Từ năm 2004 đến nay, TP.HCM còn 14.366 căn hộ, nền tái định cư (TĐC) nhưng chưa được đưa vào sử dụng gây lãng phí lớn.
Đầu tư cao hơn thực tế, tồn đọng hàng chục nghìn căn nền
Kiểm toán Nhà nước vừa công bố báo cáo về hoạt động Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2013 – 2016 của TP.HCM và một loạt dự án xây dựng trên địa bàn.
Khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) sau hơn 7 năm hoàn thành, dự án mới chỉ bố trí được 479/1.939 căn hộ, chưa đạt một phần phần tư mục tiêu (Ảnh Zing.vn). |
Theo báo cáo, trong khoảng thời gian 2004 – 2007, TP.HCM có chủ trương đầu tư xây dựng 30.000 căn hộ phục vụ công tác TĐC trên địa bàn và 12.500 căn hộ phục vụ công TĐC cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Về việc xác định nhu cầu quỹ nhà, đất TĐC cho dự án tại TP.HCM, Kiểm toán Nhà nước cho rằng: “Còn hạn chế, bất cập dẫ đến việc đầu tư xây dựng và mua quỹ nhà, đất TĐC còn cao hơn so với thực tế bố trí và tồn đọng quỹ nhà tương đối nhiều”.
Kiểm toán Nhà nước dẫn số liệu thống kê của Sở Xây dựng TP, tổng số quỹ nhà đất đã hoàn thành phục vụ tái định cư từ năm 2004 đến cuối tháng 3.2017 là 39.991 căn - nền (gồm 25.506 căn nhà và 14.485 đất nền). Trong đó, đã bố trí tái định cư 25.625 căn - nền (gồm 15.003 căn nhà và 10.622 đất nền). Số chưa bố trí là 14.366 căn - nền (gồm 10.503 căn nhà và 3.863 đất nền).
Theo tính toán, số lượng quỹ nhà đất còn tồn tương đương 56,06% số lượng đã bố trí tái định cư từ năm 2004. Sở Xây dựng TP cũng kiến nghị TP chấp thuận chuyển đổi 5.000 căn hộ có mục tiêu tái định cư thành nhà ở xã hội để cho thuê.
Việc xác định nhu cầu tái định cư của dự án KĐTM Thủ Thiêm, Kiểm toán Nhà nước cũng nhận định: “Còn bất cập, chưa đầy đủ thông tin và khả năng dự báo dẫn đến lập phương án đầu tư xây dựng 12.500 căn hộ TĐC là chưa phù hợp với nhu cầu thực tế”. Dẫn số liệu liên quan đến dự án này, đến cuối năm 2016, thành phố mới chỉ thực hiện mua lại 6.714 căn hộ đã hoàn thành đưa vào bố trí TĐC cho dự án (chỉ bằng khoảng 54% chủ trương). Tuy nhiên, tính đến tháng 8/2017, số lượng căn hộ bố trí tái định cư được chỉ là 1.759 căn.
Hiện thành phố đã xin ý kiến xử lý 3.790 căn hộ hoàn thành nhưng không có nhu cầu sử dụng từ tái định cư sang nhà ở thương mại, và đã được Chính phủ chấp thuận.
Nghịch cảnh thừa mà vẫn thiếu
Theo cơ quan kiểm toán, mặc dù quỹ nhà, đất để bố trí TĐC cao, đủ khả năng bố trí TĐC nhưng tại một số quận - huyện vẫn còn thiếu cục bộ gây khó khăn khi bố trí TĐC.
Cụ thể, nơi có dự án thì các khu vực lân cận không đảm bảo số lượng quỹ nhà, đất để bố trí tái định cư; vị trí bố trí tái định cư xa với nơi ở bị ảnh hưởng của dự án nên gây khó khăn trong việc lựa chọn vị trí phù hợp để đảm bảo việc ổn định đời sống của người dân. Như tại huyện Bình Chánh quỹ nhà đất TĐC chủ yếu là đất nền, chỉ có 1 dự án khu tái định cư Vĩnh Lộc B là căn hộ tái định cư nhưng vị trí ở cách xa khu vực dự án đến 20 km, dẫn đến nhiều hộ không đồng ý tái định cư ở đây.
