Ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam. |
Thông tin tại Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2019 cho biết, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam còn thờ ơ với việc chuyển sang nền tảng Internet thế hệ mới IPv6. Tính đến tháng 4/2019, đối với lĩnh vực nội dung số, ngoài công ty FPT Online đã chuyển đổi thành công IPv6 cho báo điện tử VNEpress từ năm 2017, thì đến nay chỉ có một số ít các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số và báo điện tử, đài truyền hình chuyển đổi sang IPv6 gồm VCCorp, báo Diễn đàn doanh nghiệp, Truyền hình cáp SCTV.
Do đó, việc đẩy mạnh triển khai IPv6 trong khối cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số trong thời gian tới không chỉ nhằm hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch triển khai IPv6 trong năm 2019 mà còn góp phần phát triển bền vững mạng Internet Việt Nam nói chung cũng như phát triển hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Trao đổi với ICTnews về lý do tại sao các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung số lại chưa mặn mà với việc triển khai ứng dụng IPv6, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết: “Có lẽ do các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số chưa nhận thức được lợi ích rõ rệt của việc chuyển đổi sang IPv6. Trong 2 năm gần đây việc chuyển đổi sang IPv6 chủ yếu được phát triển ở các dịch vụ mà người dùng không phải chuyển đổi khi sử dụng, cho nên tỷ lệ chuyển sang IPv6 tăng đột biến, chủ yếu tăng ở phần dịch vụ cung cấp cho người dùng cá nhân, người dùng gia đình. Còn ở dịch vụ nội dung số thì việc chuyển đổi sang IPv6 phức tạp hơn về mặt kỹ thuật nên các nhà cung cấp dịch vụ nội dung phải chuẩn bị nhiều việc như: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, đào tạo nhân lực, phối hợp với các nhà mạng để triển, nên có lẽ vậy nên các doanh nghiệp nội dung số chậm chân trong việc chuyển đổi sang IPv6".
Cũng theo ông Vũ Thế Bình, chi phí đầu tư chưa hẳn đã là rào cản lớn nhất đối với các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số khi chuyển đổi sang IPv6. Theo ông Bình, lý do đầu tiên là do mối quan tâm của người lãnh đạo, thông thường với việc chuyển đổi công nghệ, nếu các doanh nghiệp càng đi sớm thì càng có lợi. Hiện các nhà cung cấp dịch vụ nội dung lớn như Facebook, Google đã chuyển sang dùng IPv6 rồi, nên các doanh nghiệp Việt Nam càng chuyển sớm càng có lợi hơn.
Lý do thứ hai, nhiều nhà cung cấp nội dung giao lại việc cung cấp hạ tầng kỹ thuật cho các công ty khác, nếu các đơn vị này chưa chuyển đổi sang IPv6 thì các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số cũng chưa thể chuyển sang IPv6 được.
Ông Vũ Thế Bình đưa ra khuyến cáo: “Bây giờ là lúc các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số nên chuyển đổi sang IPv6 nếu không sẽ muộn”.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai IPv6 tại báo điện tử VnExpress, ông Nguyễn Văn Ngọc, đại diện FPT Online cho biết, Ban lãnh đạo báo đã sớm thấy rõ hạn chế của IPv4 nên IPv6 được toàn bộ Ban lãnh đạo thống nhất triển khai bắt đầu từ giai đoạn năm 2011 – 2012. Ngay từ năm 2011-2012 đã thành lập nhóm nghiên cứu IPv6. Nhóm nghiên cứu được cử đi học các khóa đào tạo của VNNIC và nghiên cứu các tài liệu trên Internet, từ đó xây dựng đề án chuyển đổi IPv6 cho các dịch vụ của FPT Online, được tiến hành làm 3 giai đoạn.
Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, để triển khai thành công cần sự đồng thuận cao trong Ban lãnh đạo đơn vị. Bên cạnh đó, cần xây dựng đội triển khai gồm 3 thành phần: đội hạ tầng hệ thống, đội lập trình, đội kiểm thử. Cần chia nhỏ các dịch vụ và triển khai từng bước nhỏ, sau đó mới ứng dụng vào website lớn của mình.
Hiện SCTV đã ứng dụng IPv6 trong dịch vụ truyền hình OTT SCTV Online, ông Nguyễn Văn Mùi, Phó Tổng giám đốc Truyền hình cáp SCTV cho biết, hệ sinh thái video số như YouTube, Netflix đều chạy qua Internet. IPv6 có một số ưu điểm đặc biệt sẽ giúp khách hàng trải nghiệm video số tốt hơn, như giảm độ trễ, tạo ra cầu nối tốt hơn giữa khách hàng và doanh nghiệp.
Đặc biệt, IPv6 còn hỗ trợ tốt hơn cho 2 giải pháp Token và GeoIP, giúp phát hiện và ngăn chặn tấn công đánh cắp nội dung của SCTV, giúp cho việc bảo vệ bản quyền của các nhà cung cấp dịch vụ nội dung số.
Bên cạnh đó, IPv6 còn hỗ trợ doanh nghiệp phat triển công cụ giúp nhận dạng các thiết bị đang kết nối vào IP, biết chính xác thông tin thiết bị truy cập vào dữ liệu số, biết thiết bị thuộc vị trí địa lý nào, giúp doanh nghiệp đưa ra chính sách kinh doanh phù hợp. Hỗ trợ tốt theo dõi truy cập theo thời gian thực (realtime), từ đó đưa ra các sản phẩm, dịch vụ có thể tối ưu được, để khách hàng có thể trải nghiệm tốt hơn, đặc biệt là khi trải nghiệm video qua thiết bị di động.
“Hệ sinh thái video OTT là một hệ sinh thái số rất phức tạp, IPv6 rất thuận tiện cho triển khai nội dung số. Ngay cả Facebook cũng yêu cầu các đối tác phải chuyển sang IPv6.”, ông Nguyễn Văn Mùi cho biết.