa trả lại cát xê.