- Trong căn nhà nhỏ tuềnh toàng nằm ẩn mình ven lô cao su bạt ngàn, anh thanh niên ngồi tựa vào vách, bó gối đưa mắt nhìn về hai cỗ quan tài. Họ là người thân của anh và là nạn nhân trong vụ lật thuyền 7 người chết…
“Ân hận quá các anh ơi !”
Anh là Điểu Nanh, 29 tuổi người dân tộc S’Tieng. Hai người trong áo quan là mẹ và chị ruột đã bị dòng nước oan nghiệt cuốn trôi trong vụ lật thuyền vào chiều ngày 25/10 trên sông Măng (xã Lộc Hòa, H. Lộc Ninh, Bình Phước).
Anh Nanh nhớ lại: Hôm đó anh cùng mẹ là bà Thị Hân và chị gái Thị Cươi đi làm rẫy thuê bên phần đất Campuchia trở về trên chiếc thuyền gỗ cũ kỹ.
Anh Điểu Nanh với nỗi buồn mất mẹ và chị |
Bất ngờ thuyền đảo mạnh. Ai nấy thất thần biến sắc. Chiếc thuyền không còn giữ được thăng bằng trong khi nước đã bắt đầu tràn vào khoang qua những kẽ hở. Mọi người nhốn nháo.
Một số người biết bơi định nhảy xuống bơi vào bờ. Con thuyền càng chao đảo mạnh rồi lật úp.
Trên sông hỗn loạn. Người biết bơi tự bơi vào bờ hoặc tìm được cành cây, tảng đá lánh nạn. Người không biết bơi đang chới với giữa dòng.
“Mẹ tôi đã tự bơi được vào bờ đưa mắt tìm tôi và chị Cươi. Thấy tôi đã vào bờ, mẹ mỉm cười với tôi. Có lẽ cả đời tôi sẽ không quên nụ cười cuối cùng ấy mà mẹ đã dành cho. Yên tâm được một đứa, mẹ nhìn ra giữa sông. Chị tôi đang trồi lên thụp xuống. Không chần chừ, mẹ lao xuống kéo chị…" - anh Nanh kể.
Căn nhà trống của bà Thị Hân |
Thế nhưng, không may nước chảy quá xiết. Sức của người đàn bà tuổi đã về chiều đuối dần và hai mẹ con bị cuốn trôi về hạ lưu...
"7 người được ghi nhận là mất tích trong đó có mẹ và chị của tôi. Mẹ tôi là người cuối cùng được tìm thấy” – anh Điểu Nanh thuật lại trong nước mắt.
Rồi anh thổn thức: “Giá như tôi nhanh hơn phóng xuống cứu chị thì mẹ tôi không chết. Trên bờ, nhìn mẹ và chị cứ xa dần, lòng tôi như lửa đốt nhưng đã quá tầm với rồi…Ân hận quá các anh ơi !!”.
Những mảnh đời nghiệt ngã
Khu vực ấp 8B xã Lộc Hòa có rất đông đồng bào dân tộc. Bà con nơi đây đều nghèo. Cuộc sống khốn khó bủa vây từ nhiều đời nay.
i ảnh bà Thị Hân với quân phục |
Căn nhà của anh Điểu Nanh bằng gỗ đã xiêu vẹo. Lắp ghép bằng những mảnh ván, căn nhà trống trước hở sau. Trong nhà không một tài sản nào đáng giá. Chung quanh, trên những khoảnh đất trống cỏ hoang mọc đầy.
Tiếp xúc với bà con, chúng tôi được biết trong số 7 nạn nhân bị thiệt mạng vụ lật thuyền thì hoàn cảnh của hai mẹ con bà Thị Hân và Thị Cươi là đặc biệt hơn cả.
Bà Hân từng là du kích cùng bộ đội lập nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Hòa bình lập lại bà cùng chồng trở về đời sống bình thường hăng hái làm kinh tế, chăm lo gia đình, con cái.
Nhưng cuộc sống quá vất vả. Dù tuổi đã mấp mé 60, hàng ngày bà vẫn cùng con và những người trong ấp đi làm thuê kiếm sống. Bất cứ việc gì trong khả năng, thậm chí sang tận nước bạn Campuchia bà đều nhận làm. Cuộc mưu sinh của bà và các con dù có đầu tắt mặt tối cũng chỉ kiếm được khoảng 100.000đ/ngày công.
Chị Thị Cươi đã có chồng và 3 đứa con dại. Chị trở thành trụ cột trong gia đình từ khi chồng chị bị bệnh không còn khả năng lao động. Được xếp loại hộ nghèo, chị Thị Cươi hàng ngày vẫn cùng người dân trong ấp đi làm thuê kiếm sống.
Rồi đây, trong những ngày sắp tới chồng và 3 đứa con thơ dại của chị biết trông cậy vào ai ?
7 chiếc quan tài – 7 số phận, 7 mảnh đời – lần lượt được đưa đi an táng. Trong 7 nạn nhân của vụ chìm thuyền, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi chứng kiến những cảnh vợ trẻ ra đi để lại chồng và con thơ trong cơ cực, nghèo nàn.
Nỗi bất hạnh không chừa một ai. Nhưng bất hạnh đến với những gia đình đang đầy rẫy khó khăn trở thành đau đớn tột cùng. |
Một đứa trẻ, gương mặt đen dúa, quần áo lấm lem, mái tóc quăn rúm dính chặt như bện vào nhau do thiếu sự chăm sóc, ôm di ảnh mẹ lầm lũi bước đi. Một người đàn ông gương mặt đờ đẫn ngây dại vẫn ngồi xổm ngoài thềm, tay run run cầm chứng giấy chứng minh của vợ, nấc nghẹn không thành lời trong lúc quan tài vợ chuẩn bị đưa đi.
Những bà mẹ già mặt nhăn nheo, đội khăn trên đầu ngồi ngoài hiên quay mặt không dám nhìn theo dòng người đưa tiễn con. Xót xa quá, thương tâm quá...
Nỗi bất hạnh không chừa một ai. Nhưng bất hạnh đến với những gia đình đang đầy rẫy khó khăn trở thành đau đớn tột cùng.
Trong tận cùng của nỗi đau, chúng tôi chỉ mong có những bàn tay nhân ái, thiện tậm đến với bà con Lộc Hòa để giúp vơi đi những nhọc nhằn năm tháng...
Trần Chánh Nghĩa