Trao đổi với báo chí chiều 6/3, Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết ngành y tế rất vui khi tiếp nhận Nghị định 07, Nghị quyết 30 của Chính phủ vừa ban hành cách đây vài ngày. Các văn bản này đã giải quyết được nhiều vướng mắc mà hầu hết các giám đốc bệnh viện lo lắng thời gian qua.

Ông Thượng cho hay đây là một cơ sở pháp lý và ngành y tế thành phố hạ quyết tâm không để xảy ra tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Ông Tăng Chí Thượng trao đổi với báo chí trong chiều ngày 6/3. Ảnh: GL.

Tuy vậy, vị lãnh đạo này lo ngại mỗi cơ sở y tế sẽ hiểu quy định mới theo một cách và vận dụng khác nhau. Do đó, Sở Y tế TP.HCM đã tổ chức trao đổi, thống nhất giữa các bệnh viện trên địa bàn về việc triển khai thực hiện 2 văn bản trên.

Đồng thời, Sở Y tế TP.HCM cho hay đơn vị này sẽ họp trực tuyến hàng tuần để các bệnh viện báo cáo tình hình mua sắm trang thiết bị y tế theo tinh thần Nghị định 07 và Nghị quyết 30. Sau một tháng, ngành y tế thành phố sẽ đánh giá lại và tiếp tục kiến nghị nếu có vướng mắc phát sinh. 

Giải quyết 4/7 kiến nghị của y tế TP.HCM

Trong buổi làm việc, bà Hoài Thanh, Trưởng phòng kế hoạch tài chính, Sở Y tế TP.HCM cho biết ngày 24/2, cơ quan này đã có văn bản báo cáo các khó khăn, vướng mắc và 7 kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Y tế. Với 2 văn bản Chính phủ vừa ban hành, các kiến nghị này đã được giải quyết phần nào. Cụ thể: 

1. Sở Y tế kiến nghị tiếp tục cho phép thanh toán chi phí các dịch vụ kỹ thuật theo hình thức máy đặt cho đến khi cơ quan có thẩm quyền quy định, hướng dẫn hình thức tổ chức phù hợp và cơ sở y tế đảm bảo được đầy đủ trang thiết bị nhằm đảm bảo liên tục hoạt động khám chữa bệnh phục vụ người bệnh.

2. Xem xét, chấp thuận hình thức máy đặt theo kết quả trúng thầu hóa chất, vật tư y tế được thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu để đảm bảo trang thiết bị cho cơ sở y tế. 

Bà Thanh cho hay hai kiến nghị này được giải quyết tại mục 1, 2 của Nghị quyết 30.

3. Kiến nghị bổ sung quy định về căn cứ xác định giá gói thầu với các gói thầu mua sắm trang thiết bị, dịch vụ phi tư vấn (sửa chữa bảo trì bảo hành) với trang thiết bị đặc thù, riêng biệt. Mục 3 của Nghị quyết 30 cũng cơ bản giải quyết vấn đề này. 

4. Kiến nghị Bộ Y tế sớm cấp giấy phép nhập khẩu, giấy chứng nhận đăng ký lưu hành của trang thiết bị. Khoản 18, điều 1, Nghị định 07, đã gia hạn giấy phép nhập khẩu cũng như giấy chứng nhận lưu hành trang thiết bị, có hiệu lực đến 31/12/2024.

Các kiến nghị còn lại không nằm trong nội dung, tinh thần của Nghị định 07 và Nghị quyết 30 Chính phủ vừa ban hành. 

Người bệnh bị ảnh hưởng nặng nề khi tình trạng thiếu máy móc, thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện. Ảnh: Chí Hùng.

Cần có cơ quan bảo vệ người làm công tác mua sắm, đấu thầu

Tại buổi làm việc, các lãnh đạo bệnh viện trên địa bàn cho rằng Nghị định 07 và Nghị quyết 30 mang lại niềm vui cho người bệnh và bệnh viện. Đặc biệt là gỡ khó cho yêu cầu về 3 báo giá và gia hạn giấy phép nhập khẩu, giấy phép lưu hành.

Tuy nhiên, việc sửa chữa máy móc vẫn phải theo Thông tư 68, Nghị định 14, 15 và theo Luật đấu thầu và cần sự phối hợp nhiều bên. 

Nhiều giám đốc bày tỏ lo lắng về tình huống liệu công ty báo giá có sát với giá nhập từ nước ngoài hay không. Bởi việc giám sát, việc thanh kiểm tra sau đó hầu như đều tập trung vào giá này. Do đó, cần có cơ quan chủ trì, giám sát, nhằm bảo vệ những người làm công tác mua sắm đấu thầu. 

Bà Đinh Thị Liễu, chuyên gia của Sở Y tế TP.HCM, nhận định hai văn bản liên tiếp đã tháo gỡ khó khăn trong mua sắm vật tư trang thiết bị tại các cơ sở y tế công lập. Chính phủ đã trao và tăng quyền cho các đơn vị. 

Mặc dù vậy, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 chỉ hướng dẫn về trang thiết bị, còn các gói phi tư vấn (sửa chữa, bảo trì, bảo hành…) chưa được nhắc đến. Các đơn vị vẫn còn lúng túng với việc sửa chữa các gói máy móc trang thiết bị lớn. 

Vị chuyên gia này cũng cho rằng với hóa chất máy đặt, các bệnh viện cần chủ động thực hiện gói thầu mua sắm, tránh trường hợp phải gửi mẫu xét nghiệm ra ngoài hoặc không thực hiện được.