- Ngày 27/6, UBND TP.HCM họp về tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2011, trong đó nổi bật là việc thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện tốt Chương trình bình ổn thị trường.

Ông Lê Hoàng Quân tái đắc cử Chủ tịch UBND TP.HCM
CPI cùng giảm tốc tại Hà Nội và TP.HCM

Trong 6 tháng đầu năm, TP.HCM tiếp nhận 151 dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) với số vốn là 1,467 tỷ USD. Tuy số dự án giảm 9,04%, nhưng số vốn đăng ký tăng 65,78% so với cùng kỳ. Đó là chưa kể có 52 dự án xin điều chỉnh vốn tăng 214,88 triệu USD.

Tính chung, tổng vốn đầu tư nước ngoài toàn thành phố là là 1,682 tỷ USD, tăng 72,98% so với cùng kỳ. Trong số các quốc gia đầu tư nhiều nhất vào TP.HCM, Singgapore đứng đầu với 1,23 tỷ USD, chiếm 83,82%.

Một góc khu trung tâm TP.HCM. Ảnh: VietNamNet

Một điểm đáng lưu ý khác là lượng kiều hối chảy về thành phố trong 6 tháng đầu năm tăng cao 27,06%, tương đương với 2,470 tỷ USD.

Theo nhận định của UBND thành phố, 6 tháng qua, kinh tế thành phố tiếp tục vượt qua khó khăn, duy trì và ổn định tăng trưởng, tổng sản phẩm nội địa ước đạt 199.990 tỷ đồng, tăng 9,9%. Các chỉ số về kim ngạch xuất khẩu, vốn huy động vốn qua ngân hàng đều tăng. Thu ngân sách đạt kế hoạch đề ra.

TP.HCM cũng thực hiện tốt Chương trình bình ổn các mặt hàng thiết yếu, với cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường. Đến nay thành phố đã tổ chức được 2.560 điểm bán hàng bình ổn giá của 22 doanh nghiệp tham gia chương trình.

Thành phố cũng triển khai tốt chương trình tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả, kết quả đã tiết kiệm được 198,6 triệu KWh, chiếm 2,7% điện thương phẩm, giảm bớt căng thẳng do thiếu nguồn và hạn chế ảnh hưởng từ tiết giảm điện.

Trên lĩnh vực quản lý đô thị và cải cách hành chính, trong 6 tháng qua, thành phố cũng thu được những kết quả khả quan. Nhiều công trình trọng điểm được hoàn thành và khởi công trong các dịp lễ lớn như khánh thành đường Rừng Sác, Nguyễn Văn Bứa, đường song hành quốc lộ 22, 2 nhánh cầu Rạch Chiếc…

Trên 95% hồ sơ thủ tục hành chính tại thành phố được giải quyết đúng hạn định. “Một cửa điện tử” được áp dụng tại 5 sở - ngành và 19 quận - huyện, cung cấp thông tin, tình trạng giải quyết hồ sơ cho công dân. Lần đầu tiên trong cả nước, thành phố áp dụng dịch vụ công 4 cấp trực tuyến (cấp cao nhất) để cấp phép họp báo qua mạng.

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng nhìn nhận những khó khăn, tồn tại. Đáng nói là việc tăng giá xăng, dầu, điện, lãi xuất ngân hàng đã làm cho chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt là chi phí vốn gây khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, nhất là tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Các thủ tục hành chính dù được cải tiến, nhưng vẫn còn phức tạp gây khó cho người dân và doanh nghiệp. Theo xếp hạng của Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, TP.HCM bị sụt hạng nghiêm trọng tới 7 bậc, chuyển từ nhóm Tốt sang nhóm Khá (xếp hạng 23/63 địa phương).

Tình hình dịch bệnh còn phức tạp, các ca sốt xuất huyết, tay chân miệng tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống người dân, đặc biệt là các hộ nghèo. Tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến xấu, tăng cả về số vụ, số người chết, người bị thương, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, theo lãnh đạo TP.HCM, là “rất nặng nề”. Theo đó, thành phố sẽ tập trung vào 8 nhóm giải pháp hội nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể: nỗ lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, bình ổn thị trường, kiểm soát lạm pháp, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng phù hợp…

Ngoài ra, thành phố cũng chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe; đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần của người dân…

Thái Thiện