Theo kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan virus trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025, do Phó chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức ký, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và C cao, gánh nặng bệnh tật liên quan cũng cao. 

Năm 2017, ước tính có khoảng 7,8 triệu người Việt Nam nhiễm virus viêm gan B mạn tính và gần 1 triệu người nhiễm virus viêm gan C mạn tính. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến 80.000 trường hợp xơ gan và ung thư biểu mô tế bào gan, khoảng 50.000 trường hợp tử vong hàng năm với xu hướng gia tăng.

Thực tế, TP.HCM chưa có nguồn dữ liệu hay nghiên cứu khoa học với mẫu đại diện đủ lớn để đánh giá bức tranh và phòng chống viêm gan virus thời gian qua. Tuy nhiên, trong năm 2018 và 2019, giám sát dịch tễ học huyết thanh virus viêm gan B và C trong nhóm người trưởng thành đã được thực hiện tại 32 tỉnh thành, với cỡ mẫu hơn 25.000 người. Trong đó, TP.HCM có 810 người. 

Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Ảnh: HCDC.

Kết quả giảm sát này cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mạn tính của thành phố là 9,3% và tỷ lệ từng nhiễm virus viêm gan B là 54,5%. Đối với virus viêm gan C, tỷ lệ nhiễm mạn tính là 0,3% và đã từng nhiễm là 1,5%.

Còn theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), trung bình mỗi ngày có khoảng 800 bệnh nhân khám các bệnh về gan, trong đó viêm gan virus B chiếm khoảng 60%, viêm gan virus C chiếm khoảng 14%. 

Trước thực trạng này, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký quyết định ban hành kế hoạch phòng chống bệnh viêm gan virus trên địa bàn thành phố, đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở trẻ dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 0,5%; giảm lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con (sàng lọc đạt trên 70%); giảm thiểu lây truyền virus viêm gan B, C 100% tại cơ sở y tế và giảm thiểu lây truyền trong nhóm sử dụng ma túy.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ loại trừ lây truyền viêm gan B, C qua đường máu; giảm lây truyền virus viêm gan A, E qua đường tiêu hóa; giảm xơ gan, ung thư gan và tử vong do viêm gan virus B, C.

Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa bằng vắc xin. Năm 2020, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu của TP.HCM đạt 84,41%, tỷ lệ tiêm cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 95%.

Viện Pasteur TP.HCM hết nhiều loại vắc xin từ tháng 6/2022. Ảnh: GL.

Tuy nhiên thực tế, TP.HCM đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nhiều vắc xin phòng bệnh trong thời gian qua. Số liệu sáng 26/12 của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy trung tâm này đã hết nhiều vắc xin phòng bệnh viêm gan B, hiện chỉ còn Gene HBvax, Twinrix (phòng A+B), Engerix B ở một số cơ sở. 

TP.HCM cũng đã nhiều lần có văn bản báo cáo Bộ Y tế về tình hình thiếu nhiều loại vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia và đề nghị cơ quan này cung ứng nhưng chưa có tiến triển. Sở Y tế TP.HCM đã cảnh báo về nguy cơ bùng phát dịch trong năm 2023, đặc biệt là dịch sởi do chu kỳ 3-4 năm. Trong khi đó, vắc xin sởi đơn (cho trẻ 9 tháng tuổi) ở thành phố đã hết từ lâu. 

Viện Pasteur TP.HCM (thuộc Bộ Y tế) cũng đã cạn nhiều loại vắc xin dịch vụ và tiêm chủng mở rộng từ giữa năm 2022. Nhiều người dân đến tiêm vắc xin phòng bệnh nhưng đều phải quay xe về.

Hiện, viện chỉ còn vắc xin bại liệt (tiêm) và vắc xin uốn ván. Những loại như phòng sởi, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), viêm não Nhật Bản (VNNB), lao (BCG), sởi - rubella (MR), bại liệt dạng uống (bOPV), SII (ho gà, uốn ván, bạch hầu, viêm gan B, IPV (bại liệt), VGB (viêm gan B)… đều đã hết.