1-2 năm trở lại đây chắc hẳn chúng ta ngày càng nghe nhiều hơn đến công nghệ trạm thu phí không dừng đang được từng bước triển khai trên cả nước. Đây là một dự án lớn trong việc ứng dụng CNTT, viễn thông vào mảng giao thông, là bước tiến đột phá trong hình thành giao thông thông minh trên các trục đường quốc lộ lớn nhất.
Thu phí không dừng trên các trục đường quốc lộ không chỉ tiết kiệm thời gian, giảm ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường cho người tham gia giao thông mà cũng giúp tiết kiệm cho nhà đầu tư BOT trong chí phí in vé, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì mặt đường khu vực trạm thu phí, đồng thời tránh được thất thoát.
Dưới đây sẽ là tập hợp những điều cần biết cơ bản về trạm thu phí không dừng để chúng ta hiểu rõ hơn về công nghệ này cũng như tiến trình triển khai công nghệ này ở Việt Nam (tham khảo từ Cổng thông tin điện tử Bộ GT&VT, vetc.com.vn...).
Về trạm thu phí không dừng VETC - Tasco
Hệ thống thu phí tự động không dừng đang áp dụng tại các trạm thu phí dọc Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) được sử dụng công nghệ RFID và do Công ty TNHH Thu phí tự động VETC quản lý theo giai đoạn 1 Dự án thu phí tự động không dừng.
VETC được thành lập với mục tiêu trở thành đơn vị triển khai và vận hành hệ thống thu phí tự động ETC (Electronic Toll Collection) tại Việt Nam, theo hình thức liên danh với nhà thầu xây dựng Tasco.
Dịch vụ thu phí tự động đường bộ VETC được áp dụng công nghệ RFID (Radio Frequency Identification) sử dụng sóng radio để nhận diện tự động phương tiện xe cơ giới có gắn thẻ E-tag. Thông thường với ô tô thẻ E-tag được dán lên kính hoặc đèn xe.
![]() |
Khi lưu thông xe qua trạm thu phí có Dịch vụ thu phí tự động đường bộ, VETC lưu ý các lái xe một số điều như: giữ vận tốc dưới 30km/h để đảm bảo an toàn, giữ khoảng cách tối thiểu giữa 2 xe là 15m, tuân thủ tín hiệu đèn giao thông và trạng thái thanh chắn barie, đồng thời làm theo hướng dẫn của nhân viên điều hành tại trạm.
Dự án trạm thu phí không dừng đến 30/6 hoàn thành giai đoạn 1?
Bắt đầu được khai thác từ tháng 7/2016, ban đầu có 5 trạm thu phí thực hiện hợp đồng thu phí thương mại là các trạm Quảng Đông (Quảng Bình), trạm Toàn Mỹ (Km 1813+650, Đắk Nông), trạm Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), trạm Km 1610+800 (Đức Long Gia Lai 1), trạm Km 1667+470 (Đức Long Gia Lai 2). Tốc độ xe qua các trạm này đạt đến 50 km/h và độ chính xác của hệ thống đã đạt trên 99,8%.
Sau đó lần lượt các trạm thu phí không dừng khác được chuyển giao và đi vào hoạt động như trạm Hòa Phước (Quảng Nam - Đà Nẵng), trạm Mỹ Lộc (Nam Định), trạm Tân Đệ (Thái Bình)...
![]() |
Trong cuộc họp về tiến độ triển khai Dự án thu phí tự động không dừng hồi tháng 2 năm nay, Bộ trưởng Bộ GT&VT Trương Quang Nghĩa đề nghị các nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ thể hiện quyết tâm, phấn đấu ký nốt các hợp đồng với các trạm còn lại để đến 30/6/2017 sẽ hoàn thành giai đoạn 1, áp dụng công nghệ thu phí không dừng tại các trạm trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Trong một cuộc họp khác vào tháng 4 năm nay, Thứ trưởng Bộ GT&VT Nguyễn Hồng Trường tiếp tục yêu cầu đến 30/6/2017 cần lắp đặt được hệ thống thu phí không dừng trên 1/2 số làn mỗi chiều tại 28 trạm thu phí.
Theo lộ trình mà Bộ GT&VT đã đưa ra theo Quyết định số 2247/QĐ-BGTVT ngày 24/6/2015, đến cuối năm 2018 các trạm thu phí trên toàn quốc phải có làn thu phí không dừng và hết năm 2020 sẽ bỏ thanh chắn barie tại các trạm thu phí.
Để tìm hiểu về công nghệ thu phí không dừng và cập nhật quá trình triển khai, chúng ta có thể xem trên chuyên mục riêng trên Cổng thông tin điện tử Bộ GT&VT (vào đây).
Một câu chuyện khác là trong các cuộc họp triển khai dự án thu phí tự động không dừng, các nhà đầu tư BOT đề nghị cần có nhiều nhà cung cấp dịch vụ để có sự lựa chọn. Bộ GT&VT cũng từng công bố khuyến khích tất cả các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và việc sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nào là quyền của nhà đầu tư BOT thông qua đàm phán, đấu thầu. Bộ này chỉ lưu ý, công nghệ thu phí không dừng phải thống nhất trên toàn quốc, sử dụng một loại thẻ E-tag để tránh gây phiền toái, rắc rối cho lái xe và cơ quan kiểm soát.