Xã Tân Cương nằm cách trung tâm thành phố Thái Nguyên 12km, được thành lập từ năm 1926, với đặc điểm là vùng đất bán sơn địa, chủ yếu là những gò đồi dạng bát úp, có độ dốc vừa phải, rất thích hợp với việc trồng các loại cây hoa màu, cây công nghiệp, đặc biệt là cây chè.

Nghề trồng và chế biến chè Tân Cương bắt đầu từ những năm 20 của thế kỷ XX. Đến nay, vùng chè Tân Cương có tổng diện tích trên 1.300ha, sản lượng trên 20.000 tấn/năm, tập trung chủ yếu ở ba xã Tân Cương, Phúc Trìu, Phúc Xuân.

Khu vực này có những điều kiện đặc trưng về thổ nhưỡng và khí hậu, thích hợp cho sinh trưởng và phát triển của cây chè. Sản phẩm chè Tân Cương cũng được Hội Kỷ lục gia Việt Nam công nhận lọt vào Top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam (2020 - 2021).

Một góc vùng chè Tân Cương

Người dân vùng Tân Cương chú trọng thực hiện quy trình trồng, chăm sóc cây chè theo kinh nghiệm truyền thống từ khâu làm đất, ươm giống, trồng chè đến bón phân, tưới nước, làm cỏ, thu hái, sao chè, đóng gói, bảo quản…, tạo nên chất lượng đặc biệt của vùng chè Tân Cương so với các vùng khác.

Với ý nghĩa đặc biệt này, ngày 14/2/2023, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 240/QĐ-BVHTTDL về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương” cho các xã thuộc vùng chè Tân Cương.

Phát biểu tại buổi Lễ, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP. Thái Nguyên và các xã trong vùng chè Tân Cương. Đồng thời đề nghị, trong thời gian tới, các sở, ngành, chính quyền, Nhân dân TP. Thái Nguyên và các xã trong vùng chè Tân Cương thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Hồng Sơn