Liên tiếp thời gian qua, nhiều người mang thương tật suốt đời, thậm chí tử vong sau khi phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở chui. Thực trạng này lại thêm hồi chuông cảnh báo cho việc làm đẹp không an toàn. Hiện nay, TP.HCM là nơi có nhiều cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ nhất cả nước.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo người dân nên tìm hiểu kỹ, chọn lọc các thông tin quảng cáo thẩm mỹ trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử trước khi làm đẹp cho mình.
Nhiều cơ sở thẩm mỹ viện hành nghề không phép, làm quá chuyên môn...
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, 8 tháng đầu năm, UBND TP và Sở Y tế đã ban hành 7 quyết định xử lý vi phạm hành chính các cơ sở không phép trong lĩnh vực thẩm mỹ viện, chăm sóc da, spa, phẫu thuật thẩm mỹ không phép trên địa bàn thành phố (có thực hiện tiêm filler, botox...). Tổng số tiền xử phạt là hơn 728 triệu đồng.
Mới đây nhất, ngày 7/10, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết, cơ sở thẩm mỹ HD Korea Clinic (186A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 6, quận 3) bị xử phạt 95 triệu đồng, đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời gian 9 tháng.
Cơ sở thẩm mỹ này được quảng cáo là trung tâm làm đẹp với đội ngũ bác sĩ nổi tiếng Hàn Quốc và bác sĩ hàng đầu Việt Nam. Quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận, cơ sở cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không có giấy phép hoạt động; người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề.
Một cơ sở làm đẹp khác tại lô B601, Cao ốc Đất Phương Nam - Căn hộ 1006 tầng 10, tòa nhà Indochina Park Tower (số 4 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1) do bà Hà Thị Hợi làm chủ cũng vừa bị xử phạt 82,5 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 9 tháng là hộ kinh doanh (KD) do hành nghề khi chưa có giấy phép hoạt động, chưa có giấy chứng nhận KD.
Qua kiểm tra, lực lượng kiểm tra còn phát hiện các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.
Các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ lớn phải thực hiện tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở thẩm mỹ trước khi chọn nơi làm đẹp
Từ những vụ việc hành nghề thẩm mỹ, làm đẹp không phép, sai phép, quảng cáo quá phạm vi chuyên môn, Sở Y tế TP.HCM đưa ra khuyến cáo đến người dân lưu ý khi có nhu cầu chăm sóc sức khỏe nói chung và các dịch vụ thẩm mỹ nói riêng.
Theo Sở Y tế TP.HCM, các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ lớn như: nâng ngực, hút mỡ... phải thực hiện tại các bệnh viện đã được Bộ Y tế phê duyệt danh mục kỹ thuật.
Đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ như phun, xăm, thêu trên da; spa, chăm sóc da thông thường: phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, có bảng hiệu rõ ràng. Các cơ sở này không được thực hiện các kỹ thuật phẫu thuật thẩm mỹ như cắt mắt, nâng mũi, tiêm chất làm đầy, hút mỡ và các dịch vụ xâm lấn liên quan đến y tế.
Đối với các cơ sở có thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ như tiêm chất làm đầy, tiêm filler, tiêm truyền trắng da, lăn kim hay các dịch vụ có gây chảy máu khác, cắt mí, nhấn mí..., phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép KD, giấy phép hoạt động, bác sĩ có chứng chỉ hành nghề đúng phạm vi được cấp phép, danh mục kỹ thuật cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, có niêm yết giá cụ thể, chi tiết.
Sở Y tế TP.HCM cho biết, hiện nay, Sở Y tế đã đưa ra các ứng dụng tiện ích để người dân thuận tiện phản ánh các cơ sở có dấu hiệu vi phạm; tra cứu cơ sở khám, chữa bệnh, chọn lựa hay quyết định sử dụng dịch vụ y tế chăm sóc sức khỏe cho mình. Các ứng dụng được tích hợp vào điện thoại để người dân truy cập thông tin, gồm: Tra cứu cơ sở khám, chữa bệnh. Phần mềm quản lý danh mục kỹ thuật. Y tế trực tuyến để người dân cung cấp các thông tin: cơ sở hoạt động không phép, hoạt động quá phạm vi được làm, quảng cáo vượt quá phạm vi hay các cơ sở có dấu hiệu vi phạm...
Ngoài ra, người dân có thể tra cứu các cơ sở y tế có sai phạm đã được Sở Y tế TP công khai trên cổng thông tin điện tử của Sở Y tế hoặc Thanh tra Sở Y tế TP.HCM để người dân được biết và giám sát.
Theo Sức khỏe & Đời sống