Tràn lan sản phẩm giá "siêu rẻ"

Bước vào những ngày nắng nóng, trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội rao bán nhộn nhịp các sản phẩm quạt, đèn năng lượng mặt trời. Nhiều khách hàng sau khi mua các sản phẩm này đã than vãn về độ bền của sản phẩm.

 Đèn năng lượng mặt trời được bán tràn lan trên mạng. Ảnh chụp màn hình

“Quảng cáo quạt dùng được 10 tiếng nhưng chỉ khoảng 2-4 tiếng là hết pin. Đến lúc cần dùng thì lại không có cái để dùng” – tài khoản Phùng Thu Minh nhận xét.

Trong khi đó, tài khoản Lương Thị Hạnh cho biết, sau 1 tuần sử dụng đèn năng lượng mặt trời mua trên mạng, nhà cô đã quyết định tháo ra không sử dụng vì ánh sáng yếu, không đủ chiếu sáng cho khu vực sân.

“Đèn mình mua trên mạng chỉ sáng được 2-3 tiếng đầu rồi sau đó rất mờ, chưa tới 11h đêm là đèn đã tắt. Trong khi đó, họ quảng cáo đèn có thể sáng cả đêm” - chị Hạnh cho biết.

Điều đáng nói, giá thành của các sản phẩm này rẻ hơn rất nhiều so với mức giá mà một số công ty uy tín công bố.

Về đèn năng lượng mặt trời, một số gian hàng bán mẫu đèn 100W với giá 500.000 đồng; 200W là 600.000 đồng và 300W là 800.000 đồng.

Trong khi đó, các sản phẩm có công suất tương tự được phân phối với một công ty uy tín có mức giá cao gấp đôi. Cụ thể, mẫu đèn 100W có giá 1,2 triệu đồng, 200W là 1,4 triệu đồng và 300W là 1,6 triệu đồng.

Không chỉ đèn năng lượng mặt trời, mặt hàng quạt năng lượng mặt trời cũng đang được bán tràn lan trên mạng, có giá rẻ hơn rất nhiều so với các công ty phân phối chính hãng.

Một số sản phẩm quạt được bán trên mạng với giá chỉ từ 500 nghìn đồng – 1 triệu đồng. Còn tại các công ty uy tín, quạt năng lượng mặt trời được bán với giá không dưới 1,4 triệu đồng.

Đáng chú ý, trong khi các công ty, cửa hàng cam kết sẽ bảo hành từ 1-2 năm cho các sản phẩm này, thì những người bán trên mạng xã hội dường như không nhắc đến các chính sách bảo hành cho khách hàng.

Một sản phẩm đèn năng lượng mặt trời đang được bán trên trang thương mại điện tử. Ảnh chụp màn hình

Cách nhận biết sản phẩm kém chất lượng

Tiến sĩ Nguyễn Văn Lành - Giảng viên bộ môn Năng lượng tái tạo, Khoa cơ khí – công nghệ, Trường Đại học Nông Lâm TPHCM - cho biết, vào mùa nắng nóng, nhiều người dân đổ xô đi mua các sản phẩm năng lượng mặt trời như đèn năng lượng mặt trời, quạt năng lượng mặt trời và mua tấm pin năng lượng mặt trời. Trong đó, nhiều sản phẩm được bày bán tràn lan trên mạng và quảng cáo là giá rất rẻ so với các hàng của công ty chính thức phân phối.

Việc mua pin năng lượng mặt trời giá rẻ, chưa được kiểm định chất lượng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những sản phẩm này có hiệu suất kém, nhanh hư hỏng và có thể gây ra chập điện, cháy nổ.

Theo Tiến sĩ Lành, cấu tạo của một tấm pin năng lượng mặt trời thông thường gồm: khung nhôm, kính cường lực, lớp màng trên, tế bào quang điện, lớp màng dưới, tấm lót, hộp đấu nối. Trong đó hiệu suất tấm pin phụ thuộc vào tế bào quang điện, còn độ bền phụ thuộc vào tất cả các bộ phận.

“Tế bào quang điện thường bị một số đối tượng đánh tráo khái niệm, pin loại màng mỏng (thin-film) nhưng lại nói là đa tinh thể (poly) hay đơn tinh thể (mono)” - Tiến sĩ Lành phân tích.

Để nhận biết các sản phẩm năng lượng mặt trời giả, kém chất lượng, khách hàng có thể dựa vào một số chi tiết như sản phẩm không có thương hiệu (nhãn mác) hoặc thương hiệu không phổ biến. Ngoài ra, khách hàng cần quan tâm đến vật liệu chế tạo ra các sản phẩm này.

Nếu khung bảo vệ, tấm kính bị chế tạo bằng vật liệu kém chất lượng, các mối hàn và chỗ lắp ghép sẽ không chắc chắn, tỉ mỉ.

Giảng viên Đại học Nông Lâm TPHCM khuyên mọi người nên lựa chọn các sản phẩm năng lượng mặt trời có thương hiệu nổi tiếng tại các cửa hàng phân phối uy tín. Các sản phẩm cần có cấu tạo chắc chắn, các mối lắp ghép tỉ mỉ.

Ngoài ra, cần ưu tiên lựa chọn loại tế bào quang điện mono hoặc poly để đảm bảo cho hiệu suất tấm pin năng lượng mặt trời.

Theo Lao động online