Trong số những người mang quốc tịch một số nước châu Phi quyết tâm ở lại Việt Nam, không ít người không trình độ, nghề nghiệp, không tiền bạc, không chỗ ở, không giấy tờ tùy thân..., thường tìm đến những quý bà luống tuổi gạ tình

Một số đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của những phụ nữ này, biến họ trở thành trợ thủ đắc lực trong các phi vụ vận chuyển ma túy xuyên quốc gia.

Vợ Việt + chồng Phi = bán quần áo

Bà Nguyễn Thị Gần, Bí thư chi bộ KP.5, P.Tân Thành cho biết: Q.Tân Phú là nơi có nhiều người Phi đến sinh sống. Họ đã gắn kết với một người phụ nữ Việt và thường chọn các công việc bán quần áo xuất khẩu, giày dép để mưu sinh.

Anh Fabio - một công dân gốc Phi sống khá lâu ở VN cảnh báo: Một số đồng hương của Fabio, sau khi đến VN chỉ được một vài tháng thì cạn tiền, họ cũng định về nước, nhưng thấy những đồng hương vẫn “sống khỏe” ở VN với nghề “bù đắp tình cảm” cho quý bà cô đơn. Lúc đầu, chỉ là tình một đêm, nhưng về sau, đa số họ “chuyển hướng” tìm những phụ nữ quá lứa, lỡ thì, bỏ chồng, có chút vốn liếng để kết hôn, sinh con đẻ cái. Trong số họ, có người yêu thương thật lòng, nhưng không ít người lợi dụng để được nhập cư, biến họ thành mắt xích những đường dây ma túy…

Băng vận chuyển ma túy do Ben Blessed cầm đầu bị TAND TP.HCM xét xử ngày 29/6/2011.

Theo thượng tá Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng PA18, Công an TP.HCM, hiện nay, riêng tại địa bàn TP, có khoảng trên 200 người gốc Phi cư trú và làm ăn, trong số đó, người mang quốc tịch Nigeria chiếm 90%. Số này chưa kể những người đến địa phương khác cư trú: Long An, Bình Dương, Đồng Nai, nhưng thường xuyên đến TP.HCM để giao dịch, làm ăn. Những người nước ngoài này hiện đang cư trú theo thẻ tạm trú (áp dụng cho người có thẻ lao động do Sở LĐ-TB-XH và những người tham gia thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Sở Công thương cấp). Riêng giấy miễn thị thực thường áp dụng với những trường hợp người quốc tịch các nước châu Phi kết hôn với phụ nữ Việt (thẻ có thời hạn không quá 5 năm, mỗi lần nhập cảnh vào VN cư trú không quá 90 ngày, có thể được gia hạn thêm tối đa 90 ngày).

Giải thích cho việc vì sao công dân các nước châu Phi vào VN thích kinh doanh ngành nghề may mặc, giày dép, trung tá Ngô Văn Hưởng, cán bộ Phòng PA18 - Công An TP.HCM cho rằng, do tại một số nước này hiện chưa có nhà máy may mặc nên đa số nguồn hàng ngành này đều phải nhập khẩu. Hiện công dân của “lục địa đen” ngụ cư đông nhất theo thứ tự là Q.Tân Phú, Q.Gò Vấp, Q.12, Q.7. Nơi này vừa tiện lợi là giá thuê nhà rẻ, lại gần các nhà máy may mặc dễ gom hàng. Hằng ngày, những người Phi không vốn, làm thuê cho các đại diện xuất khẩu sẽ rong ruổi gom hàng may mặc ở các nhà máy hoặc “đầu nậu” để cung cấp cho các công ty có chức năng xuất khẩu theo đường chính ngạch.

