Ngày 27/12, tại TP.HCM, Sở TT&TT TP.HCM đã tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm thành lập, tham dự buổi lễ có ông Nguyễn Bắc Son, Bộ trưởng Bộ TT&TT, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó bí thư Thành Ủy TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch TP.HCM.
Phát biểu tại buổi lễ kỉ niệm, thay mặt lãnh đạo Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã gửi lời chúc mừng đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Sở TT&TT TP.HCM, nhân dịp kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển.
Bộ trưởng cho biết, Bộ TT&TT ghi nhận và đánh giá cao vai trò và nỗ lực của Sở BC-VT và nay là Sở TT&TT đối với sự phát triển mạnh mẽ và năng động của lĩnh vực Thông tin và Truyền thông của TP.HCM trong 10 năm qua. Theo đó, Sở TT&TT TP.HCM luôn là đơn vị tiên phong, sáng tạo, dám đề xuất nhiều giải pháp, chương trình, công trình mang tính đột phá và tổ chức thực hiện thành công.
Bộ trưởng cũng tuyên dương các kết quả nổi bật mà Sở TT&TT TP.HCM đã đạt được ở các lĩnh vực như: Báo chí, xuất bản, với việc Sở đã thực hiện tốt các biện pháp quản lý báo chí, công tác giao ban báo chí được đổi mới…; tổ chức đều đặn Lễ hội đường sách vào dịp Tết Âm lịch; Tổ chức “Ngày hội đọc sách” được người dân thành phố và khách du lịch đánh giá cao…
Về công nghiệp CNTT của thành phố cũng có nhiều thành tích nổi bật như TP.HCM là nơi đầu tiên trong cả nước xây dựng và phát triển thành công Công viên phần mềm Quang Trung – như một công viên phần mềm trọng điểm quốc gia theo Nghị quyết của Đảng. Tổ chức triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013-2020…
Ngoài ra, TP.HCM cũng đã khẳng định vai trò dẫn đầu trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin. …
Bên cạnh việc đánh giá cao sự phát triển của Sở TT&TT TP.HCM trong 10 năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đề nghị Sở cần quan tâm đến một số nội dung, để đồng hành cùng với Bộ hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của năm 2015 được triển khai trong Hội nghị triển khai kế hoạch công tác năm 2015 được Bộ tổ chức ngày 25/12 vừa qua. Trong đó tầm quan trọng là việc đảm bảo an toàn thông tin trong thời gian tới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, yêu cầu đảm bảo ATTT ngày càng cao do mức độ ứng dụng Internet và CNTT trong đời sống xã hội ngày càng sâu rộng. Do vị trí và tầm quan trọng đặc biệt, do mức độ ứng dụng CNTT thuộc tốp đầu của cả nước, TP.HCM có nhiều hạ tầng thông tin quan trọng, nếu bị phá hoại sẽ gây hậu quả nghiêm trọng.
Do vậy TP.HCM cũng cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn cho công tác đảm bảo ATTT, từ nâng cao nhận thức, từ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, từ tổ chức diễn tập ứng cứu sự cố đến bố trí kinh phí phù hợp. Trong thời gian qua, TP.HCM là một trong những địa phương tiên phong trong việc thực hiện diễn tập công tác bảo đảm ATTT.
Bộ trưởng đề nghị trong thời gian tới tiếp tục định kỳ thực hiện công việc này. Đồng thời, xem xét mở rộng thêm về quy mô, đối tượng tham gia diễn tập. Trong năm tới, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc diễn tập ở quy mô quốc gia, có phối hợp quốc tế. Chính vì thế Bộ trưởng đề nghị Sở TT&TT TP.HCM tích cực phối hợp cùng các đơn vị chức năng của Bộ, Cục ATTT, VNCERT trong việc này.
Năm 2015, Bộ cũng sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn việc phân loại cấp độ an toàn hệ thống thông tin để có thể chuyển từ thế bị động phòng thủ sang thế chủ động phòng thủ, giúp cho việc lựa chọn chính xác những hệ thống nào cần đầu tư thích đáng cho an toàn thông tin. Bộ tin tưởng rằng TP.HCM sẽ là địa phương đầu tiên thực hiện được việc phân loại, xác định cấp độ của các hệ thống thông tin.
Bộ cũng sẽ triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển nguồn nhân lực ATTT nên đề nghị TP.HCM tham gia tích cực và sẵn sàng phối hợp với thành phố tổ chức các Khóa đào tạo ngắn hạn đối với chuyên gia.
Ngoài ra, ở các lĩnh vực khác như công tác quản lý báo chí, Bộ trưởng cũng đề nghị Sở cần quan tâm bám sát các mục tiêu, quan điểm và định hướng đã được thông qua trong chương trình Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến 2025, để tham mưu cho UBND tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch báo chí của thành phố.
Lĩnh vực quản lý thông tin điện tử, Bộ trưởng cũng yêu cầu Sở TT&TT cần nâng cao cảnh giác, bám sát cơ sở, tăng cường thanh tra kiểm tra để phát hiện và ngăn chặn kịp thời mọi hành vi chống phá trên các phương tiện thông tin truyền thông trên địa bàn.
Về công tác tham mưu cơ chế chính sách:Thực tiễn phát triển thông tin và truyền thông trên địa bàn rất phong phú. Các vấn đề thực tiễn đặt ra với quản lý nhà nước cũng hay xuất hiện sớm trên địa bàn thành phố. Vì vậy, Bộ TTTT đề nghị Sở TT&TT tiếp tục có nhiều đề xuất cụ thể và sâu sắc hơn nữa với Bộ về cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển đi đôi với quản lý tốt.
Cũng tại buổi lễ, thay mặt Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son đã trao tặng Bức Trướng kỉ niệm cho Sở TT&TT TP.HCM nhân dịp 10 năm thành lập.
Được thành lập vào năm 2004, Sở TT&TT TP.HCM lúc bấy giờ là Sở Bưu Chính, Viễn Thông TP.HCM đã gặp không ít khó khăn, nhưng những người lãnh đạo đã biết vượt qua khó khăn và đưa Sở TT&TT TP.HCM trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành Thông tin và Truyền thông như hiện nay.
Trong 10 năm hoạt động và phát triển của mình, Sở TT&TT TP.HCM là đơn vị đã có đóng góp quan trọng trong sự phát triển CNTT-TT nước nhà, như đưa ra hồi chuông kịp thời trong đề án 112. Cụ thể, khi phát hiện những dấu hiệu không lành mạnh từ đề án này, Sở đã nhanh chóng có ý kiến đề xuất hướng xử lý, ngăn chặn lãng phí và các tiêu cực từ đề án.
Sở TT&TT TP.HCM cũng là đơn vị tiên phong trong ứng dụng CNTT với việc triển khai nhiều ứng dụng hữu ích như hệ thống một cửa điện tử, đăng ký kinh doanh tại nhà, ISO điện tử và tổ chức giải thưởng CNTT – TT thường niên của thành phố.
Ngoài ra, Sở còn nắm bắt thời cơ, làm chủ công nghệ khi bật đèn xanh để phát triển phần mềm nguồn mở, mạnh dạn dấn thân khi phát triển công nghiệp vi mạch. Đồng thời Sở cũng có những chính sách quản lý hợp lý và nhiều đổi mới ở các lĩnh vực như trò chơi trực tuyến, báo chí xuất bản, Viễn Thông…chú trọng đến việc đảm bảo An toàn, an ninh thông tin…