Thậm chí có món đồ được nhặt từ bãi rác, sau đó đã được anh chồng người Nam Phi “hô biến” thành một sản phẩm hết sức xinh xắn, khiến các chị em xuýt xoa ngưỡng mộ.
Một ngày đầu hè năm 2020 khi đang “núp” trong nhà chống dịch như bao người dân Hà Nội khác, Hoài Thu lôi tấm vải dệt thủ công cũ ra may cho Brett một chiếc tạp dề. Khi cầm sản phẩm trên tay, cô cảm nhận rõ sự mộc mạc của những thớ vải và sợi dây kết nối vô hình giữa mình và món đồ. Thế là Hoài Thu buột miệng nói với anh chồng sắp cưới: “Hay là mình kiếm một căn hộ rồi tự đóng hết đồ nội thất trong nhà đi!”.
Là một người có kỹ năng sống rất tốt, thích tự tay làm nhiều món đồ, Brett đồng ý ngay với ý tưởng của vợ. Cộng với những khó khăn về mặt tài chính khi dịch bệnh xuất hiện, công ty nợ lương, cặp đôi quyết định đi tìm một căn hộ nhỏ hơn và gần như không có đồ nội thất, vừa để tiết kiệm chi phí thuê nhà vừa tranh thủ tự làm lúc rảnh rỗi.
Căn hộ đã có sẵn tủ bếp dưới, những món đồ còn lại do Brett tự tay đóng. |
Tháng 5/2020, cặp đôi chuyển về nhà mới và bắt tay vào thực hiện dự án đặc biệt của mình. Họ lên danh sách những món đồ dùng cần có, bao gồm rèm cửa, giường, tủ, ghế sofa, các loại kệ… Brett xung phong làm đồ gỗ và các việc nặng, còn Thu nhận nhiệm vụ may rèm, chăn, ga, gối, đệm…
Là những người thích phong cách sống tối giản và tái chế đồ đạc, cặp đôi ưu tiên sửa lại những món đồ cũ, dùng những chất liệu thân thiện với sức khoẻ và môi trường.
Khi dọn vào căn nhà mới gần như trống trơn, họ chỉ đặt tạm tấm đệm xuống sàn nhà để ngủ, lấy vài bộ quần áo không quá cầu kỳ để mặc luân phiên. Đồ nấu ăn chỉ có 2 chiếc nồi, 1 cái chảo gang, vài chiếc đĩa, 2 bộ dao dĩa và vài lọ gia vị. Còn lại tất cả những món đồ không cần dùng, hoặc ít dùng, họ vẫn để nguyên trong hộp rồi để ở phòng kho hoặc phòng ngủ.
“Chúng mình vẫn nấu và ăn cùng nhau mỗi ngày. Nếu trước kia bàn ăn được sắp xếp gọn gàng thì giờ chúng mình lấy hộp gỗ làm bàn, đám gỗ đang dở dang làm ghế, cơm vẫn ngon mà cuộc sống của 2 đứa lại nhiều màu sắc hơn” – Hoài Thu chia sẻ về những ngày nhà cửa còn ngổn ngang.
Bộ sofa tốn nhiều thời gian nhất của cặp vợ chồng trẻ. Trong khi Brett đóng ghế thì Thu may vỏ đệm và gối dựa. |
Chiếc ghế sofa đang thành hình. |
Những ngày mới bắt đầu, họ mất khá nhiều thời gian để hoàn thiện một món đồ, vì phải vừa học vừa thực hành. “Anh là người có khả năng tự học tốt và rất ham học hỏi. Những lúc rảnh hay cần làm chi tiết gì chưa chắc chắn lắm, anh lại ngồi xem Youtube hoặc các trang DIY nhiều giờ liền, bao giờ thấy thật ưng thì mới thôi”.
Về sau, khi công việc đã quen thì tốc độ làm nhanh hơn rất nhiều. Nếu không kể thời gian chờ dầu Trẩu khô (loại dầu để bảo vệ đồ gỗ), thì cặp đôi mất khoảng 7-10 ngày để hoàn thiện chiếc giường, 2-3 ngày cho cái tủ, kệ bếp đơn giản nên chỉ cần 2-3 tiếng. Trong khi đó, Thu may rèm cửa mất khoảng nửa ngày một bộ, nhưng ghế sofa thì mất khoảng 1 tuần…
Sau hơn 2 tháng, Thu và Brett đã hoàn thiện những món đồ thiết yếu nhất. Tuy nhiên, sau đó cặp đôi vừa phải đi làm vừa tranh thủ thời gian rảnh rỗi nên đến hơn 1 năm sau, họ mới hoàn thiện mảnh rèm cửa cuối cùng của căn hộ.