Những người không có vốn, ít có mối quan hệ, thì có cách “đổi đời” và có thể trụ lại VN lâu dài là tận dụng “vốn trời cho”. Họ kiếm một cô vợ không cần đẹp nhưng dư dả tài chính, hoặc làm nghề buôn bán, sau đó “dựa vợ” để mở công ty xuất khẩu hàng may mặc, giày dép. Theo PA18, tại TP.HCM có khoảng 13 - 14 văn phòng đại diện thương mại do công dân các nước châu Phi quản lý. Một số người Phi tham gia góp vốn (rất ít, chỉ vài chục triệu đồng) vào các công ty do vợ Việt hay vợ bạn đứng tên. Cách này cũng đã hợp thức hóa được việc cư trú quá hạn (quá hạn rất dễ bị xử phạt, nếu tái phạm có thể không được nhập cảnh trở lại VN).

Cũng theo một nguồn tin chúng tôi nắm được, tính từ năm 2007 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý gần 500 trường hợp công dân các nước châu Phi cư trú quá hạn. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng này đã giảm hẳn, một phần do hiểu biết pháp luật VN được tăng lên, phần khác đã biết hợp thức hóa cư trú bằng con đường tham gia góp vốn doanh nghiệp hoặc kết hôn.

Quả đắng

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều vụ án vận chuyển ma túy, trong đó, có một thực tế đau lòng là công dân một số nước châu Phi đã lợi dụng nhiều cô gái rất trẻ, là sinh viên (SV) các trường ĐH, có hoàn cảnh khó khăn, đánh vào sự nhẹ dạ, cả tin của họ rồi dùng tiền bạc lôi kéo, biến họ thành một mắt xích vận chuyển ma túy thuê dưới hình thức giao dịch quần áo, hàng mẫu đi các nước...

Trong vai một quý bà muốn tìm "hàng ngoại", PV báo Phụ Nữ được một thanh niên Phi đòi “cặp bồ lâu dài” (ảnh chụp từ camera PV, trên đường Bùi Viện ,Q.1, lúc 22g ngày 13/8)

H.T.N., SV năm cuối một trường ĐH tại TP.HCM, là con gái út trong một gia đình ở TP. Buôn Ma Thuột. Qua những lần chat trên mạng, N. quen một người Phi có bí danh Kelvin, tự giới thiệu là giám đốc một công ty may ở TP.HCM. Sau một thời gian quen biết, Kelvin đã đề nghị N. sang Singapore vận chuyển hàng may làm mẫu về VN. Lần đầu N. vận chuyển hàng mẫu cho Kelvin thì đã phát hiện có ma túy giấu trong va li hai đáy, N. không đem theo số ma túy đó về VN. Sau đó, nhóm của Kelvin đã tìm mọi cách tra tấn tinh thần N. Chúng đánh đập, hăm dọa cô rồi lại dỗ ngon dỗ ngọt. Để làm N. sợ, chúng còn đe dọa sẽ làm hại cả gia đình cô ở Tây Nguyên. Đúng vào lúc N. hoảng loạn nhất thì Kelvin “ra tay nghĩa hiệp”, đứng ra bảo vệ cô trước sự đe dọa của đồng bọn. Ngây thơ, N. không ngờ đây chỉ là mưu kế của bọn chúng mà cảm kích trước hành động “hào hiệp” của Kelvin. Kể từ đó, N. ngoan ngoãn nghe theo sự chỉ bảo của Kelvin, trở thành “tay sai” của đường dây buôn ma túy từ nước ngoài vào VN dưới vỏ bọc vận chuyển mẫu hàng hóa, trang sức về VN với thù lao 500 USD/lần. Cuối cùng, N. bị bắt, bị kết án 20 năm tù với tội danh vận chuyển ma túy.

