Khoảng 1.200 bức tranh minh họa "Lục Vân Tiên" nằm im lìm tại Paris từ năm 1899. Bản thảo quý chỉ được biết tới khi Giáo sư Phan Huy Lê thăm Pháp và phát hiện vào năm 2011.
Giáo sư Phan Huy Lê được phong Viện sĩ Thông tấn Pháp vào năm 2011. Nhân dịp đó ông tới thăm Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp, được dẫn đi thăm kho lưu trữ của Viện. Trong nhiều tư liệu về Đông Dương, Giáo sư Phan Huy Lê lập tức nhận ra một bản tranh minh họa truyện thơ Lục Vân Tiên với tranh màu sống động được làm từ hơn một thế kỷ trước. Ông cho rằng đây là một bản thảo "đẹp hoàn hảo" mang giá trị về mỹ thuật, lịch sử lớn. Một dự án bảo tồn, nghiên cứu bản thảo được thành lập. Mới đây, bản thảo quý được số hóa và phát hành thành sách. Ông Pascal Bourdeaux - người tham dự việc số hóa và xuất bản sách - trao đổi về bản tranh minh họa truyện thơ Lục Vân Tiên.
Những bức tranh màu sống động được vẽ từ năm 1895 - 1897 là tư liệu quý về mỹ thuật, lịch sử. |
- Bản thảo minh họa truyện thơ “Lục Vân Tiên” đã được thực hiện như thế nào?
- Truyện thơ Lục Vân Tiên dịch sang tiếng Pháp từ năm 1864. Một sĩ quan hải quan Pháp là Eugene Gibert muốn minh họa tác phẩm bằng tranh màu. Ông nhờ Lê Đức Trạch (một nghệ nhân trang trí cung đình Huế) đứng ra tổ chức minh họa trong hai năm từ 1895 tới 1897. Trở về Pháp, Eugene Gibert đã tặng bản thảo lại cho Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp vào năm 1899.
- Là người làm việc với bản thảo tác phẩm trong thời gian qua, theo ông tại sao Eugene Gibert lại chọn minh họa truyện thơ "Lục Vân Tiên" mà không phải tác phẩm nào khác?
-Theo tôi thơ Nguyễn Đình Chiểu ảnh hưởng rất lớn tới văn hóa đời sống con người Nam bộ. Người Pháp muốn hiểu được phía Nam Việt Nam thì chọn dịch thơ Nguyễn Đình Chiểu là đương nhiên.
Thơ Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp nhiều lần, tới nay tôi được biết có bảy bản dịch. Trước khi Eugene Gibert nhờ Abel des Michels dịch sang tiếng Pháp, đã có những bản dịch khác của Lục Vân Tiên trên báo của Pháp.
Trong lời ghi chú đầu bản thảo, Eugene Gibert cũng bày tỏ nguyện vọng làm bản minh họa Kim Vân Kiều. Nhưng ông phải sớm về Pháp nên chưa kịp hoàn thành nguyện vọng.
Truyện thơ "Lục Vân Tiên" có tranh minh họa từ năm 1897 được xuất bản thành sách vào năm 2016. Ảnh: Việt Hà |
- Theo ông, tại sao Gilbert tặng bản thảo quý cho Viện Hàn lâm Văn khắc và Mỹ văn Pháp?
- Từ năm 1899, bản thảo này đã được đăng ký lưu chiểu tại Paris. Có lẽ do Viện Văn khắc lúc đó rất quan tâm tới phương Đông. Lúc đó Viện Viễn đông Bác cổ chưa ra đời, chứ nếu được tặng cho Viện, có thể bản khắc này sẽ có vòng đời khác.
- Bản thảo được làm từ năm 1897 có những gì?
- Tác phẩm gồm hai phần: Phần bài viết bằng chữ Nôm được in hai mặt và được đánh trang từ phải qua trái. Phần thứ hai là các trang có viết thơ Nôm và có tranh trang trí màu. Giữa các trang tranh minh họa và ghi chú còn có một tờ giấy pơluya (pelure) để bảo vệ tranh vẽ khỏi nhòe.
- Ông có thể miêu tả rõ hơn về các tranh minh họa – nội dung làm nên giá trị đặc biệt của bản thảo?
- Tại mỗi trang minh họa, phần thơ Nôm được in ở giữa, xung quanh là bốn hoặc sáu tranh màu miêu tả nội dung thơ. Nghệ nhân vẽ bằng bút chì trên giấy, sau đó tô màu nước. Các mẩu tranh nhỏ vẽ theo phong cách panoramique (hình toàn cảnh). Các tranh phía bên trái và bên phải thường để giới thiệu con người, cây cối, văn hóa, đời sống người Nam bộ thế kỷ 19. Có những trang cả bốn tranh đều để miêu tả nội dung câu chuyện. Tái hiện logic hành động tình tiết tác phẩm.
- Quá trình đưa bản thảo thành sách, nhóm thực hiện gặp khó khăn gì?
- Tài chính là khó khăn đầu tiên. Với bản thảo rất hay này, chúng tôi đã dành mọi nguồn lực để số hóa tư liệu trung thành nhất. Chúng tôi nhờ các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp để làm công việc này. Thư viện Hàn lâm Văn khắc đã tạo điều kiện cho chúng tôi tối đa để làm việc, bởi như các bạn biêt bản thảo được lưu giữ tại nơi không phải ai cũng vào được.
Ngoài tài chính, chúng tôi đã giải quyết những khó khăn về kỹ thuật. Hiện nay tranh khắc dân gian Việt Nam tại Viện Viễn đông Bác cổ được chú ý, chúng tôi đã quen với việc này số hóa tư liệu này.
- Bản thảo được xuất bản thành sách theo hình thức nào?
- Sau khi số hóa, chúng tôi cố gắng để in ra giấy giữ được màu sắc sống động giống nguyên bản nhất.
Sách in thành hai tập. Tập một in toàn vẹn bản thảo, nhưng phần thơ in bốn thứ tiếng: Pháp, Anh, Việt, chữ Nôm. Tập hai chúng tôi in các chú giải về bản thảo quý giá đã in trong tập một. Trong đó, chúng tôi có tham chiếu lịch sử, bổ sung một số hình ảnh, thơ Hán Nôm đã chuyển sang Quốc ngữ Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về truyện thơ “Lục Vân Tiên” có tranh minh họa?
- Đây là một tác phẩm giá trị, có một không hai. Văn bản cung cấp nhiều chú giải về khoa học mà các nhà nghiên cứu có thể tiến hành nghiên cứu nhiều vấn đề như: lịch sử nghệ thuật, lịch sử hội họa… Đây cũng là nguồn cho giới học giả Việt Nam tham khảo. Trong lần xuất bản này, chúng tôi đề xuất dịch tiếng Anh từ tiếng Pháp. Đây là công trình nghiên cứu, phát huy văn hóa phi vật thể. Chúng tôi mong muốn tương lai có nhiều dự án như vậy.
Lục Vân Tiên là tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19 và được Trương Vĩnh Ký cho xuất bản lần đầu tiên năm 1889. Tác phẩm được đánh giá là một tác phẩm về luân lý, cốt bàn đạo làm người với quan niệm "văn dĩ tải đạo". Tác giả đem gương người xưa mà khuyên người ta về cương thường - đạo lý. |