Núi lửa phun trào được cho là nguyên nhân gây ra cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên trên Trái đất. |
Các nhà khoa học thuộc trường đại học Washington (Mỹ) cho rằng Trái đất đã từng đối mặt với 2 cuộc đại tuyệt chủng. Họ cho rằng vào thời điểm xảy ra cuộc đại tuyệt chủng của khủng long khi một thiên thạch lao vào hành tinh của chúng ta cách đây 65 triệu năm, sinh vật dưới biển gần như biến mất và chỉ còn lại chủ yếu là trai và ốc.
Nguyên nhân được nhóm nghiên cứu giải thích là do ảnh hưởng của các núi lửa khổng lồ phun trào tại khu vực cao nguyên Deccan thuộc Ấn Độ ngày nay trước thời điểm Trái đất va chạm với thiên thạch. Núi lửa phun trào khiến nước biển ấm lên và tiêu diệt phần lớn các loài sinh vật biển.
Kết luận của các nhà khoa học được đưa ra sau khi họ tiến hành nghiên cứu các mẫu đá và hóa thạch trong các lớp trầm tích ở Nam Cực. Sau đó, họ sử dụng phương pháp magnetostratigraphy dựa vào từ trường Trái đất để xác định niên đại của các hóa thạch.
“Núi lửa bắt đầu phun trào khoảng 300.000 đến 200.000 năm trước khi xảy thiên thạch lao xuống Trái đất và ảnh hưởng của thiên tai này kéo dài trong 1.000 năm”, Thomas Tobin, người đứng đầu nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Washington, cho biết trên Daily Mail.
Núi lửa phun trào có thể giải phóng vào bầu khí quyển các hạt nhỏ hay aerosol, ban đầu có thể giúp làm mát Trái đất, nhưng núi lửa phun trào cũng sinh ra khí CO2 và các khí thải gây hiệu ứng nhà kính khác làm hành tinh của chúng ta ấm lên trong thời gian dài.
Thomas Tobin cho biết: “Chất aerosol chỉ có tác dụng làm mát trong khoảng thời gian từ 1 đến 10 năm, trong khi, khí C02 có ảnh hưởng trong khoảng thời gian từ hàng trăm năm cho đến 10.000 năm. Tuy nhiên, nhóm của các loài bị tiêu diệt trong cuộc đại tuyệt chủng thứ nhất vẫn xuất hiện trên bãi biển ngày nay”.
Hà Hương