Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, 420 người từ 60 tuổi trở lên có dấu hiệu trầm cảm và 295 người có dấu hiệu rối loạn lo âu trong đợt khám sức khỏe trong tháng 8. Trong đó, tỷ lệ trầm cảm chiếm hơn 3% và rối loạn lo âu chiếm 2,14% trong số những người cao tuổi được thăm khám.

Hiện nay, trầm cảm là một trong những biểu hiện về sức khỏe tâm thần phổ biến trên thế giới, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh cũng như các mối quan hệ gia đình và xã hội. Trầm cảm có thể khởi phát ở bất kỳ độ tuổi nào, không phân biệt giới tính, có thể chuyển thành mạn tính nếu không được phát hiện và điều trị sớm.

KHÁM BỆNH BHYT.jpeg
Năm trạm y tế tại TP.HCM thí điểm mô hình quản lý điều trị trầm cảm từ nhẹ đến vừa. 

Trong chương trình hỗ trợ ngành y tế TP.HCM, Văn phòng của WHO tại Việt Nam đã giới thiệu mô hình quản lý và điều trị trầm cảm dựa vào cộng đồng, tích hợp vào chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, WHO sẽ hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho tuyến y tế cơ sở để phát hiện, điều trị và quản lý một số rối loạn tâm thần phổ biến.

Năm trạm y tế tại TP.HCM thí điểm mô hình quản lý điều trị trầm cảm từ nhẹ đến vừa (không dùng thuốc) bao gồm: An Thới Đông (huyện Cần Giờ), Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Tân Hưng Thuận (quận 12), Phú Trung (quận Tân Phú) và phường 15 (quận Tân Bình).

Trước đó, UBND TP.HCM đã phê duyệt kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho người dân TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính có khoảng 3,8% dân số bị rối loạn trầm cảm, tương ứng với khoảng 280 triệu người. Tỷ lệ này tăng lên sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, hơn 75% trường hợp trầm cảm ở các nước thu nhập trung bình và thấp không được tiếp cận các dịch vụ điều trị. Bên cạnh đó, đa số các nước đang phát triển không có đủ bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hiểu biết của người dân về trầm cảm còn nhiều hạn chế. 

 Giao Linh, Đinh Tuấn, Bích Hạnh