Sinh viên đi học nhưng lại rất lười đọc sách. Nghe thì có vẻ phi lí nhưng đó lại là sự thật. Dường như việc đọc sách ngày càng trở nên là thứ “ xa xỉ ” đối với học sinh, sinh viên.

Nghe-nhìn lấn sân, đọc lép vế

Gặp Tuấn Anh (SV năm thứ 3-Học viện Báo chí và tuyên truyền) trong nhà sách Nguyễn Văn Cừ. Thấy cậu đi từ đầu nhà sách đến cuối nhà sách dáo dác tìm gì đó. Tưởng dân nghiền sách, tôi bắt chuyện. Tuấn Anh nói: “Mặc dù mình rất gần nhà sách, học ba năm ở đây nhưng đây là lần đầu tiên mình đặt chân vào”. Khi được hỏi vì sao thì cậu bạn cười rất tươi rồi vô tư nói: “Thấy đứa bạn nói trong này có nhiều sách hay lắm, vào xem sao…!”

Bây giờ, rất hiếm bắt gặp hình ảnh một SV ngồi hàng giờ, ôm khư khư quyển sách đọc ngấu nghiến từ đầu sách đến cuối sách. Có chăng họ đọc theo “mốt”, theo “phong trào”. Thấy người ta đọc thì mình cũng mua về đọc cho biết để có cái mà đến lớp bàn tán với bạn bè.

Giới trẻ hiện nay thường viện cớ như “không có thời gian” hay “túi tiền không cho phép mua những cuốn sách bạc trăm”… nhưng lại có thể mua những sản phẩm của công nghệ như máy tính xách tay, điện thoại di động tiền triệu, thời gian rảnh thì chơi thể thao, đi shopping, hay… online cả ngày.

 

Thư viện các trường đại học “khát”sinh viên

Tại thư viện của các trường đại học, cao đẳng luôn có các phòng đọc để sinh viên đến đọc sách báo, nghiên cứu tài liệu. Nhưng buồn thay, số lượng sinh viên lên phòng đọc thư viện các trường hằng ngày còn rất khiêm tốn.

Sinh viên, những người vẫn thường được coi là sóng đôi với sách hiện nay cũng không mấy người có thói quen đọc sách. Có lẽ sách bắt buộc họ phải đọc chỉ là những cuốn chuyên ngành hoặc bắt buộc tham khảo để thi.

Chính nhiều sinh viên cũng thừa nhận: Việc cầm một quyển sách 200-300 trang chữ và đọc là vô cùng khó khăn, nhất là những quyển sách về lịch sử, chính trị, kinh tế... Bởi đọc sách chiếm khá nhiều thời gian, mà nội dung của những quyển sách này lại dễ gây mệt mỏi, buồn ngủ. Mỗi khi cần sử dụng kiến thức của một lĩnh vực nào đó, họ chỉ việc lên google, gõ và nhấn enter. Thông tin tìm được quá dễ dàng. Còn đọc sách để giải trí ư? Trong khi có quá nhiều hình thức giải trí mới lạ, hấp dẫn, thì sách được xếp xuống danh mục cuối cùng.

Hoa (SV Trường ĐH Sư phạm Hà Nội): “Thấy các tác phẩm đồ sộ như Tam quốc diễn nghĩa, Những người khốn khổ… là tụi mình ngại đọc lắm. Sinh viên mà, làm gì có thời gian “xơi” hết mấy món này”. Khi được hỏi, vậy khi đi thi bạn lấy tư liệu đâu làm bài, bạn Hoa trả lời: Khó gì, mình lên Google tìm bản tóm tắt, đọc cho lẹ rồi kiếm một vài chi tiết “đinh” của tác phẩm là được”.

Còn Hiếu (SV Trường ĐH Công Đoàn ) cho rằng: “Bây giờ, công nghệ thông tin phát triển, muốn kiếm tài liệu chuyên ngành mình lên mạng “sợt” (search - tìm) rồi tải về, nhanh chóng, gọn nhẹ, hơi sức đâu vô thư viện kiếm tài liệu”.

Trào lưu đọc online

Công nghệ thông tin phát triển, SV bây giờ vào mạng có thể săn tìm cả ngàn tác phẩm chỉ trong một vài giờ. Họ tha hồ lựa chọn những cuốn sách theo bình phẩm của những người đã đọc trước đó chỉ cần một cái click chuột. Lướt thêm xuống phần nhận xét, bình luận, họ sẽ biết tác phẩm đó hay dở thế nào.

Giới trẻ bao giờ cũng thích những thông tin “nóng bỏng tay”, họ luôn muốn mình trở thành người “biết trước thiên hạ” tất cả mọi điều đặc biệt là tin tức. “Đọc online” cho họ cảm giác “bắt kịp thời đại” và đôi khi “biết trước” người khác.

