- Trong những ngày qua việc Trung ương dự kiến giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM từ 23% xuống còn 18% đã gây ra nhiều phản ứng khác nhau, trở thành đề tài nóng trong cuộc họp về KT-XH 10 tháng đầu năm của TP sáng 28/10.

Bà Phan Thị Thắng – Giám đốc Sở Tài chính TP cho biết, dự kiến năm 2017 TP sẽ được giao tổng thu ngân sách ở mức 347 ngàn tỷ đồng và tỷ lệ điều tiết trở lại là 18%.

Trong khi đó số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy trong 5 năm tới 7 chương trình đột phá của TP cần số vốn khoảng 474 ngàn tỷ, như vậy trung bình 1 năm phải chi 96 ngàn tỷ.

{keywords}

Ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TPHCM

Bà Thắng tính toán, nếu tỉ lệ điều tiết ngân sách là 23% thì TP sẽ có khoảng 77 ngàn tỷ, nhưng sau khi cân đối chi thường xuyên thì chi đầu tư sẽ chỉ còn khoảng 28 ngàn tỷ, do đó TP còn thiếu khoảng 67 ngàn tỷ so với nhu cầu.

Trong trường hợp tỉ lệ điều tiết ngân sách chỉ còn 18% thì chi đầu tư chỉ còn khoảng hơn 20 ngàn tỷ. “Sau cuộc họp vừa qua của Phó chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến với Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nhu cầu của 7 chương trình đột phá không chỉ dừng lại ở con số 474 ngàn tỷ mà đã thành hơn 490 ngàn tỷ” – bà Thắng thông tin.

Về vấn đề này, trong cuộc họp báo sau đó ông Võ Văn Hoan – Chánh Văn phòng UBND TP cho rằng: “TP chia sẻ với Trung ương đó là điều phải làm, khó khăn của Trung ương cũng là khó khăn của TP, nhưng khi Quốc hội đang bàn thì TP cũng phải bàn việc của mình”.

Ông Hoan nhận định, khi kết thúc kỳ họp Quốc hội và chuẩn bị cho kỳ họp HĐND TP sắp tới, chuyện ngân sách sẽ là vấn đề nóng.

“TP sẽ có kế hoạch đồng bộ, toàn diện và có giải pháp thích ứng với tỷ lệ điều tiết giảm đi. Bây giờ tôi chỉ có thể nói như vậy chứ chưa thể nói cụ thể thế nào, có bao nhiêu giải pháp. Tuy nhiên quan điểm chung phải giảm chi và tăng xã hội hóa, tăng đóng góp của người dân vào các dự án lớn” – ông Hoan nói.

Chánh Văn phòng UBND TP khẳng định sau khi có đề xuất về tỉ lệ trên, Thành ủy, Ủy ban và Đoàn ĐBQH của TP đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và Ban cán sự đảng Chính phủ để đề nghị quan tâm cân đối lại tỷ lệ điều tiết.

“Tinh thần chung là lấy gì thì lấy, làm gì thì làm, giảm phần để lại cho TP nhưng cũng phải ở mức độ nào đó để TP có điều kiện đóng góp hơn cho cả nước chứ không phải chỉ riêng TP mình”, ông Hoan trả lời báo chí.

TPHCM không thiếu vốn để tiến hành các dự án lớn

Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Phan Thị Thắng cho biết, trong 10 tháng tổng thu ngân sách Nhà nước (không tính ghi thu ghi chi) ước thực hiện là 249.596,2 tỷ đồng, đạt 83,67% dự toán, tăng 10,38% so cùng kỳ.

Theo bà Thắng, qua 10 tháng thu ngân sách thì dự báo trong năm nay hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và sẽ đạt kế hoạch Trung ương giao. Đặc biệt thu từ khu vực kinh tế đạt hơn 86%, tăng 18.03% so với cùng kỳ đã cho thấy các doanh nghiệp hoạt động tốt.

“Khẳng định rằng trong năm 2016 chúng ta không thiếu vốn để làm các công trình. Từ giờ đến cuối năm nếu tình hình thu ngân sách như hiện nay thì Sở Tài chính và Sở Kế hoạch sẽ tính toán để giao vốn đợt 3 cho các đơn vị. Tiền đã có rồi, các chủ đầu tư phải đẩy nhanh tiến độ để giải ngân”, Giám đốc sở Tài chính thông báo.

Được biết, hiện tỷ lệ giải ngân các dự án mới chỉ đạt 46% so với yêu cầu.


Việt Đông