Chiếc giường, kệ quần áo, ghế ngồi, chăn ga gối đệm, rèm cửa... đều là sản phẩm "nhà làm". |
Họ chọn cách đóng tủ quần áo dạng mở để nhắc mình luôn phải sắp xếp đồ gọn gàng. |
Nhớ lại hơn 1 năm qua, Thu chia sẻ: “Thời điểm chúng mình mới bắt đầu dự án này, căn hộ của chúng mình vừa là chỗ ăn ở, vừa là cái xưởng của 2 đứa. Có hôm đi làm về mệt quá mà nhìn đồ đạc trong nhà bừa bộn, bụi bặm, lại không biết đến ngày nào mới xong mình thấy nản ghê gớm, thế là mình rưng rưng nước mắt nói với anh cảm xúc của mình. Anh lại rỉ mật vào tai, thế là mình cũng quên hết mệt mỏi luôn”.
Và những ngày sau, mỗi khi làm xong việc sớm hoặc biết Thu sắp về, Brett lại chủ động dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ để khi vợ về không phải cáu bẳn nữa. Đó cũng là một đức tính mà Thu rất trân trọng ở chồng.
Chiếc ghế được nhặt từ bãi rác về, hai vợ chồng tháo ra giữ lại khung ghế và may thêm đệm ngồi. |
Suốt hơn 1 năm cùng nhau thực hiện dự án cho ngôi nhà nhỏ, ngoài việc giảm được rất nhiều chi phí thuê nhà và mua đồ mới, điều mà cặp đôi nhận được nhiều nhất là sự kết nối với mỗi món đồ trong nhà. Bởi vì mỗi sản phẩm dường như đều có tâm hồn riêng sau khi được hoàn thành.
“Thỉnh thoảng, Brett còn ngồi nói chuyện với mấy khúc gỗ như nói chuyện với con mình, hoặc vuốt ve mấy thanh gỗ rồi nói với mình ‘Anh yêu tất cả những chi tiết trên thanh gỗ này, cả những mấu tròn, cả những chỗ chưa hoàn hảo của nó’. Đó là thứ kết nối mà với mình việc mua những sản phẩm làm sẵn khó có được”.
Căn bếp xinh xắn nơi hai vợ chồng cùng nhau nấu nướng, dọn dẹp. |
Hiện tại, cả 2 vợ chồng Thu và Brett đều đang phải ở nhà vì công việc tổ chức các khoá học kỹ năng sống của cặp đôi tạm dừng vì dịch bệnh. Tuy nhiên, họ chọn nhìn vào phần tích cực của vấn đề và tự tìm niềm vui mỗi ngày trong không gian căn hộ của mình.
Những lúc rảnh, họ lại cùng nhau làm thêm mấy món đồ trong nhà, chơi với mèo, may vá, nướng bánh, nấu ăn, hoặc cùng ngồi xem phim với nhau. Cả hai còn có sở thích leo núi, cắm trại, nên nếu nhớ ngủ lều quá họ lại mang lều, trại, bàn ghế ra dựng lên rồi pha trà luôn trong phòng khách. “Tuy không được như cắm trại thật nhưng vẫn vui vô cùng” – Thu chia sẻ.
Là người ham học hỏi, Brett vừa tự tìm tòi vừa thực hành từng sản phẩm. |
May vá cũng là công việc Thu yêu thích những lúc rảnh rỗi. |
Cặp đôi có rất nhiều sở thích chung. Hiện tại, cả hai đang tự tìm niềm vui với những công việc ở nhà trong thời gian giãn cách. |
Đăng Dương
Nữ giám đốc Cần Thơ trồng vườn rau xanh mướt trên sân thượng
Tranh thủ thời gian nghỉ dịch Covid-19, chị Mỹ Hiền đi gom bã mía, đất, thùng nhựa... mang lên sân thượng tự thiết kế vườn rau. Gần ba tháng sau, chị thu hoạch đủ loại rau cho bữa cơm gia đình.