Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 là tuyên truyền, giáo dục sức khỏe học đường trong trường học. Trong đó, chỉ tiêu đặt ra là 100% học sinh được tuyên truyền, giáo dục về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường, bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần; được giáo dục về dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn.

Về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý trong trường học, chương trình đặt ra chỉ tiêu tất cả trường học tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khoá, hoạt động ngoại khóa.

suat-an-2.jpg
Thực đơn suất ăn đảm bảo thành phần dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi.

Có thể thấy việc tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về sức khỏe và nâng cao kiến thức phòng, chống bệnh, tật học đường rất quan trọng. Thực tế hiện nay, tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, thừa cân, béo phì được xem là bệnh tật học đường phổ biến nhất.

Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ mắc các bệnh đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch và các bệnh mạn tính khác. Với trẻ thừa cân, béo phì, cần có chế độ dinh dưỡng khoa học giúp giảm lượng mỡ thừa mà vẫn đảm bảo dưỡng chất cho sự phát triển toàn diện của trẻ. 

Theo các bác sĩ khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ thừa cân, béo phì cần được đảm bảo khẩu phần ăn cân đối, hợp lý, nên phối hợp nhiều loại thức ăn, tránh ăn một loại thực phẩm nào đó. Nếu uống sữa nên uống không đường, trẻ lớn nên uống sữa gầy (sữa bột tách bơ), không nên uống sữa đặc có đường.

Nên ăn đều đặn các bữa, tránh bỏ bữa. Trẻ thừa cân, béo phì không nên để bị quá đói vì sẽ ăn nhiều hơn vào các bữa sau. Các món rán, xào, nên được hạn chế. Trong khi các món luộc, hấp, kho nên tăng cường. Các bé cũng nên nhai kỹ và ăn chậm (nếu ăn quá nhanh thì sẽ ăn nhiều hơn nhu cầu cần thiết), mỗi bữa ăn kéo dài 30 phút.

Để tránh ăn vặt ở trường, trẻ thừa cân, béo phì nên ăn no vào bữa sáng, giảm ăn về chiều và tối; Nên ăn nhiều rau xanh, quả ít ngọt. Giảm bớt gạo thay bằng khoai, ngô là những thức ăn cơ bản giàu chất xơ. Chọn ngũ cốc hoặc bánh mỳ có ít hoặc không có chất béo.

Trong những điều trẻ thừa cân, béo phì không nên làm, các loại nước ngọt có gas là thực phẩm đầu tiên nên tránh, cùng với các loại bánh kẹo, đường mật, kem, sữa đặc có đường. Trước khi đi ngủ, trẻ không nên ăn, không nên nhai kẹo cao su vì điều này sẽ khiến trẻ lúc nào cũng muốn nhai.

Trẻ cũng không nên học quá nhiều, nên tăng thời gian vận động, giải trí vui đùa chạy nhảy sau những giờ học căng thẳng.

Để giúp trẻ tăng cường vận động, các bậc cha mẹ cần quan tâm ủng hộ và tạo mọi điều kiện giúp trẻ năng động; thầy cô, cha mẹ tạo niềm thích thú của trẻ đối với các hoạt động thể thao. Lưu ý chú trọng những sở thích của trẻ tham gia các môn thể thao dễ dàng gần gũi với cuộc sống như: đi bộ đến trường, chạy, nhảy dây, đá bóng, đánh cầu lông, đá cầu, leo cầu thang….

Trẻ làm các công việc nhà như lau dọn nhà cửa, xách nước tưới cây, bưng bê đồ đạc… cũng là cách tăng cường vận động. Cùng đó, dù ở nhà hay ở trường, đi chơi, uống đủ nước để bù lại lượng nước trẻ mất qua mồ hôi trong quá trình luyện tập là điều cần thiết. Tăng cường các hoạt động thể lực ở trẻ, phối hợp cùng điều chỉnh chế độ ăn họp lý để kiểm soát tốt cân nặng, giúp trẻ phát triển chiều cao và duy trì sức khoẻ tốt.

Lê Na và nhóm PV, BTV