Uy tín của các công ty công nghệ được đánh giá một cách khách quan và độc lập, căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, đánh giá uy tín doanh nghiệp trên truyền thông bằng phương pháp Media Coding, khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan được thực hiện trong tháng 5-6/2023. 

Danh sách 1: Top 10 Công ty Công nghệ thông tin - Viễn thông uy tín năm 2023

 Nguồn: Vietnam Report, tháng 6/2023

Danh sách 2: Top 10 Công ty Công nghệ cung cấp Dịch vụ, giải pháp phần mềm & Tích hợp hệ thống uy tín năm 2023

 Nguồn: Vietnam Report, tháng 6/2023

Thị trường CNTT-VT: Triển vọng, cơ hội, thách thức và những ưu tiên trong chiến lược

Trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới nổi và chuyển biến trên các khía cạnh kinh tế vĩ mô toàn cầu, ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) đã có những bước tiến mạnh mẽ, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2022. 

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2022, doanh thu lĩnh vực Công nghiệp CNTT ước đạt 148 tỷ USD - tăng trưởng 8,7%, số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký khoảng 70.000 - tăng 9,5% so với năm 2021. Kể từ khi thông điệp “Make in Vietnam” được đưa ra, CNTT-VT đã trở thành ngành kinh tế động lực của cả nước, giữ vai trò dẫn dắt, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%). 

Năm 2022, Việt Nam có tên trong danh sách số ít quốc gia sản xuất được chip trên thế giới, đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam cũng dần chuyển hướng từ gia công sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển bằng việc thiết lập các trung tâm R&D ở nước ta. Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao. 

Tuy nhiên, giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 chứng kiến các doanh nghiệp trong ngành chịu ảnh hưởng từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát. Quý I/2023, doanh thu Công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ. Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. 

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại gây ảnh hưởng rõ đến nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành CNTT-VT. Sự giảm tốc này được dự báo sẽ ít nhiều còn ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách đầu tư và chi tiêu cho CNTT-VT trong năm tới và sẽ có sự phân hóa trong diễn biến của các phân khúc dịch vụ. Cụ thể, chi tiêu cho các thiết bị phần cứng (PC/ máy tính xách tay/ máy tính bảng) và hạ tầng thông tin doanh nghiệp (máy chủ, DC) sẽ dễ bị ảnh hưởng, do lạm phát đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng và việc trì hoãn các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tại chỗ đối với doanh nghiệp trong bối cảnh bảo vệ dòng tiền và tăng cường chuyển đổi sang ứng dụng Cloud. 

 Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6 các năm 2020-2023

Kết quả khảo sát do Vietnam Report tiến hành vào tháng 3/2023 chỉ ra CNTT-VT dẫn đầu top 7 ngành được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt trong ít nhất 2-3 năm tới với tỷ lệ 63,6% số doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên với kết quả từ quý đầu năm và diễn biến của những cơn gió ngược trên thị trường thế giới, triển vọng tăng trưởng đã thấp đi đáng kể: 71,4% doanh nghiệp tham gia khảo sát nhận định sẽ duy trì đà tăng trưởng và 28,6% cho biết sẽ có sự suy giảm đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm. 

Khảo sát cũng chỉ ra top 4 khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt là: Tuyển dụng và giữ chân nhân tài (64,3%); Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới (57,1%); Cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp trong ngành (46,2%); Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư (42,9%).

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2023

Để duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ cần giữ vững mục tiêu phát triển, đưa ra những chiến lược hành động cân bằng, toàn diện xoay quanh các vấn đề công nghệ, quy trình và con người như: Nâng cao năng lực cạnh tranh so với những đối thủ công nghệ khác (85,7%); Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (71,4%); Tăng cường hoạt động R&D (64,3%); Nâng cao uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp trên truyền thông (53,8%); Nâng cao hệ thống quản trị, đặc biệt là hệ thống quản trị rủi ro (51,7%); Cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (50,0%).

Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6 các năm 2021-2023

Củng cố, hoàn thiện và phát triển an ninh mạng tạo nền tảng vững chắc cho chuyển đổi số

An ninh mạng là một khía cạnh quan trọng trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu. Theo thống kê từ Kaspersky Security Network, số vụ tấn công trực tuyến tại Việt Nam được phát hiện và ngăn chặn trong năm 2022 là 41.989.163 vụ, giảm 33,8% so với năm 2021, đưa Việt Nam đứng thứ 49 trên toàn thế giới (giảm 17 bậc so với năm 2020); số vụ tấn công ngoại tuyến cũng giảm 25,4% so với năm trước với tổng số 121,5 triệu mối đe dọa, theo đó Việt Nam duy trì vị trí thứ 31. 

Các chuyên gia cho rằng kết quả tích cực trên có được là do các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng đã đi vào thực tế và phát huy hiệu quả khi hầu hết các hệ thống thông tin quan trọng được đưa vào giám sát và đánh giá bảo mật định kỳ. 

 Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp và chuyên gia công nghệ tại Việt Nam, tháng 6/2023

53,9% số doanh nghiệp công nghệ tham gia khảo sát cũng cho biết đã triển khai toàn diện hoạt động an ninh mạng, trong đó 46,2% sẽ tăng cường phát triển thêm. Các doanh nghiệp tỏ ra tự tin khi đánh giá mức độ đảm bảo an toàn an ninh mạng tại tổ chức của mình tương đối mạnh, trung bình từ 4,3-4,7 trên thang điểm 5. Để bảo vệ hệ thống thông tin trước các cuộc tấn công, các doanh nghiệp cho biết sẽ tăng nguồn lực nhiều nhất các lĩnh vực liên quan tới Tập trung vào quản trị, rủi ro và tuân thủ (84,6%), Nâng cao kỹ năng và tuyển dụng nhân tài an ninh mạng (69,2%), Thêm giải pháp công nghệ an ninh mạng (61,5%), Tập trung vào chiến lược và phối hợp với các nhóm kỹ thuật/ công nghệ vận hành (OT) (46,2%).

Mặc dù còn nhiều thách thức mà các doanh nghiệp cần phải đối mặt, nhưng bằng cách thực hiện các sáng kiến quan trọng như đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các chương trình phát triển nhân tài, nắm bắt các xu hướng chủ đạo như AI, IoT, công nghệ 5G, điện toán đám mây… sẽ có nhiều cơ hội khác được mở ra. Song song với đó, doanh nghiệp cần có chiến lược xây dựng và quản trị thương hiệu hiệu quả kết hợp với bản sắc văn hóa doanh nghiệp để tạo ra sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh, giành được lòng trung thành của khách hàng và nhân viên, từ đó tạo ra thành công bền vững. 

Vietnam Report