UBND TP.HCM vừa có yêu cầu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phân tích, đánh giá khách quan, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi trình Bộ GD-ĐT và công bố rộng rãi đề án tuyển sinh năm 2017 mà chưa báo cáo và chưa được sự đồng ý của Ủy ban. Thời hạn báo cáo trước ngày 10/7.
Đó là một nội dung trong văn bản UBND TP.HCM vừa gửi Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trong văn bản này, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường báo cáo đề án tuyển sinh và phương án tài chính năm học 2017 - 2018 cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố trước khi khai giảng năm học mới, đảm bảo việc tuyển sinh, dạy đúng quy định, đạt hiệu quả cao nhất.
Ông Đinh La Thăng làm việc tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ngày 22/2/2017 |
Trường phải khẩn trương xây dựng đề án tuyển sinh năm 2018 - 2019 phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ của mình, chú trọng nhiệm vụ đào tạo cán bộ y tế cho thành phố.
Nếu muốn mở rộng đối tượng tuyển sinh trong phạm vi cả nước, trường cần chuẩn bị kỹ đề án này (trong đó có phương án tự chủ tài chính, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất...) báo cáo cho Ban Cán sự Đảng uỷ UBND xem xét trước khi đăng ký với Bộ GD-ĐT.
Những năm trước, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP.HCM. Cho đến mùa tuyển sinh năm 2017, trong buổi làm việc ngày 22/2, Bí thư thành uỷ lúc đó là ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo trường thay đổi khu vực tuyển sinh.
Sau buổi làm việc, trường đã gửi công văn xin ý kiến chỉ đạo của UBND TP.HCM về vấn đề tuyển sinh toàn quốc.
Tiếp đó, trường nhận được kết luận của Văn phòng Thành uỷ TP.HCM ghi rõ “chấm dứt áp dụng cơ chế tuyển sinh theo hộ khẩu thành phố, thực hiện tuyển sinh đầu vào đối với học sinh cả nước… áp dụng từ năm học 2017 - 2018”.
Vì ngày 20/3 là hạn chót cung cấp thông tin tuyển sinh 2017, nên trường đã đăng thông tin tuyển sinh toàn quốc dù chưa nhận được văn bản chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Ba tháng sau, UBND TP.HCM gửi công văn “chưa cho phép Trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch mở rộng đối tượng tuyển sinh năm học 2017 - 2018 và vẫn tuyển sinh như những năm trước đây”.
Sau khi nhận được công văn, trường ra thông báo chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP.HCM. Việc này khiến cho 12.000 thí sinh tỉnh ngoài trong số hơn 16.000 hồ sơ đăng ký vào trường sẽ phải thay đổi nguyện vọng.
Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu nhà trường thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và đúng các nội dung trong đề án đã công bố, vì thời điểm đó thí sinh đã hoàn thành đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển và ngày thi đã tới gần. Việc Trường ĐH Y khoa Pham Ngọc Thạch dừng tuyển sinh cả nước, chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu ở TP.HCM là "không phù hợp với quy chế tuyển sinh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh có hộ khẩu ngoài TP.HCM” - văn bản của Bộ GD-ĐT nêu rõ.
Tới ngày 11/6, lãnh đạo Thành ủy, UBND và Hội đồng nhân dân TP.HCM đã họp với Ban giám hiệu nhà trường và kết luận việc mở rộng tuyển sinh như vừa qua là chưa đảm bảo chặt chẽ. Nhưng để đảm bảo quyền lợi của các thí sinh, trước mắt lãnh đạo thành phố chấp nhận cho tất cả thí sinh có hộ khẩu ngoài TP.HCM đã đăng ký được dự thi vào trường năm nay.
"Tuỳ theo quy định của UBND TP.HCM với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch như thế nào mà yêu cầu kiểm điểm. Theo quan điểm của tôi, việc Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch công bố đề án là hơi vội vã, vì ngoài trực thuộc UBND TP.HCM, trường còn chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Thay đổi vùng tuyển sinh là vấn đề lớn của trường đại học, do đó phải hỏi ý kiến UBND thành phố và Bộ trước khi thực hiện. UBND TP.HCM chậm trễ trả lời trường là do quy trình làm việc. Tuy nhiên, trường có quyền khiếu nại Ủy ban về việc không kiểm điểm, hoặc không kiểm điểm vì thấy việc làm của mình là đúng". Phó hiệu trưởng một trường đại học "Tôi nghĩ, UBND TP.HCM nên dùng "báo cáo" hơn là yêu cầu trường "phân tích, đánh giá, tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân", vì hiện nay vẫn chưa biết đúng - sai như thế nào. Nếu sai mới yêu cầu kiểm điểm. Trong sự việc này, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã làm đúng trách nhiệm của mình khi có đầy đủ văn bản xin ý kiến của UBND TP.HCM và làm đúng trách nhiệm với Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên do cách quản lý, thời gian Ủy ban trả lời trường quá lâu, trường cũng sốt ruột vì quy định của Bộ rất rõ ràng. Việc Bộ yêu cầu trường thực hiện đúng đề án là chính xác vì họ chịu trách nhiệm về điều này. Tôi thấy UBND TP.HCM đưa ra nhiều yêu cầu bất hợp lý, như việc báo cáo về sự đáp ứng nguồn lực giảng viên, cơ sở vật chất... nếu trường mở rộng khu vực tuyển sinh ra toàn quốc. Bởi vì, nếu chỉ tiêu cố định như hiện nay, thì trường dù tuyển sinh viên từ các tỉnh hay chỉ của TP.HCM thì nguồn lực vẫn chỉ cần giữ nguyên như đã có". Trưởng phòng Đào tạo một trường đại học tại TP.HCM |
Lê Huyền