- Thời gian gần đây, người ta rộ lên phong trào tố đạo nhái như mọi phong trào khác trong giới trẻ. Phong trào này là gì? Vì sao người ta lại ham thích nó đến như vậy? ... là những câu hỏi cần được giải đáp.

Tố trước, thanh minh sau

Đạo là từ cổ chỉ hành vi ăn cắp. Hiện nay, từ này được áp dụng khá rộng rãi để chỉ cả việc ăn cắp những thứ phi vật thể: đạo văn, đạo thơ, đạo nhạc, đạo ý tưởng; rồi bây giờ có cả: đạo hình ảnh, đạo phong cách, đạo vũ điệu... Có vẻ như bất cứ thứ gì cũng có thể gán ghép vào tội ăn cắp.

Loại trừ những trường hợp hồn nhiên đạo nhái, các ca sĩ vẫn hay nói đùa nhau rằng bây giờ hé môi ra là bị quy tội ăn cắp, có khi chụp một shoot ảnh mới cho vui cũng bị tố đạo. Mới đây, loạt ca sĩ trẻ Isaac, Sơn Tùng M-TP, Đào Bá Lộc vừa ra mắt sản phẩm mới còn chưa ‘nóng chỗ’ đã dấy lên đủ thứ nghi án đạo nhái trên mạng xã hội.

{keywords}
Đào Bá Lộc bị xúc xiểm vì nghi đạo nhạc Jay Chou.

Khán giả sốt sắng tố đạo nhạc đã đành, đến những nghệ sĩ với nhau xem chừng cũng rất chuộng phong trào này. Đơn cử như trường hợp ca sĩ Vũ Cát Tường bị một nhạc sĩ đàn anh tố đạo nhạc 'dằn mặt' vì cô dám phát ngôn động chạm đến sao nam Sơn Tùng. Song ngay sau đó, nhạc sĩ này cũng bị khán giả 'khai quật' lại một nghi án đạo nhạc cũ như một động thái trả đũa.

Thỉnh thoảng, vài nghệ sĩ lại lên tiếng đá xéo tư cách của một đồng nghiệp giấu tên nào đó chuyện đạo nhạc. Trong các cuộc thi truyền hình thực tế, khán giả tố thí sinh đạo nhái, các thí sinh tố nhau loạn xạ... cũng không còn là chuyện hiếm. Môi trường showbiz vốn thị phi nay càng thêm hỗn loạn vì những lời tố vô tội vạ như thế.

Dần dà người ta quen với công thức "tố đạo trước, thanh minh sau". Thấy sản phẩm mới ra mắt, người ta cứ tố đạo nhái trước đã, chính chủ có ra mặt thanh minh hay không thì… tuỳ. Người không quen với motif như vậy sẽ thấy khó chịu. Song người đã quen sẽ không bận tâm, hoặc thậm chí nghĩ về cách trục lợi nếu đủ khôn khéo.

Vì sao tố đạo nhái nguy hiểm?

Cách thức hình thành một nghi án đạo nhái rất dễ vì hầu như không mất gì ngoài một tin đồn mạng được tung lên trong tích tắc. Bây giờ người ta tố kì công hơn xưa, có hẳn những trang chuyên chế ảnh, làm clip tố đạo nhái. Tin đồn vẩn vơ song sức lan truyền thì khủng khiếp vô chừng vì tâm lý ai cũng thích nghe chuyện bất ngờ.

Nếu diễn đàn mạng đủ ồn ào, truyền thông sẽ nhảy xổ vào, "nâng tầm" tin đồn lên thành một sự vụ chính thức. Từ đó, một nghi án đạo nhái ra đời.

Nguy hiểm ở chỗ: cách tạo ra thì quá dễ nhưng căn cứ thì hầu như không có. Lật lại toàn bộ các vụ đấu tố đạo nhái trong mấy năm nay, rất ít vụ nào được khơi nguồn từ những cái tên uy tín, những bài viết phân tích giàu chuyên môn. Oái ăm thay thường lại là những dòng viết ngắn ngủi, ảnh ghép, clip ghép vu vơ, trôi nổi trên mạng.

Nghịch lý ở showbiz Việt là khán giả quan tâm đời tư hơn là sản phẩm của nghệ sĩ. Nhưng riêng nghi án đạo nhái thì sức hút chẳng kém bất kì scandal đời tư nào. Nó cho thấy sức ảnh hưởng của một vụ tố đạo nhái thường là rất lớn.

{keywords}
Liệu mỗi sao Hàn G-Dragon mới được quyền nổi loạn?

