Ba ngày vừa qua, từ 12-14/4 Âm lịch (tức từ ngày 19-21/5 Dương lịch), người dân làng Vân Hà (xưa là làng Yên Viên, tên tục gọi là làng Vân), thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang nô nức với hội vật cầu nước - lễ hội độc đáo, vui vẻ, kịch tính.
Để có được những trận cầu 'kinh điển', 16 thanh niên trong xã đã phải tập luyện vất vả cả ngày lẫn đêm trong khoảng 1 tháng trước khi lễ hội chính thức diễn ra.
Quả cầu tượng trưng cho Mặt Trời. Sân cầu gồm hai lỗ: Một lỗ bên Đông (nơi Mặt Trời mọc) và một lỗ bên Tây (nơi Mặt Trời lặn).
Ngoài việc rèn luyện sức khỏe, tài trí và vui vẻ, trò chơi cướp cầu còn mang nhiều ý nghĩa khác, bởi quan niệm cướp được cầu là cướp được năng lượng Mặt Trời, cướp được vận may về cho dân làng, để cho lúa khoai tươi tốt, mùa màng bội thu...
Các thanh niên khỏe mạnh tham gia hội vật cầu được gọi là "quan cầu". Họ được chia làm hai giáp (mỗi giáp 8 người), gọi là giáp trên và giáp dưới.
Trước khi ra sân đấu, các "quan cầu" phải vào đền Thánh làm lễ. Họ được uống bát rượu trắng, ăn dưa hấu và xuống sân ra mắt khán giả. Họ tranh tài quyết liệt trong 3 ngày. Mỗi ngày đánh 1 trận, mỗi trận kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ.
Theo ông chủ tế, lễ hội truyền thống của làng Vân quyết liệt là vậy, nhưng đây là trò chơi mang tính cầu mùa, cầu hòa thuận nên ban tổ chức đã quán triệt với các quan cầu rằng không được gây xích mích, va chạm thái quá.
Anh Dương Đăng Bích (20 tuổi), rất tự hào khi được lựa chọn làm "quan cầu", tham gia trò chơi dân gian này.
"Trận chung kết có kết quả hòa 2 đều, mọi người đều rất vui. Để thi đấu, chúng tôi phải tập luyện khoảng 1 tháng. Khi tập luyện chúng tôi thực hiện trên sân gạch của nhà dân, khác rất nhiều so với những buổi thi đấu", anh Bích chia sẻ.
Theo anh Bích, mỗi buổi tập luyện có thể kéo dài đến 10 tiếng ở trên sân gạch, chính vì thế rất khó tránh việc bị chấn thương.
"Ở sân tập có đầy đủ hố và quả cầu. Mỗi đội đều có ban huấn luyện riêng, họ hướng dẫn và chỉ bảo các quan cầu chơi làm sao để có kết quả tốt nhất, và biểu diễn bắt mắt nhất có thể", anh Bích cho hay.
Theo anh Bích, đây là lần đầu tiên anh được tham gia thi đấu. "Các quan cầu đều do ban khánh tiết lựa chọn, những người tham gia đều phải giữ giới, chưa lấy vợ và đặc biệt nhà phải không có tang từ 1 đến 3 năm", anh chia sẻ thêm.
"Mặc dù toàn thân, mặt mũi bám đầy bùn đất nhưng bao đời nay chưa ai bị đau mắt. Quả cầu sau khi thấm nước nặng khoảng 20kg, nhưng chưa khi nào rơi trúng chân người chơi. Sau mỗi trận đánh quần quật như vậy, không những không ai bị ốm mà họ càng cảm thấy thêm hưng phấn, vui vẻ", anh Bích kể.
Anh Đỗ Hữu Luân (28 tuổi, thuộc đội giáp dưới) cũng rất vinh dự khi được chọn làm quan cầu. Đây cũng là năm đầu tiên anh Luân được tham gia.
"Dù vất vả tập luyện và thi đấu nhưng tôi rất tự hào. Có nhiều hôm phải tập luyện đến đêm khuya, thế nhưng cả đội vẫn rất vui vẻ", anh Luân chia sẻ.
Kết thúc trận đấu, đội nào đưa được nhiều cầu nhất vào lỗ cầu của bên mình là chiến thắng và được thưởng. Theo quan niệm của nhân dân, giáp nào có đội thắng cuộc sẽ gặp được nhiều may mắn, bình an, làm ăn phát đạt, giàu sang, thịnh vượng.
Bố tôi trai làng chính hiệu, mê quyền anh, chơi thể thao như diễn xiếc
Có một lần, thanh niên tụ tập ở nhà tôi rất đông. Bố tôi đề xuất chơi trò thể thao, ông muốn kiểm tra sức khoẻ đám trai làng. Rốt cuộc, hơn chục chàng trai lần lượt vào thử đều phải chấp nhận thua cuộc.