Nghị định 01/2023/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VH-TT&DL được Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ngày 16/1. 

Theo đó, Bộ VH-TT&DL là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các ngành, lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.

Nghị định số 01/2023/NĐ-CP quy định, Bộ VH-TT&DL thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Nghị định 123/2016/NĐ-CP, Nghị định 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 và những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể liên quan đến các lĩnh vực di sản văn hóa; nghệ thuật biểu diễn; điện ảnh; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; quyền tác giả, quyền liên quan; thư viện; quảng cáo; văn hóa cơ sở;... thể dục, thể thao cho mọi người; thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp;...

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam sẽ thực hiện quản lý ngành về du lịch (Ảnh: Trung tâm thông tin du lịch)

Ngoài ra, Bộ cũng quản lý lĩnh vực tài nguyên du lịch và quy hoạch hệ thống du lịch; khu du lịch, điểm du lịch; kinh doanh du lịch, hướng dẫn du lịch, xúc tiến du lịch; hợp tác quốc tế; công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý về du lịch;...

Về cơ cấu tổ chức, theo quy định tại Nghị định số 01/2023/NĐ-CP, Bộ VH-TT&DL bao gồm: Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Kế hoạch, Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Đào tạo; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Thư viện; Vụ Văn hóa dân tộc; Vụ Gia đình; Văn phòng Bộ; Thanh tra Bộ; Cục Di sản văn hóa; Cục Nghệ thuật biểu diễn; Cục Điện ảnh; Cục Bản quyền tác giả; Cục Văn hóa cơ sở; Cục Hợp tác quốc tế; Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Cục Thể dục thể thao;…

Đáng lưu ý, Tổng cục Du lịch sẽ chuyển thành Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam. Trong đó, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Cục Thể dục thể thao có con dấu hình Quốc huy.

Theo Nghị định, Tổng cục Du lịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Tổng cục Du lịch tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng sắp xếp, tổ chức lại thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.

Nghị định 01/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2, thay thế Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ VH-TT&DL.

Như vậy, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có tên gọi mới sau nhiều lần thay đổi, sáp nhập. 

Theo Bộ VH-TT&DL, Tổng cục Du lịch lần đầu tiên được thành lập theo Quyết nghị 262NQ/QHK6 ngày 27/6/1978 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trực thuộc Hội đồng Chính phủ.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 8 ngày 12/8/1991 đã thông qua nghị quyết sáp nhập Tổng cục Du lịch vào Bộ Thương mại và Du lịch.

Đến ngày 26/10/1992, Chính phủ ra Nghị định số 05-CP thành lập Tổng cục Du lịch là cơ quan thuộc Chính phủ.

Từ ngày 31/7/2007 đến nay, Tổng cục Du lịch lại được sáp nhập vào Bộ quản lý đa ngành là Bộ VH-TT&DL, theo quy định tại Nghị quyết số 01/2007 của Quốc hội.

'Hội nghị Diên Hồng' để du lịch bứt pháMột cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn, thu hút khách quốc tế vào Việt Nam, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, vừa diễn ra ngày 21/12. Đây được xem như hội nghị Diên Hồng để ngành du lịch có thể bứt phá.