Linh, sinh viên Thương mại, trước là fan của báo giấy, tuần nào cũng mua ít nhất 2 đến 3 quyển tạp chí giờ chuyển sang đọc online, nói: “Công nhận đọc online vừa nhanh, vừa tiết kiệm. Với giá 3 quyển tạp chí khoảng 30 nghìn, tớ có thể ngồi hàng giờ trước máy tính, đọc hàng đống báo chí khác nhau cùng một lúc rồi với hình ảnh đẹp chẳng kém gì ở các tờ báo giấy thông thường”.

Còn Minh, sinh viên Ngoại ngữ, nói: “Báo mạng, đặc biệt là những trang web lớn, cập nhật thông tin rất nhanh và chính xác. Mỗi lần mở máy, mình có thể đọc được tin mới nhất, mới xảy ra cách đó chỉ chừng 30 phút hoặc một tiếng”.

Giờ giới trẻ online luôn đi kèm với chat, trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc với bạn bè. Hoàng, sinh viên Kinh tế, một fan của tiểu thuyết mạng: “Đọc online rất thú vị, nhiều khi đọc được cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn hay, tin nào lạ, mình thường “send” ngay cho các bạn đường link, họ đọc và nhiều người cho biết ý kiến, có khi là đồng tình, có khi là phản đối.

Đọc online ngày càng tỏ ra chiếm ưu thế so với đọc sách trên giấy truyền thống. Theo ý kiến của nhiều bạn sinh viên: Đọc online phát triển chứng tỏ giới trẻ Việt Nam đang bắt kịp với xu thế hiện đại của thế giới. Đó là một sự bổ sung cần thiết cho “văn hóa đọc” khi mọi thứ đã được số hóa, được internet hóa.

Đi tìm lời giải…

Ngày nay văn hóa nghe nhìn đã lấn át văn hóa đọc. Các thiết bị nghe nhìn hiện đại như: điện thoại di động, máy nghe nhạc MP3, máy xem phim MP4, internet… rất phổ biến và tiếp cận sâu rộng trong giới trẻ. Sự tiện ích của các phương tiện trên đã làm cho SV dần dần lười đọc sách. Nhiều SV cho rằng: Tất cả nằm ở internet, cứ “enter” sẽ có tất cả, không cần phải tra cứu sách.
 


 

Sinh viên có còn hứng thú với việc đọc sách?

Có đến 1001 lý do khiến SV ít “kết thân” được với sách. Họ cho rằng không thể ngồi cầm quyển sách mà “nhâm nhi” như các cụ ngày xưa. Học, làm thêm, giải trí và cả thời gian để… yêu nữa đã chiếm hết quỹ thời gian của họ. Khi làm bài, họ chỉ đọc chắp vá ở đâu đó hoặc download những bài viết có sẵn từ internet. Thời buổi @, họ chạy đua với thời gian để kiếm tiền, để cạnh tranh tìm việc làm nên việc đọc và nghiền ngẫm các tác phẩm là không tưởng, là “hâm” (?!).

Vào những ngày cuối tuần, các nhà sách như Trí Tuệ, Nguyễn Văn Cừ, Tiền Phong… các hiệu sách bán hạ giá trên đường Phạm Văn Đồng, Đường Láng, lượng SV vào xem rất đông. Chủ một hiệu bán sách trên đường Láng chép miệng: Những người nào chủ định vào mua sách thì mua rất nhanh. Họ nói tên sách, mình lấy ra, họ trả tiền rồi đi luôn. Còn những ai đứng lâu thì thường là để… “coi cóp”. Họ đọc qua một vài quyển rồi chọn đại một quyển nào đó thấy hay hay. Có khi họ chẳng mua quyển nào cả.

Nhiều sinh viên đang bỏ rơi sách, nhưng chính họ cũng đang bị bỏ rơi trong việc định hướng nên đọc sách gì giữa một rừng sách đầy phức tạp và bát nháo hiện nay. "Muốn đọc sách thì trước hết phải chọn sách để đọc, sinh viên chúng tớ đang rất lúng túng ở khâu này thì lấy gì đòi hỏi niềm đam mê đọc sách ở chúng tớ" -  Hải, sinh viên Trường ĐH Bách khoa, phân trần.

Mỗi ngày có hàng trăm, hàng ngàn đầu sách mới ra đời. Và cũng có hàng chục, hàng trăm cách tiếp thị cho đầu sách đó. Nhưng để lớp trẻ thực sự quan tâm và đam mê đọc thì đó lại là một vấn đề lớn đặt ra cho các trường học cũng như các nhà xuất bản. Những ngày hội cho văn hoá đọc, những buổi thảo luận về sách cho SV cũng vẫn chưa nhiều. In sách không nên vì số lượng mà hãy chú trọng chất lượng trong đó. SV năng động, thích cái mới nhưng cái mới thể hiện trong sách phải thể hiện một cách phù hợp và “đẹp mắt”.

Đi tìm lời giải, nhưng câu trả lời thực sự thì vẫn nằm trong suy nghĩ của sinh viên…

Lê Nho Việt