Tương tự, N.T.P. (SN 1981 - Quảng Ngãi) cũng là nạn nhân của Kelvin. P. quen Kelvin qua mạng internet. Giống như N., Kelvin cũng giới thiệu mình là giám đốc một công ty nước ngoài và tìm cách tán tỉnh P. Khi Kelvin ngỏ lời muốn kết hôn, P. đã bỏ việc ở Đà Nẵng vào TP.HCM cùng Kelvin. Khi vào TP.HCM, thay vì làm đám cưới như đã hứa hẹn, Kelvin đề nghị P. sang Trung Quốc lấy hàng may mặc về làm mẫu với thù lao 500 USD/lần. Trước khi đi, Kelvin đưa cho P. một đôi dép. Biết đôi dép có ma túy, nhưng P. vẫn đồng ý đi. Khi làm thủ tục bay tại sân bay Tân Sơn Nhất thì P. bị bắt giữ và bị kết án 18 năm tù.

Nnaji David Ete nhập cảnh VN dưới hình thức du lịch, sau đó kết hôn với P.T.L. (SN 1980). Vợ chồng Nnaji David Ete cấu kết với nhiều đối tượng là người nước ngoài quốc tịch Nigeria và Zimbabwe hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia, mua heroin từ Pakistan, Ấn Độ, Malaysia, sau đó vận chuyển vào VN và một số nước để tiêu thụ. Để “qua mặt” cơ quan chức năng, Nnaji cùng đồng bọn đã giấu ma túy vào đế dép, bìa từ điển, ép vào đáy va li, túi xách, đường viền thắt lưng và gấu áo… rồi thuê phụ nữ VN hoặc người không có việc làm vận chuyển thuê từ nước ngoài tập kết về TP.HCM. Khi đường dây này bị công an triệt phá, có tám đối tượng người nước ngoài và phụ nữ VN bị bắt, P.T.L. bị kết án tù chung thân.

Gần đây nhất là trường hợp của hai chị em ruột đều là SV một trường ĐH của TP.HCM, bị bắt khi vận chuyển ma túy ngày 18/7/2011. Khoảng cuối năm 2010, một lần đi xe buýt, T.H.D. (SN 1989) gặp và làm quen với một đối tượng đến từ châu Phi có bí danh Francise. Đối tượng này đã thuê D. đi thủ đô Cotonou của Benin, một nước ở Tây Phi, để vận chuyển hàng mẫu quần áo về VN, Malaysia, Indonesia. Mỗi lần vận chuyển, ngoài tiền vé, ăn uống, khách sạn… D. còn được trả công 1.000 USD. Lúc đầu, D. không biết là vận chuyển ma túy, nhưng ở chuyến thứ hai, D. đã biết có ma túy giấu trong va li hai đáy, nhưng vẫn tiếp tục nhận hàng. Ngoài ra, D. còn giới thiệu cho em gái là T.H.T. (SN 1991 - SV năm thứ hai) cùng tham gia đường dây vận chuyển này. Với thủ đoạn đánh vào những SV nhẹ dạ, cả tin, muốn được đi nước ngoài để nâng cao khả năng ngoại ngữ, D. đã tiếp tục lừa một số SV khác cùng tham gia đường dây vận chuyển ma túy của Francise.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP.HCM: Hiện số người nước ngoài có quốc tịch các nước châu Phi chủ yếu sống ở các huyện, quận ven; ban đêm mới vào trung tâm TP làm đủ thứ nghề, không loại trừ việc làm trai bao, bán ma túy… Tình trạng này hiện diễn biến rất phức tạp. “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khảo sát và có số liệu cụ thể cung cấp cho các cơ quan chức năng. Để hạn chế tình trạng phạm pháp của công dân mang quốc tịch của một số nước châu Phi, cần phải thắt chặt việc quản lý xuất nhập cảnh. Khi họ sang VN, phải yêu cầu họ xuất trình giấy tờ, vé máy bay khứ hồi, nắm được mục đích họ vào VN để làm gì. Khi họ kết hôn với phụ nữ Việt, cần phải có cơ sở (chứng minh tài chính) để đảm bảo cho cuộc sống gia đình sau này”, ông Thạch đề xuất.

(Theo phunuonline)