Trên thị trường, phí dịch vụ vệ sinh bảo dưỡng máy điều hòa dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/máy. Chi phí này đã bao gồm công thợ, phí vệ sinh, bảo dưỡng. Với các dịch vụ phát sinh khác như phải nạp thêm gas hoặc sửa chữa sẽ phát sinh thêm chi phí, tùy theo điều kiện thực tế của thiết bị. Đây cũng là kẽ hở để một số người thợ "móc túi" khách hàng. Ví dụ, khi sửa chữa các loại điều hòa đã qua sử dụng vài năm, người thợ sẽ báo một số triệu chứng như dây đồng tiếp gas tiếp xúc kém do rò rỉ gas; van gas bị hở, không đảm bảo an toàn; hỏng tụ, hỏng lốc... để khách hàng phải thay linh kiện.

Trong những trường hợp như vậy, nếu không có kinh nghiệm, người tiêu dùng dễ bị thợ nâng giá, bán linh kiện với giá đắt. Có kinh nghiệm hơn 20 năm sửa chữa, bảo dưỡng đồ điện gia dụng, anh Nguyễn Văn Hùng (cửa hàng điện lạnh Văn Hùng ở quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ một số bí quyết để tránh mất tiền oan khi vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị điện trong mùa hè:

Để tránh mất tiền oan khi bảo dưỡng thiết bị điện - Ảnh 1.

Trên thị trường, phí dịch vụ vệ sinh bảo dưỡng máy điều hòa dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/máy.

- Tự kiểm tra hiện trạng thiết bị để tránh mắc vào các chiêu "làm giá" của thợ. Cụ thể, nên kiểm tra các thiết bị như: điều khiển máy lạnh, chế độ điều khiển, các loại đèn báo, dàn lạnh... xem có phát ra âm thanh bất thường không. Đó là dấu hiệu máy vẫn đang hoạt động bình thường. Tiếp theo, kiểm tra các dây nối hoặc bo mạch xem có đứt, gãy, gây chập mạch điện không. Nếu không có những dấu hiệu đó thì điều hòa nhiệt độ của gia đình bạn chỉ cần vệ sinh, bảo dưỡng thông thường. Lúc này, bạn nên cảnh giác nếu thợ báo điều hòa bị hỏng và yêu cầu sửa chữa.

- Cách nhận biết điều hòa cần phải bơm thêm gas: Gas trong bình bị thiếu sẽ có dấu hiệu đóng tuyết ở dàn nóng. Nếu máy lạnh nhà bạn bị đóng tuyết ở dàn lạnh và có hiện tượng đá bay ra ngoài là do quạt dàn lạnh, tụ quạt bị hỏng. Bạn nên quan sát kĩ các dấu hiệu này để sửa chữa kịp thời.

- Khi thợ báo hỏng máy hay thay thế linh kiện, bạn nên cân nhắc kĩ. Nếu cần phải thay, cách tốt nhất là gọi điện thoại tới nhà sản xuất đề nghị thợ chính hãng bảo hành, sửa chữa.

- Nên gọi thợ bảo dưỡng sửa chữa tại các cửa hàng, công ty có niêm yết địa chỉ rõ ràng, sửa chữa uy tín. Thương lượng rõ về giá dịch vụ trước khi sử dụng và yêu cầu phiếu bảo hành sau khi bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị.

- Để các thiết bị hoạt động bền và tránh bị hỏng hóc, thay thế linh kiện trong quá trình sử dụng, nên bảo dưỡng thiết bị định kỳ 3 - 6 tháng/lần.

Theo phunuvietnam.vn