Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, dự kiến, kết thúc tháng 12/2016 sẽ đánh giá bước 1 sơ bộ trên tổng số các đối tượng khoảng 12-15 nghìn đối tượng nhà. Đến năm 2017 sẽ tiến hành kiểm kê các đối tượng nhà cần phải di dời khẩn cấp.

Ngày 22/2 tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp triển khai Chỉ thị 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/2/2016 về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị.

{keywords}

Nhà G6A Thành Công, phường Thành Công được xếp hạng D đặc biệt nguy hiểm tại Hà Nội

Tại chỉ thị 05,Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng và UBND các tỉnh và Thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá về mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình trên địa bàn, bao gồm nhà chung cư được xây dựng từ trước năm 1994; các nhà biệt thự, trụ sở làm việc, công trình công cộng có tuổi thọ trên 60 năm và các công trình khác có dấu hiệu nguy hiểm, mất an toàn tại các đô thị.

Trao đổi tại cuộc họp triển khai, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhận định, việc kiểm tra, đánh giá chung cư nguy hiểm được Bộ Xây dựng thực hiện thường xuyên qua các năm. Tuy nhiên, với sự cố sập biệt thự cổ 107 Trần Hưng Đạo vừa qua, Bộ Xây dựng đã tham mưu với Chính phủ ban hành Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2016 nhằm tổng kiểm tra, rà soát đánh giá các chung cư cũ xây dựng trước năm 1994, các nhà công cộng có niên hạn trên 60 năm và các nhà nguy hiểm khác trên tất cả các đô thị trên cả nước.

Bộ Xây dựng khẩn trương triển khai chỉ đạo các đơn vị thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó giao Viện Khoa học công nghệ xây dựng gấp rút lấy ý kiến của các địa phương hoàn thành dự thảo trình Bộ Xây dựng ban hành quy trình đánh giá kiểm định các nhà nguy hiểm vào tháng 4/2016.

Có 2 bước đánh giá là đánh giá sơ bộ trên đối tượng tổng thể bằng phương pháp trực quan và kiểm định chi tiết. Theo Thứ trưởng Lê Quang Hùng, dự kiến, kết thúc tháng 12/2016 sẽ đánh giá bước 1 sơ bộ trên tổng số các đối tượng khoảng 12-15 nghìn đối tượng nhà. Đến năm 2017 sẽ tiến hành kiểm kê các đối tượng nhà cần phải di dời khẩn cấp, đồng thời có những biện pháp di dời khẩn cấp, phá dỡ. Đối với những nhà sau khi kiểm định đánh giá vẫn có thể tiếp tục sử dụng, nếu có ở lại cần gia cố và có sự kiểm tra định kỳ hàng năm đối với các công trình này.

Theo số liệu báo cáo tại cuộc họp, ở Hà Nội hiện có khoảng 1500 block nhà chung cư cũ (xây dựng trước 1994) và khoảng 1500 biệt thự cũ xây dựng trước 1954. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có khoảng 1000 block chung cư cũ; trên 2000 biệt thự xây dựng thời trước 1975 và khoảng hơn 10.000 nhà thuộc sở hữu Nhà nước khác. Tổng số đối tượng nhà thuộc diện cần kiểm tra rà soát khoảng 15.000 hộ.

Trong năm 2014, Hà Nội đã đánh giá sơ bộ được khoảng hơn 1.250 block chung cư cũ trên tổng số gần 1500 block chung cư cũ. Trong số 39 công trình được khảo sát thí điểm tại cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, các chuyên gia nhận thấy chủ yếu các chung cư và công trình công cộng cũ tại đều đã quá tuổi thọ cho phép, công tác quản lý duy tu bảo dưỡng trước đây không được quan tâm, thay vào đó là hỏng hóc ở đâu thì sửa chữa chắp vá ở đó, đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho kết cấu các tòa nhà bị biến dạng nặng, tăng nguy cơ gây mất an toàn nghiêm trọng cho người sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, vừa qua Hà Nội đã chỉ đạo di dời khẩn cấp 2 chung cư cũ bị xếp hạng D đặc biệt nguy hiểm bao gồm Nhà A Ngọc Khánh, phường Ngọc Khánh (đơn nguyên 1) và Nhà G6A Thành Công, phường Thành Công (đơn nguyên 2).

Hồng Khanh