Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục quản lý Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế cho biết tại Hội nghị Tổng kết 10 năm phát triển y học cổ truyền tại TP.HCM diễn ra chiều 26/1.
Báo cáo tại hội nghị, dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng Phòng quản lý dược, Sở Y tế TP.HCM cho biết, 10 năm qua, TP.HCM có 2 bệnh viện y học cổ truyền. Tất cả các bệnh viện tuyến quận, huyện có khoa y học cổ truyền, 90% trạm y tế phường, xã có bộ phận y học cổ truyền.
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Riêng hệ thống y học cổ truyền tư nhân có 1.548 cơ sở gồm phòng chẩn trị y học cổ truyền; cơ sở kinh doanh thuốc, dược liệu, vị thuốc; cơ sở sản xuất thuốc; cơ sở điều trị điều dưỡng y học cổ truyền và cơ sở hành nghề bài thuốc gia truyền.
Về nhân lực, 10 năm qua, Ngành Y tế thành phố cũng đào tạo được 520 lương y, 153 lương dược, 544 kỹ thuật viện châm cứu và 489 kỹ thuật viên dược. Hiện tỷ lệ bệnh nhân khám, chữa bệnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại ở cơ sở y tế tuyến tỉnh là 8%, quận, huyện 9,5% và phường, xã là 16%.
Theo dược sĩ Dũng, hình thức kết hợp trên đã đạt được hiệu quả trong chẩn đoán, điều trị nhiều bệnh như di chứng tai biến mạch máu não, béo phì, cai nghiện ma túy, ung thư...
Tuy nhiên, ngành y học cổ truyền cũng còn nhiều bất cập như cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu điều trị, người hành nghề chưa nắm vững kiến thức cơ bản về lý luận, đãi ngộ bác sỹ chưa tốt. Tỷ lệ sử dụng thuốc còn thấp, lệ thuộc vào nguồn dược liệu nhập khẩu. Ngoài ra, các bài thuốc đang bị thất truyền khá nhiều, cần có giải pháp khôi phục.
Dược sĩ Dũng cũng kiến nghị Bộ Y tế trình Chính phủ, ban hành đầy đủ tiêu chuẩn dược liệu và vị thuốc cổ truyền, có cơ chế kiểm soát được giá dược liệu, khuyến khích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học cổ truyền, quy định về việc công nhận bài thuốc…
Bên cạnh đó, ông Dũng kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả đối với các thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền sản xuất tại cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng trên địa bàn.
Khu sản xuất và bào chế thuốc được đặt trong khuôn viên Viện Y dược học dân tộc TP.HCM
Cũng tại hội nghị, TS.BS. Trương Thị Ngọc Lan, Phó viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TPHCM, kiến nghị Bộ Y tế cần đưa y, dược cổ truyền vào chương trình đào tạo y khoa với tổng thời gian học tối thiểu trên 6 tháng. Bên cạnh đó, cần có mã ngành đào tạo dược sĩ đại học chuyên ngành dược cổ truyền, mã ngành đào tạo kỹ thuật viên bào chế Đông dược và quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ sở y tế có vị trí việc làm đặc thù ngành y học cổ truyền.
Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y dược học cổ truyền, Bộ Y tế cho rằng, TP.HCM cần tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra đối với các cơ sở y dược học cổ truyền.
“Tại thành phố có đến 1.548 cơ sở y dược học cổ truyền tư nhân nhưng mỗi năm chỉ kiểm tra 20-30 cơ sở thì quá ít. Tôi đề nghị Sở Y tế TP.HCM tăng cường hoạt động thanh kiểm tra để kiểm soát chặt hơn nữa công tác quản lý y dược học cổ truyền. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu ngành y tế quan tâm phát triển y học cổ truyền. Đặc biệt là phát triển nguồn dược liệu trong nước và quản lý chất lượng dược liệu, đừng để người dân phải uống bã dược liệu”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng cho biết, Bộ Y tế đang xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc thuốc và dược liệu y học cổ truyền để người dân biết rõ nguồn gốc của từng loại dược liệu được trồng ở đâu, thu hoạch thế nào, bào chế ra sao… Từ đó có cơ sở thúc đẩy ngành y dược học cổ truyền Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.
Ông Thịnh cũng yêu cầu, Ngành Y tế thành phố cần đẩy mạnh phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại để vừa phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, vừa phục vụ mục đích du lịch y tế.
Liên Anh
Xây dựng Bệnh viện Quân y 175 thành công viên bệnh viện
"Đổi mới toàn diện dịch vụ, cung cách phục vụ người bệnh. Xây dựng bệnh viện trở thành công viên bệnh viện, bệnh viện khách sạn", lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175 chia sẻ.