Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp QH vào chiều nay, báo chí đề cập đến đề nghị thu "phí chia tay" từ 3-5 USD khi xuất cảnh mà ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) nêu tại thảo luận luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
"QH tiếp thu đề xuất này như thế nào. Quan điểm cá nhân Tổng thư ký?", báo Pháp luật TP.HCM hỏi.
Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: Minh Đạt |
Trả lời, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam hiện mới ở vòng cho ý kiến. Đó là để xuất của đại biểu, còn chính thức sau này cơ quan soạn thảo sẽ có trao đổi, tiếp thu hay không tiếp thu thì ở vòng 2 (kỳ họp thứ 8 vào tháng 10) sẽ rõ.
“Cá nhân tôi thì tôi không đồng tình, không nên áp đặt phí gì cho người dân ở chỗ này. Nếu biểu quyết thì tôi không đồng tình. Việc đề xuất là của ĐB, tiếp thu hay không là việc của Chính phủ”, Tổng thư ký QH nói.
Trước đó, tại phiên thảo luận về dự thảo luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề xuất công dân khi ra nước ngoài thì đóng "phí chia tay" khoảng 3-5 USD để sử dụng vào một số công việc.
Ông mong muốn QH và cơ quan soạn thảo xem xét việc này. Hiện có một số nước áp dụng chính sách visa và phí xuất nhập cảnh để điều chỉnh việc xuất nhập cảnh của công dân, có nước không khuyến khích công dân xuất cảnh thì họ áp dụng thuế, phí này.
Ông dẫn ví dụ, năm ngoái QH Nhật Bản đã ban hành đạo luật thuế xuất cảnh có hiệu lực từ 7/1/2019. Theo đó, mỗi công dân Nhật Bản ra nước ngoài thì phải đóng 1 loại phí (gọi là phí chia tay), mỗi phí này là 1.000 yên/người (khoảng 9,3 USD).
ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) |
“Phí này để sử dụng, thực hiện một số dự án nhằm phát triển ngành công nghiệp không khói của Nhật Bản, cũng như chính phủ Nhật Bản dự kiến hàng năm sẽ thu khoảng 400 triệu USD để hoàn thiện việc xuất nhập cảnh của công dân được tốt hơn...”, ông Hưng thông tin.
Theo ông, nên chăng chúng ta cũng giống một số nước, khi công dân ra nước ngoài thì có trách nhiệm đóng góp 1 khoản tiền, gọi là phí chia tay, khoảng 3-5 USD/người khi xuất cảnh.
Số tiền này sẽ được trích một phần cho các cơ quan ngoại giao dùng để có kinh phí bảo hộ công dân Việt Nam, hỗ trợ khi công dân ra nước ngoài gặp khó khăn.
Một phần để cho xuất nhập cảnh Việt Nam đầu tư, nâng cấp máy móc kỹ thuật cũng như các việc khác để đảm bảo cho việc công dân xuất cảnh được tốt hơn, chu đáo hơn, thân thiện hơn, các chiến sĩ khi công dân xuất cảnh thì tươi cười vui vẻ, ân cần hơn đối với công dân.
Ngoài ra, dành một phần cho quỹ xúc tiến phát triển du lịch để đẩy mạnh du lịch nước nhà.
Trao đổi với báo chí sau đó, ĐB Hưng cho rằng, đây là một khoản “không nhiều, rất không nhiều”.
“Một bữa ăn sáng thôi, chúng ta gọi là chung tay, chung sức xây dựng, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam được tốt hơn và để giữ gìn môi trường du lịch, văn hóa Việt Nam", ông Hưng giải thích.
'Đóng phí chia tay 3-5 USD khi xuất cảnh chỉ bằng bữa ăn sáng'
ĐB Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, khoản "phí chia tay" từ 3-5 USD khi xuất cảnh được ông đề xuất là không nhiều, chỉ bằng một bữa ăn sáng.
Thu Hằng - Hồng Nhì