“Tại Việt Nam, gần 2% dân số mắc Covid-19 nhưng chưa có ghi nhận một cách đầy đủ về tình hình hậu Covid-19 trên cộng đồng”, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM chia sẻ trong Hội nghị tổng kết ngành chiều 12/1.

Trong khi đó, TP.HCM hiện có hơn 300 ngàn người bệnh đã xuất viện (từ trung bình – nặng – nguy kịch), nhu cầu được chăm sóc về sức khỏe hậu Covid-19 là đáng quan tâm. “Đây là vấn đề cực nóng”, ông Dũng chia sẻ.

{keywords}
Bệnh nhân hậu Covid-19 tập vật lý trị liệu tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh.

Riêng tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM), thống kê trong 40 ngày, từ 1/12/2021 đến 10/1/2022, có 1.021 bệnh nhân hậu Covid-19 đến thăm khám ở tất cả chuyên khoa. Đa phần vì mệt mỏi, khó thở, suy nhược tinh thần.

Trong đó, trên 510 bệnh nhân (50%) vì gặp vấn đề vì hô hấp, 182 bệnh nhân gặp vấn đề thần kinh, 134 trường hợp tim mạch, 80 trường hợp về nội tiết, 66 trường hợp về tiêu hoá, 49 trường hợp cơ xương khớp.

Thực tế, hậu Covid-19 không chỉ xảy ra ở bệnh nhân nặng và lớn tuổi, mà còn ghi nhận ở người trẻ từ 30-40 tuổi, mắc Covid-19 nhẹ. Thậm chí có trường hợp F0 không nhập viện cũng gặp triệu chứng dai dẳng.

Ông Dũng chia sẻ, ngay cả đồng nghiệp của ông hậu nhiễm Covid-19 có những thay đổi rất rõ rệt. Sự mệt mỏi khiến công suất làm việc của họ giảm sút, ảnh hưởng đến cá nhân và nghề nghiệp. “Nếu không giúp người bệnh hòa nhập lại với công việc, có thể là một nguyên nhân giết chết người bệnh hậu Covid-19”, ông Dũng lo ngại. Bên cạnh đó, còn có sự kì thị với người đã mắc Covid-19.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM xây dựng chiến lược tiếp cận và can thiệp với bệnh nhân hậu Covid-19. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật, triệu chứng phổ biến người bệnh gặp phải. Đồng thời, phân tuyến điều trị, quản lý chăm sóc người bệnh hậu Covid-19 theo mô hình tháp 3 tầng.

Cụ thể, ở tầng thấp nhất là tuyền y tế cơ sở, có chức năng quản lý chăm sóc người bệnh hậu Covid-19 mức độ nhẹ, can thiệp các phương pháp không dùng thuốc. Ở tầng này, bệnh nhân đông nhất.

Ở tầng 2 - Bệnh viện tuyến quận huyện: thực hiện khám lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng; quản lý và chăm sóc điều trị bằng thuốc với bệnh nhân hậu Covid-19 mức độ trung bình.

Ở tầng 3 - Bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối: chăm sóc với nhóm người bệnh hậu Covid-19 mức độ nặng. Các bệnh viện này sẽ khám và điều trị chuyên khoa sâu như hô hấp, tim mạch, tâm thần kinh, phục hồi chức năng…

“Bệnh nhân từ trung bình đến nguy kịch phải có chế độ chăm sóc, theo dõi, tái khám để đảm bảo chăm sóc tốt người bệnh hậu Covid-19. Ví dụ với bệnh nhân gặp vấn đề về phổi, nếu can thiệp sớm bệnh nhân có thể phục hồi nhưng kéo dài đến khi phổi xơ hóa, giãn phế quản - đó là di chứng vĩnh viễn không đáp ứng điều trij”, phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ.

Ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch TP.HCM cho biết, TP sẽ tiếp tục chăm lo cho người bệnh Covid-19 trong giai đoạn hậu nhiễm. “Đây là vấn đề cần quan tâm trong thời gian dài”.

Trên thế giới, một phân tích trên 48.000 bệnh nhân đã ghi nhận 55 nhóm tác động lâu dài, có trường hợp mang đến 5 triệu chứng hậu Covid-19. Phổ biến có biểu hiện về thần kinh, phổi, đau ngực, phát ban da, tâm thần trầm cảm, tim mạch…. Đồng thời, có đến 80% người bệnh phải theo dõi tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Linh Giao

Từ trẻ 6 tuổi đến người 70 tuổi đều khổ sở vì hậu Covid-19

Từ trẻ 6 tuổi đến người 70 tuổi đều khổ sở vì hậu Covid-19

Sau nhiễm Covid-19, người bệnh có thể mất ngủ, xơ phổi, teo cơ, phải tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng. Khoảng 20% người bệnh hậu Covid-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP.HCM) gặp vấn đề tâm lý.