- Cô gái 24 tuổi không 'đốt nóng' Nhà hát lớn Hà Nội đêm 22/2 bằng những nốt nhạc mạnh mẽ, bùng nổ, mà thuyết phục khán giả và chia sẻ xúc cảm bằng sự tinh tế và trang nhã của dương cầm với phong cách cổ điển.
Không phải là một buổi biểu diễn giàu sức nặng nghệ thuật, nhưng "Nhật kí dương cầm" là concert được trông chờ. Khán phòng Nhà hát lớn đã kín chỗ trước khi buổi diễn bắt đầu, thành công này là một hiện tượng hiếm hoi với một nghệ sĩ trẻ, lần đầu trình diễn tại Việt Nam.
Mở màn chương
trình, Trang Trịnh và dương cầm im lặng, đặt trên background được đồ
họa đẹp mắt, ấn tượng như một bức tranh
Trong phần 1, những dòng Nhật kí của Trang Trịnh tâm sự: "Mặc dù cuối cuộc đời chìm trong rượu chè, cờ bạc, thì âm nhạc của Mozart vẫn long lanh và trong trẻo đến kì lạ, như thể không điều gì trên đời có thể làm Mozart mất đi sự hồn nhiên, ngây thơ. Đó cũng là điều khiến cho âm nhạc của Mozart được yêu mến đến thế".
Với Beethoven, một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất, thì "Tức giận vì đồng xu bị mất" của Trang nói: "Đôi khi tôi cảm thấy không vui khi người ta đặt âm nhạc cổ điển như một thứ ngôn ngữ xa lạ và bác học. Nhưng có thể người ta sẽ nghĩ khác khi gặp những câu chuyện rất đỗi đời thường. Như việc rơi đồng xu mà Beethoven đã kể bằng những thanh âm của dương cầm. Chủ đề không hề đặc biệt này, có lẽ chỉ có Beethoven, kẻ không hề sợ ai cả mới dám từ chối việc đặt cho nó một cái tên mỹ miều hơn. Ở điểm này, dương cầm tôi thấy Beethoven như một đứa trẻ mới lớn, với cá tính mạnh, nhưng căm ghét sự giả tạo, mỹ miều và hời hợt....".
Tâm sự cùng “Nhật kí” và các tác gia cổ
điển
Tiêu điểm trong phần hai là 3 chương Sonata “Ánh trăng” - cũng là tác phẩm 'đinh' của chương trình. Tuy nhiên, việc ngắt ra một khoảng thời gian trống khá dài giữa 3 chương để đọc lời tâm sự và diễn giải lại khiến khán giả nguội bớt cảm thức lẽ ra sẽ nhận được khi chơi liền mạch. "Pháo hoa" của Debussy tiếp ngay sau đó, tươi tắn và rộn ràng cảm xúc. Trang đã chơi rất tốt tác phẩm này với nhịp độ chuẩn mực. Cuối buổi, cô gái trẻ bis thêm một tiểu phẩm của NS Đặng Hữu Phúc - "Trống cơm" bằng sự phá cách và mạnh mẽ, khác với nét tinh tế, chậm rãi thể hiện trong chương trình.
Nhận xét về đêm nhạc, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc cởi mở: " Tôi nghĩ đây là sự mở đầu rất tốt. Trịnh Mai Trang chơi đàn rất xúc cảm. Tôi đánh giá cao nhất ở điều này, nó rất cần cho người làm công tác nghệ thuật. Để đưa âm nhạc đến gần công chúng hơn, tất nhiên là phải hy sinh một số điều cao siêu. Những người trong giới âm nhạc chuyên nghiệp có lẽ sẽ nhìn buổi diễn ở một khía cạnh khác. Được mặt rộng thì chiều sâu, chiều cao sẽ bị hạn chế - bao giờ cũng vậy. Nhưng tôi ủng hộ cho sự đa dạng của chương trình này".
Hồ Hương Giang
Ảnh: Minh Trần