Thực tế, lịch sử nhạc Việt từng xảy ra những vụ tố đạo nhái làm rung chuyển cả thị trường giải trí. Cách đây hơn 10 năm, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã lên danh sách bí mật gồm hơn 70 ca khúc bị nghi là đạo nhạc của toàn nhạc sĩ tên tuổi. Trong đó, vụ việc của nhạc sĩ Bảo Chấn được xem như phát súng đầu tiên bắn chỉ thiên cảnh cáo. Song cũng vì thế mà nhạc sĩ tài hoa này đã gần như biến mất, mãi đến năm 2013 mới xuất hiện hoạt động sôi nổi trở lại.

Trong vòng 6 năm đổ lại đây, hai vụ được xem là quy mô nhất, kéo dài nhất, thậm chí có sự can thiệp từ nước ngoài là nghi án ca khúc Chắc ai đó sẽ vềChúng ta không thuộc về nhau đạo nhạc, bất ngờ đều trùng hợp được sáng tác và thể hiện bởi sao nam trẻ Sơn Tùng M-TP.

Hai vụ việc đều thu hút sự theo dõi khổng lồ. Khắp các diễn đàn mạng những ngày này không chỗ nào không có tranh cãi. Từ khán giả, truyền thông đến các nhạc sĩ đã chia phe phái vì Sơn Tùng. Cho đến khi cơ quan chức năng can thiệp thì vụ việc mới lắng xuống.

Ai đang lợi dụng nghi án đạo nhạc?

Chính vì dễ thực hiện lại hiệu quả cao, nhiều người không còn xem tố đạo nhái là một phiền toái, thậm chí nếu biết cách trục lợi, nghi án đạo nhái chính là món ngon béo bở.

Sau nhiều lần bị tố đạo nhái, sao nam trẻ Sơn Tùng hầu như ngày càng đắt show, sức hút từ sản phẩm của anh cũng tăng vọt đến kinh ngạc. ‘Được mùa’ như vậy, sản phẩm gần đây nhất của anh là MV Chúng ta không thuộc về nhau giống với bản hit toàn cầu We don’t talk anymore đến bất ngờ. Song tinh vi ở chỗ sự giống nhau này dường như có toan tính.

Cộng thêm thời điểm tung sản phẩm gần như liền kề, nhiều khán giả đã tự hỏi liệu đây có phải là một nghi án được ekip đằng sau Sơn Tùng chủ ý sắp đặt. Nhưng dù thế nào đi nữa, lượng nghe xem của sản phẩm này vẫn bứt lên khủng khiếp khi nghi án qua đi.

{keywords}
MV này có lượt nghe xem cao ngất ngưởng.

Một trường hợp khác cũng bị nghi ngờ có chủ ý là ca khúc Lần đầu của ca sĩ Bảo Anh. Trong bài hit của mình, cô công nhiên sử dụng một intro trong ca khúc kinh điển Be my lover song khi quảng bá lại không thấy nhắc đến hay thông báo gì. Đến khi nghi án đạo nhạc bị khuấy tung lên, phía Bảo Anh mới đưa ra đầy đủ bản quyền, chứng minh quyền sử dụng hợp pháp đoạn intro nói trên.

Tố đạo nhái đang dần trở thành một trào lưu hot. Người tố là người dùng mạng, nghệ sĩ hay blogger đi nữa thì vẫn có mục đích riêng của mình. Có người tố đạo nhạc để đấu tranh cho nền giải trí văn minh, hiện đại. Có người tố để thoả mãn ham muốn cá nhân. Cũng có người tranh thủ để ‘kiếm chác’ chút danh tiếng, tên tuổi. Nhất là trong thời đại cú bấm thích, lượt chia sẻ cũng hái ra bộn tiền.

Dần dà giống nhau đôi ba nốt nhạc, một giai điệu nghe hao hao đến thậm chí cái áo, sợi dây chuyền, mẫu tattoo cũng trở thành đạo nhái. Riêng với Sơn Tùng, từng cử chỉ, động tác, dáng đi đứng, cái nháy mắt, cú cười nhếch mép… cũng có thể thành nghi án đạo ngôi sao xứ kim chi G-Dragon.

Người tố thì cứ tố vô tội vạ vì hầu như không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì. Người bị tố thường dọa kiện nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai kiện gì, hoặc có kiện tụng cũng chẳng đi tới đâu. Thành thử ra thực trạng tuy nhức nhối đã nhiều năm song không có cách gì giải quyết.

Cuối cùng, đối tượng bị thiệt thòi tưởng như chỉ có các ca sĩ trẻ nhưng hoá ra còn là chính khán giả. Nghệ sĩ nay phải chịu thêm áp lực, thậm chí nên quen dần với việc bị ‘ném đá’ khi nghi án đạo nhái có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Còn đối với bản thân người nghe, nếu mải sa đà vào việc soi mói đạo nhái mà không dựa trên nền tảng hiểu biết lâu ngày sẽ ủ bệnh tâm hồn, với kiến thức, tư duy và thẩm mỹ nghệ thuật cụt què, méo mó.

Gia Bảo