GS Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước (nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) cho biết ông từng viết thư ngỏ gửi Bộ Chính trị về cần có quyết sách với tiếng Anh.
Cụ thể, cần có Chỉ thị/ Nghị quyết của Bộ Chính trị và Ban Bí thư để tăng cường việc dạy, học và sử dụng tiếng Anh ở Việt Nam.
"Khả năng sử dụng tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ tốc độ hội nhập quốc tế..." (Ảnh Lê Anh Dũng) |
Theo ông Nhung, hai công cụ chiến lược của thời đại hiện nay là Công nghệ thông tin (CNTT) và tiếng Anh.
"Một công thức quan trọng của thời đại toàn cầu hóa ngày nay là CNTT + Tiếng Anh + Bộ Óc tốt = Tất cả (IT + English + Good Brain = All!)" |
Bày tỏ sự tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng theo ông Nhung, trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất.
“Theo tôi đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác” – ông Nhung khẳng định.
“Vì chính các nước khi tiếng mẹ đẻ của họ trùng với một thứ tiếng quốc tế nào đó, ví dụ như tiếng Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, Trung quốc, Nhật Bản..., họ cũng đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một”.
Theo thống kê mấy năm trước đây của Hội đồng Anh có 370 triệu người bản ngữ nói tiếng Anh và 375 triệu người sử dụng tiếng Anh như một ngoại ngữ. Như vậy có 745 triệu người nói tiếng Anh. Con số này tăng nhanh lên hàng ngày.
GS Trần Văn Nhung đưa hai ví dụ cụ thể là Singapore và Malaysia để tham khảo và so sánh.
Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này "không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu" (Ảnh Đinh Quang Tuấn) |
Theo đó, trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn (copy) sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho trường học của mình, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.
Ông Nhung cho rằng “Đây có lẽ là cách nhanh nhất, khoa học nhất, tiết kiệm nhất để cập nhật, hiện đại hoá nền giáo dục và nói riêng là biên soạn sách giáo khoa, bảo đảm các nguyên tắc của khoa học sư phạm hiện đại, vì các nước phát triển lâu đời như nước Anh đã có truyền thống với nhiều chuyên gia khoa học và giáo dục rất giỏi”.
Phân tích cụ thể, ông Nhung cho biết không chỉ đối với giáo dục phổ thông mà ngay cả những trường đại học nổi tiếng hàng đầu của Singapore như NUS hay NTU, từ lâu đã sử dụng luôn chương trình giảng dạy về khoa học và công nghệ, sách giáo khoa và sách tham khảo, áp dụng việc thi cử và bằng cấp của các đại học đứng đầu thế giới như Harvard, MIT (của Mỹ) và Cambridge, Oxford (của Anh).
Nhờ kiên trì thực hiện chủ trương “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học, ngày nay Singapore có lợi thế lớn.
Trong khi đó Malaysia chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Cách đây ít năm, sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu mọi người Mã Lai hãy trở lại với tiếng Anh và cá nhân ông gương mẫu học trước.
Từ quan điểm và sự phân tích của mình, mà như ông Nhung tự nhận là “một nhà giáo, một người đã “lặn lội, tự học” tiếng Anh mãi ở trong nước mà khi dùng vẫn rất khó khăn, vẫn không tự tin và không thể khá lên được”…, ông Nhung đề nghị “Bộ Chính trị, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, xem xét, tham khảo, vận dụng những kinh nghiệm quý báu của chính đất nước ta (từ thời Chủ tịch Hồ Chí Minh), của Singapore và Lý Quang Diệu, của các nước phát triển thần kỳ khác, để có quốc sách phù hợp cho tiếng Anh song hành cùng CNTT ở Việt Nam”.
Ngân Anh