Việc tính toán thiếu chính xác cũng dẫn đến tình trạng quỹ nhà, đất tái định cư chưa đa dạng dẫn đến có trường hợp hộ dân có diện tích đất bị thu hồi thấp, số tiền bồi thường ít nhưng lại được bố trí nền đất tái định cư lớn, dẫn đến tình trạng không đủ khả năng tài chính để thanh toán tiền mua nhà đất TĐC.
Một số dự án đầu tư xây dựng, mua căn hộ hoàn chỉnh có thời gian đầu tư xây dựng kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách.
Một ví dụ về lãng phí ngân sách như khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh), khu tái định cư này được quyết định đầu tư từ năm 2004, quy mô hơn 500 đất nền và trên 2.200 căn hộ, với tổng mức đầu tư gần 543 tỉ đồng. Đến cuối năm 2007, TP điều chỉnh xuống còn gần 2.000 căn hộ nhưng tổng mức đầu tư được nâng lên gần 848 tỉ đồng. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 5/2008, hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2010, với tổng mức đầu tư đề nghị điều chỉnh là hơn 1.062 tỉ đồng. Theo đó, việc chậm tiến độ đầu tư đã phát sinh tăng ít nhất 519 tỉ đồng, gần gấp đôi tổng mức đầu tư ban đầu.
Thế nhưng, tính đến cuối năm 2017, sau hơn 7 năm hoàn thành, dự án mới chỉ bố trí được 479 trong tổng số 1.939 căn hộ, chưa đạt một phần phần tư mục tiêu. Ngoài việc xây dựng quá nhiều căn hộ thì nguyên nhân bố trí tái định cư không đạt là vì người dân không chấp nhận phương án chính quyền đưa ra như quá xa, hạ tầng kết nối kém, khu vực tái định cư khó kiếm việc làm, phát sinh khiếu kiện kéo dài...
Cùng với đó, việc không có người ở thời gian dài làm công trình xuống cấp. Các hạng mục siêu thị, bệnh viện, trường học đã hoàn thành cũng không hoạt động được, gây lãng phí ngân sách. Công trình ngày một hoang hóa trong khi ngân sách vẫn phải chi cho việc quản lý, vận hành.
Tại huyện Nhà Bè, dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư T30 nhằm phục vụ di dời, giải tỏa các hộ của dự án Đầu tư xây dựng trại giam T30 tại xã Phước Lộc được TP phê duyệt lần đầu từ tháng 10.2003, điều chỉnh lần 2 vào tháng 6.2007, nhưng đến tháng 1.2017 mới nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng. Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đã làm tăng tổng mức đầu tư lên 285% so với ban đầu, ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao quỹ nhà, đất phục vụ tái định cư.
3 dự án khác cũng có số lượng bàn giao rất thấp hoặc chưa đưa vào sử dụng dù đã hoàn thành vài năm nay.
Hồng Khanh
Bù lỗ 43 tỷ /năm vận hành nhà tái định cư, Hà Nội muốn đặt hàng doanh nghiệp
Việc dùng vốn ngân sách để đầu tư nhà tái định cư còn nhiều bất cập UBND TP Hà Nội đề xuất cơ chế đặt hàng xây dựng nhà tái định cư
Đấu giá khu tái định cư đắt đỏ bậc nhất TP.HCM
UBND TP.HCM đã chấp thuận phương án bán đấu giá quyền sử dụng đất và công trình xây dựng trên đất đối với 3.790 căn ở Khu tái định cư Bình Khánh, phường Bình Khánh, quận 2
Hà Nội: Sẽ xây dựng 2.100 căn nhà tái định cư
UBND thành phố Hà Nội dự kiến hết năm 2017, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành 213.000m2 sàn (2.134 căn nhà tái định cư) và 45.500 m2 sàn (568 căn nhà ở xã hội).