Quân đội Ai Cập, hôm 1/7, đã đặt ra thời hạn chót 48 giờ để tất cả các bên giải quyết khủng hoảng trước khi áp đặt một lộ trình do quân đội giám sát cho tương lai của đất nước này.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

Mỹ khuyến cáo công dân không đến Ai Cập

Đám cưới ngay giữa biển người biểu tình

"Bão" biểu tình càn quét Brazil

{keywords}
Tổng thống Mohammed Morsi khẳng định đối thoại là lựa chọn duy nhất đưa Ai Cập thoát khỏi khủng hoảng chính trị.

Thông tin trên vừa được Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah al-Sisi đưa ra.

"Các lực lượng vũ trang sẽ không tham gia vào chính trị hoặc cai trị", ông Sisi nhấn mạnh trong một thông điệp được phát trên đài truyền hình quốc gia, đồng thời cho biết thời hạn chót 48 giờ là "cơ hội cuối cùng" cho tất cả các bên thỏa mãn yêu sách của người dân và giải quyết khủng hoảng.

"Lãng phí thời gian sẽ dẫn tới xung đột và phân rẽ hơn nữa", Bộ trưởng Sisi cảnh báo và nói rằng người dân đã phải chịu đựng nhiều từ cuộc khủng hoảng chính trị đang tiếp diễn. Ông tuyên bố lộ trình tương lai của quân đội sẽ được thực hiện "với sự tham gia của tất cả các đảng phái và lực lượng quốc gia, đặc biệt là giới trẻ, không bỏ qua bất kỳ bên nào".

"An ninh quốc gia đang gặp nguy hiểm", vị bộ trưởng này nhấn mạnh và khẳng định các lực lượng vũ trang sẽ không từ bỏ vai trò lịch sử và quốc gia của mình.

{keywords}
Biểu tình phản đối chính quyền Morsi tại Quảng trường Tahrir. (Ảnh: Getty)

Quân đội Ai Cập cũng phủ nhận các cáo buộc rằng tối hậu thư là một cuộc đảo chính. Trước đó, họ cho biết sẽ công bố một "lộ trình" cho hòa bình nếu Tổng thống Mohammed Morsi và các đối thủ của ông không quan tâm đến "nguyện vọng của nhân dân".

Tối hậu thư kể trên đã được quân đội đưa ra trong bối cảnh sự tức giận của người dân đối với chính quyền Mohammed Morsi đang dâng cao. Tuy nhiên, ông Morsi bác bỏ thời hạn chót này và tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch hòa giải quốc gia của mình.

Tổng thống Morsi cũng khẳng định đối thoại là lựa chọn duy nhất để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng chính trị.

{keywords}
Ai Cập đang hứng chịu làn sóng biểu tình lớn chưa từng có kể từ năm 2011. (Ảnh: AP)

Trong một diễn biến khác, ngày 1/7, bộ trưởng của các bộ Du lịch, Môi trường, Thông tin, các vấn đề pháp luật và quốc hội, vệ sinh và nước sinh hoạt đã đồng loạt đệ đơn từ chức do đụng độ giữa hai phe biểu tình phản đối và ủng hộ chính phủ diễn ra liên miên. Bên cạnh đó, 5 thành viên của Hội đồng Shura (Thượng viện) cũng muốn ra đi, lên án bài phát biểu của Tổng thống Morsi hồi giữa tuần trước không đưa ra được bất kỳ một giải pháp nào cho khủng hoảng ở Ai Cập.

Ai Cập hiện đang chứng kiến làn sóng biểu tình lớn chưa từng có kể từ khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011. Những người phản đối chính quyền Morsi tập trung tại Quảng trường Tahrir và khu vực quanh Dinh Tổng thống ở Cairo còn những người ủng hộ ông tiếp tục kéo đến Quảng trường Rabia al-Adawiya Square ở Nasr City của Cairo để "bảo vệ tính hợp pháp" của vị Tổng thống dân cử đầu tiên tại Ai Cập.

Các cuộc đụng độ đã làm ít nhất 16 người thiệt mạng và gần 800 người bị thương trên toàn đất nước này.

Thanh Hảo
(Tổng hợp)