- Trước thềm năm học mới, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có buổi làm việc sáng 17/8 với Bộ Giáo dục - Đào tạo mà ông gọi là để "truyền lửa". Hai chủ đề được đề cập: tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng 11 về giáo dục - đào tạo và việc chuẩn bị đề án Đổi mới căn bản, toàn diện lĩnh vực này.
Đi cùng Tổng bí thư có Phó Thủ
tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng KHCN Nguyễn Quân, phó ban Tổ chức TƯ, phó ban
Tuyên giáo TƯ...
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: Minh Thăng |
Tổng bí thư hoan nghênh báo cáo "thẳng thắn", "ít thấy" vì đã nhận khuyết điểm một cách chân thành, do Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận trình bày. Theo đó, bên cạnh những việc đã làm được như chuyển biến trong chất lượng giáo dục, đẩy mạnh phân cấp ở bậc đại học, đổi mới nội dung giảng dạy ở bậc phổ thông..., Bộ thừa nhận chất lượng giáo dục, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Một số bức xúc chưa được giải quyết triệt để, như tình trạng dạy thêm tràn lan, thu góp đầu năm học, tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích...
Tổng bí thư cho rằng, không thể phủ nhận những thành tựu của ngành, song cũng phải thừa nhận chất lượng hiệu quả GD-ĐT chưa được như mong muốn, giáo dục đại học có nơi có lúc còn bị thương mại hóa, chạy theo lợi ích cục bộ, thành tích ảo... Ở bậc phổ thông, chương trình, nội dung, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá còn chậm đổi mới, nặng về lý thuyết, chưa phát huy năng lực sáng tạo, tự học...
Nhận định "quan trọng nhất là nhìn ra bệnh để chữa", người đứng đầu Đảng nhấn mạnh giáo dục là lĩnh vực phong phú, đa dạng, nhạy cảm, "nhà nào cũng có người đi học" nên thường xuyên nhận được ý kiến góp ý, các nhà quản lý cần lắng nghe.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gợi ý lãnh đạo Bộ GD-ĐT cần có tầm nhìn chiến lược. "Chúng ta đã 3 lần cải cách giáo dục, vì sao lần này không đặt vấn đề cải cách mà là 'đổi mới căn bản, toàn diện'? Phải chăng phải đổi mới từ tư duy cho đến mô hình, hệ thống giáo dục Việt Nam thời gian tới phải như thế nào, cơ chế vận hành hệ thống, có bao nhiêu loại hình giáo dục, đường hướng để đáp ứng yêu cầu, cơ sở vật chất, nguồn lực". Ông cũng nêu câu hỏi "Việt Nam đã có triết lý về giáo dục chưa, hay là người học ở Anh về bảo phải như thế này, người học ở Mỹ bảo thế kia, nên tiếp thu kinh nghiệm gì của từng nước, trên cơ sở nào".
Trước mắt, theo ông Nguyễn Phú Trọng, Bộ GD-ĐT cần tập trung tạo chuyển biến về chất lượng giáo dục: quan tâm hơn nữa đến việc dạy người, giáo dục nhân cách, đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý giáo dục. "Phân cấp quản lý là đúng nhưng kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực cho thấy nếu buông lỏng kiểm tra, giám sát là có chuyện", ông nói.
Tổng bí thư cũng lưu ý ngành GD-ĐT phải giải quyết cho được những bức xúc hiện nay như bạo lực học đường, bệnh bằng giả, thành tích ảo...
Hiền Anh