Lo ngại đã gia tăng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sau khi công ty cố vấn
quốc phòng Mỹ cho biết, ngân sách dành cho súng ống của Bắc Kinh sẽ vượt quá
tổng số ngân sách cùng hạng mục của tất cả các nước láng giềng của Trung Quốc
gộp lại vào năm 2015.
Chi tiêu quân sự của Trung Quốc đã làm lo ngại ở khu vực gia tăng, các nhà phân tích cho biết, bất chấp những ngờ vực về giá trị của bản báo cáo, vốn nói rằng ngân sách quốc phòng của Bắc Kinh sẽ tăng gấp đôi trong thời gian từ 2011 tới 2015. Thực vậy, báo cáo cho biết, ngân sách quân sự của Trung Quốc sẽ vượt quá tổng chi tiêu quân sự của tất cả những nước châu Á-Thái Bình Dương cộng lại.
Công ty cố vấn quốc phòng toàn cầu IHS Jane cho biết, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ lên tới 238,2 tỷ USD vào năm 2015, từ mức 119,8 tỷ USD vào năm ngoái. Con số này có kết hợp với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm là 18,75%.
Tuy nhiên, năm ngoái, Bắc Kinh cho biết, ngân sách dành cho Quân đội giải phóng nhân dân nước này trong năm 2012 là 93 tỷ USD, ít hơn nhiều so với ước tính của IHS.
IHS dự đoán, ngân sách quân sự Trung Quốc năm 2015 sẽ cao gần gấp 4 lần Nhật, nước chi tiêu cho quân sự lớn thứ 2 trong vùng. Ngoài ra, ngân sách quân sự của Trung Quốc sẽ vượt qua con số 232,5 tỷ USD - tổng ngân sách của 12 quốc gia lớn trong vùng, gồm cả Nhật.
IHS cho biết, dự đoán trên dựa trên mức tăng trưởng ngân sách quân sự bình
quân 12%/năm của Trung Quốc từ 2000 đến 2009. IHS còn cho biết thêm rằng
chi tiêu quân sự trong tương lai của Trung Quốc sẽ tăng dựa trên dự đoán về tăng
trưởng kinh tế của nước này trong 3 năm tới. Trung Quốc sẽ dùng kinh tế thịnh
vượng của mình để hiện đại hóa các thiết bị quân sự trong khi giảm bớt số quân,
dẫn tới việc tăng lương cho các thành viên thuộc lực lượng vũ trang.
Ni Lexiong, chuyên gia về chính sách hàng hải của Trung Quốc tại Đại học khoa
học chính trị và luật Thượng Hải nói, IHS đã phóng đại năng lực quân sự của
Trung Quốc. Theo ông Ni, dự đoán trên của công ty cố vấn đóng tại Mỹ, là nhằm
khuấy lên cái gọi là mối đe dọa Trung Quốc để ủng hộ kế hoạch tăng cường sự hiện
diện ở châu Á của Mỹ.
D.S. Rajan, giám đốc Trung tâm Chennai chuyên nghiên cứu về Trung Quốc, có trụ sở tại Ấn Độ cũng đặt câu hỏi về độ trung thực của báo cáo. "Theo quan điểm của tôi, Bắc Kinh có thể chỉ tăng nhẹ ngân sách quốc phòng, vì sợ rằng hình ảnh là một quốc gia đang lên hòa bình, đặc biệt là về lợi ích ngoại giao, có thể bị ảnh hưởng. Ngoài ra, vào cuối năm nay, chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra và Bắc Kinh không muốn gây xáo động hiện trạng trong những vấn đề chính sách, họ có lẽ sẽ chọn cách kiềm chế trong các bước tiến về ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, nếu các dự báo trên là đúng, các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ lo ngại sâu sắc".
"Đừng quên, việc duy trì quân ở Tây Tạng, nhằm mục đích dẹp yên bất ổn trong vùng, của Trung Quốc cũng khiến New Delhi lo ngại vì binh sĩ Trung Quốc đóng ở ngay bên kia biên giới với Ấn Độ. Tiếp đó, sự quả quyết của Trung Quốc trong những vấn đề Biển Đông cũng khiến các nước ASEAN lo ngại. Bất cứ một quyết định tăng ngân sách quân sự nào của Trung Quốc đều làm tăng sự thiếu tin tưởng giữa Trung Quốc và các nước châu Á. Mong muốn có Mỹ như một nhân tố cân bằng ở khu vực sẽ đậm nét hơn".
Nếu quân đội Trung Quốc vẫn duy trì việc tăng cường chi tiêu hai con số, thì "bầu không khí về một cuộc chạy đua vũ trang sẽ lộ rõ ở châu Á. Về mặt quân sự mà nói, các nước như Ấn Độ, Nhật, Philippines và Việt Nam sẽ cảm thấy cần thiết phải củng cố quốc phòng và hiện đại hóa vũ khí".
Ben Saul, giáo sư Trung tâm luật quốc tế Sydney nói, quân sự hóa ngày càng tăng của Trung Quốc khiến sự lo ngại của các chính phủ trong vùng gia tăng, gồm cả Australia - gần đây đã mời quân Mỹ tới đồn trú ở phía bắc Australia.
"Quốc phòng Trung Quốc không phải đối mặt với mối đe dọa nào, vì vậy, các nước khác có thể thấy rằng việc Bắc Kinh xây dựng quân đội là dấu hiệu về tham vọng tiến ra ngoài của nước này", ông Saul nhận xét. "Cùng lúc xây dựng quân đội, Trung Quốc không hề chuẩn bị đưa quân bảo vệ an ninh toàn cầu. Tại sao Trung Quốc phản đối can thiệp vào Libya, và hiện thời là Syria khi mà dân thường ở nước này đang bị tàn sát? Nếu Trung Quốc muốn tăng chi phí quân sự, họ nên là một quốc gia có trách nhiệm trong các vấn đề an ninh quốc tế".
Bắc Kinh được mong đợi công bố ngân sách quốc phòng năm 2013 tại cuộc họp Quốc hội thường niên vào tháng tới.