- Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc sở Cảnh sát PCCC TP.HCM xác nhận thông tin, đến năm 2025, Sở này sẽ có 6 trực thăng để phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trên địa bàn TP.
Theo ông Dương, UBND TP.HCM vừa có quyết định phê duyệt dự án “Quy hoạch PCCC trên địa bàn đến năm 2025” do Sở Cảnh sát PCCC và một số Sở - ngành liên quan đệ trình.
Điểm đặc biệt trong bản qui hoạch
là dự trù từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ có 4 chiếc trực thăng để phục vụ
công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (chữa cháy, bão, sóng thần, TNGT đường cao
tốc…), 5 năm tiếp theo (năm 2025) ngành PCCC sẽ được trang bị thêm 2 máy bay
nữa.
Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc sở Cảnh sts
PCCC TP.HCM
(ảnh VOH)
Nói về tính cấp thiết trong việc mua trực thăng chữa cháy và cứu nạn, thiếu tướng Trần Triều Dương cho rằng: trên thế giới, các nước tiên tiến đều dùng trực thăng để chữa cháy, cứu hộ cứu nạn.
Tại TP.HCM có nhiều nhà cao tầng xây bãi đáp trực thăng nên khi xảy ra cháy, công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn bằng trực thăng sẽ rất hữu hiệu.
Đặc biệt, trong các khu hẻm sâu hoặc cháy rừng, trực thăng sẽ phát huy tác dụng rất lớn.
“Khi tổng thể qui hoạch PCCC từ nay đến năm 2025 được phê duyệt, chúng tôi sẽ tiến hành xây dựng đề án chi tiết có phân kỳ thời gian hoàn thành. Đồng thời cùng với các đơn vị hữu quan như Sở KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, Khoa học - công nghệ, GTVT…xây dựng cơ chế phối hợp” – ông Dương tiết lộ.
Được biết, đây là lần đầu tiên công tác chữa cháy bằng trực thăng được thực hiện tại Việt Nam.
Do đó, đã có nhiều ý kiến quan tâm đến việc sử dụng thiết bị, về cơ sở vật chất như bến bãi, bảo dưỡng đến con người sử dụng thiết bị này ra sao?
Thiếu tướng Trần Triều Dương cho biết, việc chọn mua các máy bay chuyên dùng cho chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, được đặt hàng nhà sản xuất cho phù hợp điều kiện địa hình, khí hậu và tính chất cháy nổ ở TP.HCM.
Ngoài ra, trong dự án này còn có tiểu dự án đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo các cán bộ chiến sĩ làm chủ các phương tiện, khoa học công nghệ để khai thác và sử dụng hiệu quả nhất thiết bị hiện đại này.
Chữa cháy bằng trực thăng (ảnh Internet)
Thiếu tướng Dương cho biết thêm: "Trước đó, chúng tôi đã khảo sát nhiều nước trên thế giới, họ trang bị như chúng ta và đã sử dụng có hiệu quả.
Ta mong muốn ít có sư cố xảy ra nhưng cũng phải lường trước các tình huống, từ đó sử dụng hợp lý các loại phương tiện để không phải “bó tay” khi tình huống xảy ra.
Nói vui là sử dụng máy bay vào cứu hộ, cứu nạn như “nuôi quân 3 năm sử dụng một giờ vậy”.
Ngoài ra, ông Dương cho biết thêm, trọng tâm của dự án là từ 2012 đến 2015 thành lập thêm Phòng Cảnh sát PCCC các quận, huyện: 5, 7, 10, Phú Nhuận, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Chánh và 36 đội chữa cháy, cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp độc lập.
Đến 2025, TP.HCM sẽ có 4 phân vùng, tương đương như một phòng Cảnh sát PCCC ở phía Nam TP (Q.7, H.Nhà Bè), phía bắc (H.Củ Chi), phía đông (Q.2, Q.9) và phía tây (Q.Bình Tân, H.Bình Chánh).
Trần Chánh Nghĩa